Ngày 10/11, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM) cho biết vừa cứu sống một phụ nữ (ngụ Đồng Nai) tự tử bằng uống thuốc diệt cỏ.

Bệnh nhân được chồng đưa vào bệnh viện trong tình trạng khó thở, mệt, kích thích, lơ mơ, gọi không tiếp xúc, ói liên tục và nôn ra khoảng 50ml máu.

Gia đình cho biết 1 giờ trước khi nhập viện, người phụ nữ này đã uống thuốc diệt cỏ - thành phần là diquat, cùng nhóm với paraquat - do làm ăn thua lỗ. Tại nhà, người chồng đã sơ cứu ban đầu và ước lượng vợ đã uống một ngụm thuốc cỏ khoảng 10ml.

Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh, Khoa Nội tiết - Thận, cho biết liều lượng trên là mức ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong. Tại bệnh viện, SpO2 của bệnh nhân chỉ còn khoảng 90%-92%, có hiện tượng toan máu, men gan cao, thận suy. Bệnh nhân được xử trí đặt sonde dạ dày.

Theo bác sĩ Thanh, khi ngộ độc nhóm paraquat, bệnh nhân không được thở oxy vì sẽ tăng tổn thương phổi, xơ phổi và tử vong rất nhanh. Do đó, bác sĩ tư vấn lọc máu cấp cứu kịp "giờ vàng" để cứu sống bệnh nhân. Được sự đồng ý của người nhà, các bác sĩ tiến hành lọc máu hấp phụ liên tục 5 ngày cho người phụ nữ.

Sau 5 ngày, bệnh nhân đã ổn định, gan hồi phục, chức năng thận có cải thiện nhưng vẫn chưa được như ban đầu. Bệnh nhân sẽ được theo dõi thêm từ 1 đến 3 tháng sau khi xuất viện.

Bác sĩ Thanh cho biết ngộ độc các chất diquat, paraquat sẽ gây tổn thương đa cơ quan; bệnh nhân có thể tử vong do tổn thương xơ phổi, suy gan cấp, suy thận cấp, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhân cũng phải đối mặt các di chứng kể cả khi đã được cứu sống. Ngộ độc paraquat hiện nay không nhiều nhưng nếu với lượng lớn, tỉ lệ tử vong lên đến 90%.

Mỗi tuần, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận 3-5 ca ngộ độc, kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay. Phần lớn các nạn nhân uống thuốc trừ sâu hoặc Paracetamol, thuốc an thần.

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện người ngộ độc, cần phải cho họ nôn ra chất độc rồi đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Lưu ý, nên đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhà nhất thay vì chọn các bệnh viện lớn, bởi có thể mất đi "thời gian vàng", khả năng cứu sống sẽ thấp hơn.

60 phút sốc tim kéo người đàn ông khỏi "cửa tử"

Trưa 10-11, TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ), cho hay vừa cứu sống ca bệnh bị ngưng tim kéo dài.

Ông N.V.H (65 tuổi, ở Hậu Giang) đang ngồi nhà thì bỗng mệt, đau ngực trái, kèm khó thở. Ông được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng có dấu hiệu nhồi máu cơ tim.

photo-1

Các bác sĩ phải mất 60 phút hồi sinh quả tim đập lại, cứu người đàn ông

Kết quả chụp DSA mạch vành bệnh nhân có hiện tượng co thắt nặng, được bơm thuốc giãn mạch, mạch máu được nở ra, chỉ ghi nhận hẹp nhẹ ở đoạn gần động mạch liên thất trước nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (ICU) để tiếp tục điều trị nội khoa và không cần đặt stent mạch vành.

Lúc này, ông H. vẫn còn tỉnh táo, huyết áp ổn định nhưng mạch đập khá chậm. Sau khoảng 30 phút được chuyển đến ICU, ông bắt đầu có triệu chứng gồng người và ngưng tim, ngưng thở.

Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi, đồng thời thực hiện sốc điện và sử dụng thuốc vận mạch. Sau 60 phút, bệnh nhân bắt đầu có nhịp tim trở lại nhưng huyết áp vẫn tụt, đồng tử giãn to, hôn mê sâu nên được thở máy, sử dụng thuốc chống loạn nhịp.

12 giờ sau, bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại, dần dần cai máy thở, rút ống nội khí quản, phục hồi tri giác hoàn toàn, tay chân cử động và có thể ngồi ăn uống trở lại.

Theo BSCK1 Lưu Thị Phương, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức - S.I.S Cần Thơ, thông thường bệnh nhân cấp cứu khoảng 30-45 phút, đồng tử giãn rồi thì khó thoát khỏi "cửa tử". Tuy nhiên, ở trường hợp này phải cố gắng kéo dài đến 60 phút và may mắn đã đến.

Nguyễn Thạnh