Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Hội phụ huynh phải phản biện khuất tất trong thu chi - Ảnh 1.

Một buổi họp phụ huynh ở một trường THPT tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bởi người ta an tâm đã có hội phụ huynh đứng ra làm "lá chắn" và "bia đỡ đạn"!

Mỗi đứa trẻ đến trường gánh trên lưng bạt ngàn khoản thu dưới danh nghĩa "tự nguyện" đang làm oằn đôi vai của đại đa số phụ huynh trong bối cảnh vật lộn suốt ba năm qua với dịch COVID-19. Nào đâu chỉ lo tiền học phí, lo sắm sửa chu toàn đồ dùng học tập, lo hai loại bảo hiểm để an tâm về sức khỏe. 

Học sinh nhiều nơi đang được vận động đóng góp vô số khoản quỹ từ "trên trời rơi xuống": tiền cơ sở vật chất bán trú, tiền học thêm hai buổi/ngày, tiền lót nền sàn gỗ, tiền xây trạm biến áp, tiền cải tạo sân bóng, tiền điểm danh, tiền hỗ trợ khai giảng, tiền bàn ghế, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền mua sắm máy chiếu và laptop, tiền phần mềm...

Bao nhiêu chữ "tiền" là bấy nhiêu nỗi bức xúc cứ đầy ứ mỗi mùa họp phụ huynh đầu năm. Tinh thần "xã hội hóa giáo dục" đầy nhân văn để huy động sức dân trong việc hỗ trợ nhà trường cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt của con trẻ đang bị lợi dụng để biến thành mảnh đất màu mỡ cho nạn lạm thu.

Đặc biệt, nhiều trường rất khôn khéo trong việc vận động thu, bằng cách gửi gắm ban đại diện phụ huynh của trường rồi điều chuyển xuống từng lớp. Hội phụ huynh sẽ đứng ra bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất và tiến hành thu hàng loạt. 

Mỹ từ "tự nguyện" được lợi dụng triệt để nhằm hợp thức hóa các khoản thu. Và đằng sau tinh thần tự nguyện đóng góp theo điều kiện kinh tế gia đình, không cào bằng các khoản thu còn lắm chuyện bi hài.

"Quả bóng" trách nhiệm đã được đá trọn sang cho hội phụ huynh học sinh. Mà ở nhiều trường hiện nay, ban đại diện cha mẹ học sinh thường là những người có điều kiện kinh tế, quen biết thân thuộc với hiệu trưởng nhà trường nên các khoản thu vận động ngày càng dài thêm ra, nặng trĩu chi phí đóng góp.

Nhiều phụ huynh mang tâm thế "nhờ vả" nhà trường tạo điều kiện học hành tốt nhất cho con em mình, hoặc là muốn thể hiện sự rộng rãi phóng khoáng trong thu chi nên hoàn toàn nhất trí khi nhà trường đề nghị khoản thu này, khoản thu kia dẫn đến tình trạng lạm thu, tận thu nhức nhối suốt bao năm qua.

Từ đây, lời ví von hội phụ huynh là hội... huy động vốn của nhà trường bắt đầu nảy sinh. Câu từ gièm pha ấy cần được chấm dứt nhanh chóng bằng cách trả lại cho hội phụ huynh trở về đúng vị thế, vai trò, chức năng của mình. 

Hội phụ huynh phải là người đại diện cho tiếng nói chung của toàn thể cha mẹ học sinh mạnh dạn phản biện với những khuất tất trong thu chi của nhà trường, nỗ lực hỗ trợ giáo viên tham gia vào việc thúc đẩy chất lượng giáo dục. Hội phụ huynh nhất định không thể là hội... huy động vốn cho nhà trường!

Diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?" thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo bạn đọc. Tòa soạn đã nhận được ý kiến, phản hồi của bạn đọc Minh Anh, Chấn Hưng, Thiên An, Hoàng Phước, Lê Minh Vân, Diệu Hiền, TS Nguyễn Hoàng Chương, Nguyễn Thị Thu, Lê Văn Trường, Nguyễn Tấn Thư, Quốc Trụ, Thái Hoàng...

Chúng tôi sẽ xem xét và sử dụng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ. Bài cộng tác vui lòng email tới [email protected].

Áp lực từ chính phụ huynh

"Các anh chị không nên tính toán với nhà trường, vì mình sắm cho con mình, để con em mình hưởng nên chúng ta cùng cố gắng phụ giúp một tay với nhà trường". Đây là câu nói quen thuộc của trưởng, phó ban đại diện cha mẹ mỗi kỳ họp phụ huynh đầu năm học.

Thường thì phát biểu xong, hội trưởng, hội phó và một số phụ huynh khác đứng lên đóng tiền làm... mẫu, thậm chí đóng hơn số tiền quy định để phụ giúp với nhà trường. Thực tế ấy khiến nhiều phụ huynh nao núng, không thể chối từ, đành rút tiền đóng cho tròn nhiệm vụ.

Cuộc họp kết thúc mà trong lòng nhiều phụ huynh như có đá tảng đè nặng. Dù không chiếm tỉ lệ đa số nhưng các phụ huynh có điều kiện thường tạo ra áp lực tâm lý cho những người còn lưỡng lự. Hệ quả là nhiều người dù không đồng tình nhưng đành im lặng và chấp thuận cho xong.

Cá nhân tôi cho rằng thay vì đưa thẳng các mục đóng góp ra biểu quyết tại các cuộc họp đông người, hội phụ huynh nên tiến hành thăm dò từng bậc cha mẹ trước khi dự định phát động đóng góp. Hình thức họp phụ huynh và biểu quyết tập thể cho các khoản thu chỉ nên tổ chức khi biết chắc hầu hết phụ huynh đồng thuận.

Thiết nghĩ, đây là cách làm giảm áp lực đám đông lên tâm lý phụ huynh, khuyến khích bày tỏ trung thực nhu cầu và thái độ với các khoản thu. Bên cạnh đó, các phương án miễn giảm nên được phụ huynh đề xuất và kín đáo thực hiện với các gia đình thật sự khó khăn. Đây là cách hành xử văn minh, thấu tình và đồng cảm.

THIÊN AN