Mới đây, Facebook của nữ diễn viên Hạ Vi bị hack và bị đánh cắp toàn bộ thông tin. Kẻ cắp ngạo nghễ tiết lộ với công chúng mức giá đăng bài quảng cáo trên trang cá nhân "cô Tấm" là 1000 USD, tương đương với khoảng 23 triệu đồng. Thông tin này làm nhiều người kinh ngạc, còn một số khác thì dửng dưng cho rằng đó là "mức giá sàn" chung của các sao hạng A. Song, không phải cứ đưa ra 23 triệu trở lên thì sẽ có cái gật đầu của sao.

Lạm dụng livestream bán hàng, sao Việt đang tự biến mình thành gương mặt bán hàng rong - Ảnh 1.

Giá đăng bài quảng cáo trên trang cá nhân của Hạ Vi bị hacker tiết lộ là 1000 USD, song không phải cứ chi 1000 USD là có được cái gật đầu của "Tấm".

Hạ Vi là người khá hạn chế đăng bài quảng cáo trên trang cá nhân. Những ngôi sao hạng A khác của showbiz như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Thanh Hằng, Trấn Thành, Ngô Thanh Vân… cũng thuộc hàng "chảnh" bởi rất hiếm khi họ đăng tải một dòng trạng thái mang tính "rao vặt". Dĩ nhiên, cỡ như Hà Hồ thì phải là những hợp đồng quảng cáo trị giá hàng chục ngàn đô trở lên, chưa kể nhãn hàng kí kết với cô phải là thương hiệu lớn. Một dòng status "rao vặt" bỏ túi vài chục triệu không phải là không hấp dẫn, nhưng sẽ khiến tên tuổi của cô trở nên "rẻ" hơn trong mắt các nhãn hàng. Một "gương mặt thương hiệu" không thể hôm nay giơ lọ mĩ phẩm này, ngày mai livestream giới thiệu lọ mĩ phẩm khác, mà lọ nào cũng là những cái tên được lưu hành theo đường truyền miệng.

Lạm dụng livestream bán hàng, sao Việt đang tự biến mình thành gương mặt bán hàng rong - Ảnh 2.

Những ngôi sao tầm cỡ Hà Hồ rất ít khi chấp nhận đăng status quảng cáo cho một sản phẩm chưa có thương hiệu để giữ đẳng cấp hạng A.

Song, không phải ai cũng thuộc hạng A để có quyền kén chọn các thương hiệu tên tuổi. Càng không phải ai cũng đủ tỉnh táo trước các món tiền dễ kiếm chỉ bằng một cái khẩy tay click chuột. Đó là lí do mà mạng xã hội của sao bị biến thành cái chợ dạo, "quạt cháy máy bơm", "đồng nát sắt vụn" đều bán cả.

Nói vui thì nhờ có chuyện "rao vặt" mà người hâm mộ vô tình được giao lưu với thần tượng của mình nhiều hơn. Tần suất các sao livestream ngày càng dày đặc, nhưng livestream để tán gẫu với fan thì ít mà mục đích quảng cáo sản phẩm thì nhiều. Có những khi người hâm mộ cứ phải ngồi hàng chục phút trước màn hình điện thoại ngắm thần tượng mải mê giới thiệu mỹ phẩm mà chẳng được đáp lại một lời chào. Đáng tiếc hơn, nếu trong lúc "thần tượng" đang say sưa "rao hàng" mà có người nhảy vào "chọc ngoáy" thì rất có thể các fan phải chứng kiến một cuộc xô xát mạnh bạo bằng lời nói với những "mĩ từ" làm xấu hổ người nghe. Dù muốn hay không muốn, dù vô ý hay bức xúc nóng giận mất khôn, những nghệ sĩ như thế đã tự biên trang cá nhân của mình thành "chợ giời".

Lạm dụng livestream bán hàng, sao Việt đang tự biến mình thành gương mặt bán hàng rong - Ảnh 3.

Trang Trần đang livestream hướng dẫn trang điểm bằng dòng mỹ phẩm mà cô quảng cáo thì bất ngờ quay sang "chửi mắng" nghệ sĩ Xuân Hương khiến công chúng nhăn mặt vì cảm giác đang vào chợ chứ không phải vào trang cá nhân giao lưu với nghệ sĩ.

