Nhưng trong thời khắc biệt ly, có ai chẳng bùi ngùi, tiếc thương cho một công trình từng là biểu tượng phồn vinh của Sài Gòn hoa lệ.
136 năm trước, khi Sài
Gòn vẫn còn mờ nhạt trên bản đồ thế giới, cái tên Les Grands Magazins Charner
(GMC) đã nhẹ nhàng xuất hiện. Nằm ngay góc đại lộ Charner và đại lộ Bonnard
(nay là đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ) của trung tâm thành phố, toà nhà ấy nổi bật
với phong cách kiến trúc Pháp giao thoa với đặc trưng mỹ thuật Á Đông. Những buổi
chiều mây trôi lãng đãng, tiếng chuông tháp đồng hồ trên đỉnh lại âm vang, réo
anh đạp xích lô ngừng lăn bánh, nhắc chị bán quán cóc phải dọn hàng. Sài Gòn
thuở ấy nhẹ nhàng và thánh thiện lắm.
Thương xá Tax thưở ban đầu. (Ảnh tư liệu)
Thật nhanh chóng, GMC
biến thành chốn xa hoa, khi hàng loạt công ty và tiệm bách hoá được khánh
thành. Ngày tháp đồng hồ bị xoá bỏ để xây thêm tầng 4 (năm 1942), người ta biết
nơi đây đã trở thành trung tâm thương mại sầm uất của đô thị lớn nhất liên bang
Đông Dương thời Pháp thuộc. Mãi đến năm 1960, khi chính quyền mới chia nhỏ mặt
bằng để cho thuê, toà nhà GMC mới chính thức đổi tên thành thương xá Tax.
Thương xá Tax năm 1955. (Ảnh tư liệu)
Trải qua bao đổi dời, biến
thiên của lịch sử, thương xá Tax có lúc nhộn nhịp kẻ ra người vào mua bán tấp nập,
có lúc bị hắt hủi khi phải giải thể, nhường chỗ cho những đơn vị quốc doanh.
Nhưng dù có trong hoàn cảnh nào, người Sài Gòn vẫn dành cho nơi này một thứ
tình cảm đặc biệt.
Làm sao quên được hình ảnh những thiếu nữ Sài Gòn xúng xính váy áo dạo bước trên những bậc thang men lam chói lóa, ngắm nghía một món đồ trang sức đắt tiền rồi vuốt nhẹ lên đầu chú gà trống Gô-loa trên lan can cầu thang được chạm trổ tinh tế...
Sao quên những dãy đèn lồng rực rỡ sắc màu giữa sảnh, nơi mà mới chỉ hai năm về trước, hàng hòa cao cấp đủ chủng loại vẫn còn bày biện ngổn ngang. Những mùa Tết về, thương xá Tax lại khoác thêm bộ cánh lộng lẫy, hâm nóng những trái tim xa nhà trong cái lành lạnh run rẩy nơi xứ người.
Nhớ cái ngày cuối cùng thương xá Tax hoạt động, 25-09-2014, từ người già đến trẻ nhỏ đổ xô xếp hàng để len lỏi vào cho được nơi đây. Họ đến chỉ để sờ vào mảng tường cũ, bước đi trên từng viên gạch mosaic, để mua một món hàng mà trước giờ chỉ dám lén nhìn vì giá quá chát.
Còn với các tiểu
thương, những giọt nước mắt nghẹn ngào đã đổ. Đó là chủ quầy áo Đông Phương Xưa &
Nay, là nhân viên hàng trang sức Hồng Vy, là cô bán hàng tiệm đồng Hoàng Phúc… Họ
tiếc thương cho cái nơi từng là cần câu cơm của mình suốt mấy chục năm trời, tức
tưởi vì ngỡ tòa nhà hồi sinh sau nhiều năm lãng quên sẽ trường tồn vĩnh viễn lại
bất ngờ bị xoá bỏ.
Hai năm nay thương xá Tax vẫn nằm im lìm giữa góc đường nhộn nhịp. Người ta cố gắng
làm nguôi nỗi đau mất đi chốn thiêng liêng bằng việc xây dựng hàng tá cao ốc hiện
đại, đưa vào đó đủ loại hình dịch vụ giải trí, mua sắm hấp dẫn nhất. Quả thực có
lúc, nó lôi cuốn những bước chân háo hức kiếm tìm cái mới bước vào.
Nhưng mỗi khi bất chợt ngang
qua góc đường quen thuộc, thấy hàng rào sắt màu xanh chắn ngang chi chít, đôi vợ
chồng trẻ lại nhận ra chốn trú ẩn quen thuộc những khi trời mưa bất chợt thuở
còn yêu đương mặn nồng. Mỗi khi đi tập thể dục ban sáng, cụ già tóc bạc thấy
hàng chữ đỏ vòng quanh khối cầu lớn sừng sững trên đỉnh đầu mà nao nao.
Rồi mai đây, tiếng gầm rú từ những chiếc máy bê tông to kềnh sẽ xuất hiện, quá khứ sẽ phải nhường chỗ cho tương lai đang ầm ầm tiến tới. Thay vì buồn bã, người Sài Gòn bắt đầu lạc quan với bản phác thảo cao ốc 40 tầng dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2020. Đúng hơn, người ta tạm yên lòng khi thành phố không phá bỏ ngay lập tức toà nhà như dự kiến mà lùi lại để làm công tác tháo dỡ từng viên gạch, cái lan can, những hạng mục cần được bảo tồn. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Ánh)
Ba thế kỷ trôi qua,
thương xá Tax đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: Khuếch trương cái vẻ xa
hoa, lộng lẫy nhưng vẫn đậm đà truyền thống của vùng đất từng được mệnh danh là
hòn ngọc Viễn Đông; len lỏi vào tiềm thức mọi tầng lớp từ giới thượng lưu đến
người bình dân lam lũ.
“Làm dâu trăm họ” thế là đủ. Thương xá Tax ơi, đến lúc nghỉ ngơi rồi!