Những ngày dịch bệnh, với người lớn là sự lo lắng, bức bối còn lũ trẻ cũng không khá hơn. Dù được ở nhà với bố mẹ nhưng vẫn muốn được đi học để gặp lại thầy cô, bạn bè là tâm trạng chung của nhiều em nhỏ. 

Có lẽ trong tâm trạng nhiều cảm xúc ấy, một học sinh lớp 4 tên Nguyễn Bảo Minh ở Hà Nội đã sáng tác bài thơ và vẽ bức tranh để bày tỏ nỗi niềm nhớ trường, lớp. Bài thơ gồm 4 đoạn miêu tả về những cảnh vật quen thuộc như sân trường, bàn ghế, phấn trắng... Mỗi sự vật qua ngòi bút của Minh trở nên thật sống động và đầy cảm xúc. 

Làm bài thơ bày tỏ nỗi nhớ trường, nhớ lớp, học sinh lớp 4 đặt tiêu đề có 2 từ ai đọc cũng phải thốt lên: Thông minh quá! - Ảnh 1.

Đặc biệt, tiêu đề bài thơ với hai từ được nhiều người nhận xét là thông minh. Bố Bảo Minh cho biết, lúc đầu, con đặt tên bài thơ là “Nhớ trường” nhưng sau khi nghe bố đọc to bài thơ thì con lại đổi tên thành “Trống không”. 

"Mình có hỏi thì con trả lời rằng, cái tên “Trống không” để thể hiện một ngôi trường trống không trong ký ức, và một ngôi trường không tiếng trống mùa khai trường. Cả mình và vợ đều cảm thấy con có một bước tiến thú vị về tư duy từ ngữ tiếng Việt”.

Làm bài thơ bày tỏ nỗi nhớ trường, nhớ lớp, học sinh lớp 4 đặt tiêu đề có 2 từ ai đọc cũng phải thốt lên: Thông minh quá! - Ảnh 2.

Bức tranh bé vẽ minh họa cho bài thơ cũng rất sinh động.

Văn học là một môn trừu tượng, gắn liền với cảm xúc, tâm trạng của người viết. Để viết ra những dòng văn hay, người viết cần phải có tâm hồn bay bổng, cũng như tình cảm phong phú. Với Bảo Minh, có lẽ "chất xúc tác" của những ngày ở nhà phòng dịch đã khiến nỗi nhớ của em như được nhân lên gấp bội và viết nên những câu chữ giàu cảm xúc đến như thế!