Dĩ nhiên, việc nghệ sĩ dùng trang cá nhân của mình để quảng cáo cho các sản phẩm không sai, cũng chẳng bất thường. Nó cũng giống với việc họ đóng clip quảng cáo để phát ở khắp nơi, từ truyền hình đến youtube. Cũng chẳng khác việc họ chụp hình bên sản phẩm rồi dán gương mặt của mình trên khắp các pano, poster, hay "diễu phố" bên hông những chiếc xe buýt, thậm chí là hiện diện trên những tờ rơi rao vặt phát ở các ngã tư đường. Nhưng sự thực là, cùng là một món hàng, thứ được bán ở chợ dạo khác hoàn toàn với thứ được bán ở siêu thị. Mặc dù nhiều khi gói bột giặt mua ở chợ dạo có giá gấp rưỡi siêu thị chỉ vì những lời giới thiệu ngọt lịm của anh bán hàng. Bởi giá cả không quyết định đẳng cấp của một sản phẩm. Quảng cáo cho nhiều sản phẩm và có thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng nhờ những dòng trạng thái trăm chữ có tên nhãn hàng không giúp cho một nghệ sĩ trở thành "The Face". Giữa "The Face" và "gương mặt rao vặt" là khoảng cách dài, mà sự tinh tế, thông minh, tiết chế và tỉnh táo trước lợi nhuận của nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

Lạm dụng livestream bán hàng, sao Việt đang tự biến mình thành gương mặt bán hàng rong - Ảnh 4.

Để trở thành một "Gương mặt thương hiệu" như ngày hôm nay, Minh Hằng đã phải trải qua một quá trình dài giữ gìn tên tuổi, hình ảnh bằng việc lựa chọn kĩ lưỡng nhãn hàng mà mình làm đại diện. Bất cứ sự sai sót nào trong việc nhận lời quảng cáo nhãn hàng cũng có thể tác động xấu đến danh tiếng của nghệ sĩ.

Công chúng không khỏi ngán ngẩm mỗi khi thần tượng của họ bỗng dưng "sốt xình xịch" vì một bộ phim nào đó thì đồng thời trang cá nhân, nơi họ vẫn theo dõi những buồn vui chân thật của người mình hâm mộ, bỗng dưng bị biến thành cái chợ dạo. Cũng khó chỉ trích nghệ sĩ. Bởi có thể họ cả tin vào sự đảm bảo của người bán hàng mà nhận lời quảng cáo, bởi họ có một nguồn thu nhập chính đáng bù đắp cho catse bèo bọt của lao động nghệ thuật, bởi họ tiếp cận với những nhãn hàng lớn hơn bắt đầu từ việc quảng cáo sản phẩm trên trang cá nhân để được chú ý và đánh giá đúng về tầm ảnh hưởng… Song, ngay cả khi họ gạt sang bên cạnh chuyện đẳng cấp hão huyền mà chỉ lo cho cuộc sống chật vật cơm áo gạo tiền của mình một cách chân chính, thì họ vẫn còn đó trách nhiệm với công chúng. Đó là trách nhiệm của niềm tin.

