Đó chính là, đi tiểu sau quan hệ!
Theo Medical News Today, nữ giới có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn tới 30 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do niệu đạo của nữ giới nằm ở sát âm đạo và hậu môn, điều này có nghĩa là vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan từ khu vực này đến niệu đạo.
Hơn nữa, niệu đạo ở nữ thường ngắn hơn ở nam nên vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo có thể đến bàng quang dễ dàng hơn sau khi quan hệ bằng đường âm đạo, bằng miệng hay hậu môn.
Nên đi tiểu sau khi quan hệ để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (Ảnh: Health)
Vì thế mà đi tiểu sau khi "yêu" một cách giúp "đẩy" vi khuẩn ra khỏi niệu đạo và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu ở nữ giới. Đặc biệt ở người có nguy cơ hoặc tiền sử nhiễm trùng đường tiểu trước đó.
Vị trí của niệu đạo
Ở nữ giới, niệu đạo tương đối ngắn, chỉ kéo dài 3 - 5 cm từ bàng quang đến lỗ niệu đạo ngoài nằm giữa môi bé. Nó rất đàn hồi và có thể giãn ra tới 1cm để phù hợp với việc đi qua nước tiểu.
Ở nam giới, niệu đạo bắt đầu từ cổ bàng quang, ở lỗ niệu đạo trong đi thẳng xuống dưới xuyên qua tuyến tiền liệt. Sau đó, niệu đạo đi qua hoành chậu và hoành niệu dục, cong ra trước và lên trên ôm lấy bờ dưới khớp mu. Cuối cùng, nó đi vào gốc và thân dương vật tới đỉnh của quy đầu.
Đối với nam giới, việc đi tiểu sau khi quan hệ ít quan trọng hơn do niệu đạo ở nam dài hơn, nói cách khác, vi khuẩn từ vùng kín ít có khả năng đến được bàng quang.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, thói quen này chỉ giúp giảm khả năng phát triển nhiễm trùng đường tiểu nhưng không giúp bạn phòng ngừa hoàn toàn tình trạng này.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu, bạn nên:
- Uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo thường xuyên đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo;
- Đi tiểu bất cứ khi nào cảm thấy buồn tiểu thay vì nhịn tiểu;
- Tránh nhịn tiểu nhiều hơn 3 - 4 tiếng;
- Luôn vệ sinh vùng kín từ phía trước ra phía sau mỗi lần tiểu tiện, đại tiện;
- Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm, dung dịch vệ sinh lành tính mỗi ngày;
- Ưu tiên tắm bằng vòi sen thay vì ngâm bồn tắm quá 30 phút mỗi lần;
- Chọn quần lót có chất liệu cotton, mềm mại, thân thiện với vùng kín;
- Tránh sử dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh có mùi thơm hóa học hoặc các thành phần hóa học dễ gây kích ứng cho vùng kín;
- Tránh thụt rửa sau khi quan hệ;
- Tránh mặc quần lót, quần jean chật; quần áo lót bị ướt,...
Ngoài vệ sinh kém sau khi quan hệ thì quan hệ nhiều bạn tình cùng lúc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu (Ảnh: Medical News Today)
Nên đi tiểu sau quan hệ bao lâu?
Theo Healthline, tốt nhất bạn nên đi tiểu trong vòng 30 phút sau khi "yêu" để có được lợi ích ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhìn chung là càng sớm càng tốt! Nhịn tiểu quá lâu sau khi quan hệ cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiểu.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đi tiểu sau quan hệ, hãy thử uống một hoặc hai ly nước. Lượng nước tiểu lớn hơn cũng có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ vi khuẩn.
Một số người có thể gặp tình trạng nóng rát nhẹ khi đi tiểu sau quan hệ, thường thì vấn đề này chỉ là tạm thời, có thể là do âm đạo kích ứng và có thể tự biến mất sau đó. Tuy nhiên nếu cảm giác nóng rát khi đi tiểu không biến mất và thậm chí nghiêm trọng hơn, nguyên nhân có thể do: sỏi thận, u nang buồn trứng, bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm nhiễm âm đạo,... và cần được thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Có nên đi tiểu trước khi quan hệ?
Không có nhiều nghiên cứu về việc bạn có nên đi tiểu trước khi quan hệ hay không. Tuy nhiên, bạn có thể đi tiểu trước khi quan hệ như một cách để giảm khả năng bị nhiễm trùng tiểu do vi khuẩn có thể ở trong niệu đạo trước đó.
Có nên đi tiểu trước khi quan hệ? (Ảnh: The Ghana Report)
Đi tiểu sau quan hệ có giúp ngừa thai không?
Đi tiểu sau quan hệ sẽ không giúp ngừa thai, ngay cả khi bạn đi tiểu ngay lập tức sau khi quá trình xuất tinh diễn ra. Nước tiểu giải phóng từ niệu đạo còn tinh dịch đi vào âm đạo, đây là hai con đường hoàn toàn riêng biệt.
Ngoài đi tiểu thì sau quan hệ, nữ giới cũng cần nhẹ nhàng vệ sinh sạch sẽ vùng kín và cơ thể bằng nước ấm (không phải thụt rửa bởi thụt rửa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và mất cân bằng tự nhiên của vi khuẩn bảo vệ âm đạo) hoặc xà phòng dịu nhẹ. Đừng quên rửa tay để loại bỏ vi khuẩn mà bạn có thể nhiễm khi chạm vào vùng kín của "đối tác". Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường tại "cô bé" sau quan hệ như tiết dịch mùi hôi, ngứa rát,... hãy nói chuyện với bác sĩ sản phụ khoa để được hỗ trợ.
Nguồn: Medical News Today, Healthline