.Tai nghe ra đời đã mang lại nhiều lợi ích phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau cho con người như nghe nhạc, làm việc, học tập… Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu lạm dụng tai nghe sẽ làm suy giảm chức năng nghe, thậm chí mất thính lực hoàn toàn.
Dấu hiệu khó nhận biết
Anh T.D (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) có thói quen đeo tai nghe khi nghe nhạc, xem phim, thậm chí trong thời gian làm việc. Gần đây, anh cảm thấy tai phải bị đau, chảy nước vàng. Đến bệnh viện thăm khám, anh được chẩn đoán viêm tai giữa. Sau khi loại trừ các yếu tố nguy cơ, các bác sĩ xác định đeo tai nghe thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. "Đeo tai nghe vừa tiện lợi vừa không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Thậm chí, nếu tai nghe tốt thì âm thanh cũng hay hơn. Tuy nhiên, chỉ sau khi đi khám tôi mới biết tác hại của việc đeo tai nghe quá nhiều. May mắn, tình trạng của tôi được điều trị kịp thời nên hiện đã bình phục" - anh D. cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết việc đeo tai nghe bluetooth sẽ có 2 yếu tố nguy cơ. Thứ nhất, sóng điện từ của bluetooth ảnh hưởng đến sóng điện não. Thứ hai, tai nghe khi đeo sẽ đặt trực tiếp vào ống tai, điều này gây bít chức năng nghe qua đường khí.
Bác sĩ chuyên khoa 2, Dương Thanh Hồng, Trưởng Khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, thăm khám cho bệnh nhân bị suy giảm thính lực tại bệnh viện
"Thông thường, âm thanh chúng ta nghe được qua 2 đường khí và xương. Nếu nghe qua đường khí là âm thanh đi vào không khí, tạo áp suất tác động lên màng nhĩ giúp ta nghe được. Còn đường xương là âm thanh tác động lên xương chũm hoặc ống tai. Khi đeo tai nghe sẽ chạm trực tiếp vào đường xương, bít đường khí. Về lâu dài khiến chức năng nghe qua đường khí giảm sút, lâu dần sẽ ảnh hưởng sức nghe, thậm chí điếc" - bác sĩ Hùng phân tích.
Theo bác sĩ Hùng, đeo tai nghe thường xuyên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thính lực nhưng rất khó nhận biết vì nó tác động từ từ. "Chỉ đến khi bệnh nhân bị các vấn đề về thính lực như ù tai, đau tai… mới đi khám, đo thính lực thì phát hiện bệnh do đeo tai nghe quá nhiều" - bác sĩ Hùng thông tin.
Ngoài ra, những bệnh về thính lực do tác động âm thanh không chỉ do sử dụng tai nghe mà người làm việc thường xuyên trong môi trường nhiều tiếng ồn như nhà máy, xí nghiệp… cũng sẽ bị giảm thính lực, thậm chí điếc. "Thời gian qua, tại bệnh viện chủ yếu tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân giảm thính lực do nghề nghiệp. Nhiều bạn trẻ đến khám do ù tai, nghe không rõ. Khai thác bệnh sử cho thấy họ làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có tần số âm thanh lớn trong thời gian dài" - bác sĩ Hùng nói thêm.
Không hồi phục
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thanh Hồng, Trưởng Khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, thừa nhận tai nghe bluetooth là thiết bị thông minh và là xu hướng phát triển của khoa học công nghệ. Tai nghe đã và đang là vật dụng phổ biến, đặc biệt ở người trẻ. Một nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi bị rối loạn âm thanh, rối loạn chức năng do tiếng ồn trong đó nguyên nhân trực tiếp là tai nghe, chiếm 1,7% dân số.
Bác sĩ Hồng thông tin tần suất đối tượng thanh thiếu niên ở những thành phố lớn sử dụng tai nghe rất cao, trung bình kéo dài từ 1-3 giờ/ ngày. Trong khi đó, để bảo đảm an toàn, không gây ảnh hưởng đến thính giác thì chỉ nên nghe trong 60 phút với cường độ âm thanh khoảng 60db. "Cần lưu ý, nếu ngưỡng nghe trên 85db thường xuyên thì khả năng điếc càng cao. Ví dụ, chỉ cần nghe nhạc trong 15 phút với tần số 120db sẽ gây điếc" - bác sĩ Hồng cảnh báo.
Phân tích thêm, bác sĩ Hồng cho biết nghe trong môi trường yên tĩnh khác với nơi đông người. Ví dụ, trong môi trường yên tĩnh chỉ cần 50-60db là rõ nhưng với tần số này khi nghe nơi đông người, môi trường ồn ào buộc người sử dụng tai nghe phải tăng âm lượng. Do đó, khi vượt ngưỡng 85db sẽ gây suy giảm thính lực, thậm chí điếc đột ngột. Đây cũng là thói quen của nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh - thiếu niên.
"Sử dụng tai nghe tại nơi đông người như ngoài đường, quán cà phê… buộc phải tăng âm lượng. Lúc này, tác hại gấp 5 lần so với nghe trong môi trường yên tĩnh" - bác sĩ Hồng nhấn mạnh.
Đối với thanh thiếu niên, khi lạm dụng tai nghe quá nhiều, về lâu dài bị điếc không phục hồi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần. Bởi ở lứa tuổi này, các em vẫn còn học thêm các kỹ năng mới như ngôn ngữ, giao tiếp…
Lạm dụng tai nghe hoặc làm việc trong môi trường tiếng ồn thường xuyên có 2 tác hại. Thứ nhất, về mặt thực thể có thể gây ra bệnh viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, viêm ống tai ngoài... Thứ hai, về mặt chức năng, âm thanh lớn tác động các dây thần kinh làm chết tế bào, không có khả năng phục hồi sẽ dẫn đến điếc hoàn toàn.
Bác sĩ Hồng khuyến cáo điếc do âm thanh có 2 dạng gồm từ từ và điếc đột ngột. Đáng lưu ý, cả 2 tình trạng này đều không phục hồi. Trong đó, điếc từ từ chỉ có cách phát hiện duy nhất là đo thính lực. Nếu phát hiện sớm thì người bệnh được khuyến cáo hạn chế tiếng ồn. Trường hợp suy giảm chức năng nghe thì chỉ có cách đeo máy trợ thính bởi một khi thính giác bị mất, không có cách nào để khôi phục.
Để tránh tình trạng mất thính giác hoàn toàn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo hạn chế sử dụng tai nghe, thường xuyên để tai được nghỉ ngơi hoặc trường hợp cần thì nên nghe ở tần số dưới 85db và theo nguyên tắc 60-60 (60db trong vòng 60 phút). Đối với những người làm việc thường xuyên trong môi trường tiếng ồn, cần kiểm tra thính lực 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện bệnh về thính giác.
Bảo vệ thính giác cho trẻ em
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết theo khuyến cáo của WHO, trẻ em không sử dụng tai nghe quá 2 giờ liên tục trong ngưỡng âm thanh dưới 70db. Trẻ em nếu không có kiểm soát về thời lượng và âm lượng sử dụng tai nghe sẽ dẫn đến tổn thương về thính lực nặng hơn người lớn. Do hệ thống thính giác ở trẻ gần như hoàn thiện lúc 2-3 tuổi. Nếu hệ thống này bị tổn thương sẽ ảnh hưởng lâu dài ở trẻ. "Do đó, nếu trẻ phải học online thì nên mở loa ngoài hoặc nếu sử dụng tai nghe thì nên kiểm soát âm lượng, thời lượng" - bác sĩ Như khuyên.