Ngôi sao phim Sống chung với mẹ chồng, NSND Lan Hương, tiết lộ, trước khi tên tuổi trở nên nóng hổi với giới trẻ qua bộ phim hot về mẹ chồng – nàng dâu, cô đã thường xuyên được mời quảng cáo cho các sản phẩm. Song, cô chỉ nhận lời trong hai trường hợp: một là chốn qua lại thân thiết, hai là đã được chứng thực về chất lượng sản phẩm. NSND Lan Hương kể: "Có lần một bạn trẻ liên hệ với tôi nhờ quảng cáo loại bánh chưng đặc biệt của bạn ấy. Nó có giá thành lên đến cả trăm nghìn một chiếc so với vài chục nghìn ngoài chợ. Bạn ấy giới thiệu rất hay, rất thú vị. Nhưng tôi bảo: "Cô phải thử đã. Nếu bánh chưng của cháu ngon, cô mới dám giúp cháu. Bởi vì đó là uy tín của cô." Sau khi ăn thử, tôi thấy thích quá. Bánh không chỉ ngon mà còn có hình thức và bao bì rất đẹp mắt, rất sáng tạo, làm quà tặng thì rất sang. Tôi giúp bạn ấy và trở thành khách hàng của bạn ấy luôn." "Mẹ chồng quốc dân" cũng chia sẻ về một lời mời quảng cáo khác từ một nhà thiết kế áo dài cũng rất trẻ, chưa có tên tuổi gì. Nhưng khi đến nơi, được mặc lên người những tấm áo dài lụa được may thêu thủ công chăm chút từng đường kim mũi chỉ, cô không ngần ngại gì mà nhận lời, không hề quan tâm đến mức catse cao hay thấp. Thậm chí đi đâu cô cũng giới thiệu cho mọi người về áo dài của "cô bé thiết kế trẻ tuổi" ấy. Thế nhưng, chưa có "doanh nhân trẻ" bán mĩ phẩm nào nhận được cái gật đầu của cô.

Lạm dụng livestream bán hàng, sao Việt đang tự biến mình thành gương mặt bán hàng rong - Ảnh 5.

NSND Lan Hương chưa bao giờ nhận lời quảng cáo mà không chứng thực về chất lượng sản phẩm.

NSND Lan Hương chia sẻ: "Có rất nhiều hãng mỹ phẩm, kem dưỡng da, collagen, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp mời tôi quảng cáo nhưng tôi không thể nhận lời vì bản thân chưa kiểm nghiệm, chưa có chứng thực thì không thể giới thiệu cho người khác." Cô cũng giãi bày, bản thân cô không hề kì thị hay có định kiến gì những mặt hàng này, cho dù nó có thương hiệu hay chưa có thương hiệu. Vấn đề nằm ở chỗ, để kiểm nghiệm một sản phẩm làm đẹp thì không thể trong tức thời như ăn một chiếc bánh hay mặc một chiếc áo. Nó cần thời gian để trải nghiệm thực tế, có khi kéo dài cả tháng, thậm chí là cả năm mới nhận diện được hiệu quả hay tác hại. Trong khi đó, là nghệ sĩ, cô không thể mạo hiểm sử dụng tùy tiện các sản phẩm làm đẹp cho bản thân. "Vì không thể tùy tiện sử dụng cho bản thân nên tôi không thể giới thiệu nó tới công chúng được" – NSND Lan Hương cho hay.

Sự kĩ tính, kĩ lưỡng trong việc quảng cáo sản phẩm của "bà mẹ chồng quốc dân" là điều mà các nghệ sĩ trẻ đáng học hỏi theo. Bởi đó là cách giữ gìn tên tuổi, hình ảnh và đặc biệt là niềm tin với khán giả của mình. Nếu không cân nhắc kĩ lưỡng mỗi khi nhấn click chuột để treo lên một dòng "rao vặt", rất có thể nghệ sĩ đã tiếp tay cho một sản phẩm kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến người hâm mộ vì họ đã tin cậy thần tượng mà chuốc phải tai ương. Chuyện nữ diễn viên Hàn Quốc Song Hye Kyo thẳng thừng từ chối hợp đồng quảng cáo lên đến 1 triệu USD (khoảng 22 tỉ tiền Việt Nam) của hãng xe Mitsubishi chỉ vì hãng này vướng vào vụ kiện bắt lao động Trung Quốc sang Nhật Bản lao động khổ sai đã cho thấy đẳng cấp và uy tín của một nghệ sĩ lớn. Cũng đã có những bài học cho các nghệ sĩ trẻ khi quảng cáo sản phẩm mà không tìm hiểu kĩ hay cân nhắc lợi ích thiệt hơn.

Và điều mà công chúng mong mỏi, là mỗi ngày họ vào trang cá nhân của thần tượng là một ngày họ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, những tâm sự chân thật, thấy chân dung sống động của người mà họ ngưỡng mộ, thay vì nhìn thấy một sạp hàng rong!