Theo thông tin được Channel News Asia (CNA) cập nhật và đăng tải: Trong năm 2023, ở các thành phố lớn của Trung Quốc, cứ 5 người trong độ tuổi 24-35 thì có 1 người không đi làm, chọn ở nhà, kiếm sống và nhận lương từ việc làm con của bố mẹ.

Trên các MXH ở Trung Quốc, hashtag #làmcontoànthờigian đã lọt vào top trending sau khi tỷ lệ người thất nghiệp ở quốc gia này tăng cao. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 18-35 ở khu vực thành thị đã tăng nhanh kỷ lục, từ 4,1% vào tháng 4/2023 lên 21,3% vào tháng 6/2023.

Bố mẹ trả tiền để được con cái hỗ trợ, chăm sóc trong cuộc sống

Kể từ đầu năm 2023, một ngày làm việc điển hình của Zhang Jiayi (31 tuổi) diễn ra như thế này: Cùng bố mẹ đi dạo buổi sáng rồi đi chợ, mua đồ và chuẩn bị trưa; đến buổi chiều, cô sẽ dọn dẹp nhà cửa trước khi chuẩn bị bữa tối. Thi thoảng, Zhang Jiayi cũng cùng bố mẹ đi khám sức khỏe hoặc đi thăm bạn bè, họ hàng.

Với tất cả những "đầu việc", Zhang Jiayi được bố mẹ trả mức lương 1500 USD/tháng (khoảng 36,8 triệu đồng). Chia sẻ với chương trình Money Mind của CNA Insider, Zhang Jiayi cho biết công việc của một đứa con toàn thời gian "không chỉ đơn thuần là ngửa tay xin tiền cha mẹ. Đó là việc thực sự tận hưởng khoảng thời gian chất lượng được ở bên cha mẹ" .

“Làm con ngoan full-time”: Nghề lạ kiếm ngàn đô của người trẻ Trung Quốc - Ảnh 1.

Zhang Jiayi cùng bố mẹ đi dạo kết hợp đi chợ buổi sáng

Tờ South China Morning Post (SCMP) cũng từng đăng tải câu chuyện về một người phụ nữ trung niên tên Nianan ở Trung Quốc. Sau hơn 15 năm làm việc cho một hãng thông tấn, Nianancảm thấy chán ngấy việc phải ngồi trực điện thoại và phải giao tiếp qua điện thoại gần như 8-10 tiếng làm việc mỗi ngày.

Biết con gái đang gặp khó khăn, bố mẹ Nianan đề nghị cô bỏ việc về chăm sóc họ và họ trả cho cô mức lương 4000 NDT/tháng (khoảng 13,7 triệu đồng). Nianan đã chấp thuận đề xuất này của bố mẹ . Cô mô tả vai trò của mình là "một nghề tràn đầy tình yêu thương" khi chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến điện tử, di chuyển và tổ chức một hoặc hai chuyến du lịch cho gia đình mỗi tháng.

Tờ CNA đã tổng hợp và cho biết có khoảng hơn 4000 người đang làm con toàn thời gian, giống như Zhang Jiayi và Nianian. Các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm lẫn trải nghiệm làm con toàn thời gian trên các MXH ở quốc gia tỷ dân này cũng mọc lên như nấm sau mưa, ước tính hơn 1,2 triệu người tham gia.

Hậu quả khó lường của việc làm con toàn thời gian?

Ở Trung Quốc, rất nhiều cuộc tranh luận với những luồng ý kiến trái chiều đã nổ ra khi chủ đề "làm con toàn thời gian" lọt top trending.

Victor Gong - Bố của một người trẻ đang sống nhờ vào chu cấp của gia đình, cho biết thời gian đầu ông cũng không ủng hộ việc bố mẹ phải trả lương cho con cái vì chúng ở nhà, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, sau khi trò chuyện với con gái và vợ, ông Gong đã thay đổi quan điểm.

"Xã hội có thể gọi con cái chúng tôi là những đứa trẻ to xác ăn bám bố mẹ nhưng tôi không quan tâm. Thâm tâm tôi biết đây không phải chuyện lâu dài mà chỉ là giai đoạn khó khăn của con gái mình. Chúng tôi chỉ có một đứa con gái duy nhất nên thú thật, chúng tôi thấy rất vui khi được ở bên con mỗi ngày và giúp đỡ con trong khoảng thời gian nó gặp khó khăn" - Ông Gong trải lòng.

“Làm con ngoan full-time”: Nghề lạ kiếm ngàn đô của người trẻ Trung Quốc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Những người làm cha làm mẹ có thể không cảm thấy có vấn đề gì với việc trả lương cho con cái để chúng ở cạnh, chăm sóc mình. Tuy nhiên dưới góc độ xã hội học, đây lại là một thực trạng khá đáng lo.

Lu Xi - Trợ lý giáo sư tại trường Đại học công lập Lee Kuan Yew cho hay: "Về mặt tâm lý, thuật ngữ làm con toàn thời gian khiến cho người trẻ trở nên tự ti và có xu hướng buông xuôi, không nỗ lực trong cuộc sống. Họ dễ chấp nhận cuộc sống dễ dàng khi được ở cạnh và nhận lương từ cha mẹ thay vì đặt mục tiêu phát triển sự nghiệp riêng" .

Theo đó, nếu ngày càng có nhiều người trẻ chọn "làm con toàn thời gian", tình trạng thất nghiệp sẽ càng trầm trọng. Thu nhập của các hộ gia đình sẽ giảm, dẫn đến tiêu dùng trong xã hội giảm theo. Từ đó, việc này sẽ hạn chế khả năng xã hội tạo ra việc làm mới.

Mao Xuxin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia ở Anh nhận định đây là một dấu hiệu đáng lo ngại trong xã hội Trung Quốc nếu các bậc phụ huynh còn tiếp tục việc trả lương cho con để chúng chăm sóc và ở cạnh mình.

Theo CNA, SCMP