Lừa dối hay phản bội chưa chắc đã là những điều tồi tệ nhất trong tình yêu. Nghi ngờ mới là thứ ăn mòn tình cảm và làm nảy sinh những rạn nứt không thể hàn gắn. Do đó, nếu anh chàng có những dấu hiệu có người mới, bạn cần nhanh chóng làm rõ vấn đề và xác định lại tình cảm của mình. Đôi lúc, giải thoát cho cả hai lại là phương án tốt nhất khi cả hai không còn tình cảm với nhau. Dưới đây là những điều bạn nên làm để tránh sự nghi ngờ len lỏi vào mối quan hệ, khiến bản thân thêm phiền lòng với những suy nghĩ tiêu cực:
Tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân
Ảnh minh họa
Dù mối quan hệ chỉ có hai người nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với những khó khăn trong vấn đề này một mình. Một người ngoài cuộc sẽ có cái nhìn tổng thể và toàn diện hơn, đồng thời dễ dàng đưa ra cho bạn những lời khuyên khách quan. Những người biết rõ về mối quan hệ của bạn như bạn bè, người thân đều có thể là đối tượng tư vấn hữu ích. Do vậy, đừng ôm nỗi ngờ vực và hoang mang một mình, rất có thể những người xung quanh có thể giải thoát bạn khỏi tình trạng đáng ngại này.
Tìm kiếm chứng cứ
Những suy nghĩ của bạn vẫn sẽ chỉ dừng lại ở nghi ngờ nếu chẳng có bằng chứng. Do vậy, trước khi bắt tội chàng, hãy tìm hiểu nguyên nhân của những nghi ngờ đó. Khi chưa thể xác minh điều gì, đừng lấy đó làm cớ hờn giận và đẩy mọi chuyện trở nên căng thẳng. Nếu những biểu hiện đáng ngờ như thường xuyên hủy hẹn, che giấu điện thoại hay nhắc đến cô nàng xuất hiện dày đặc, hãy bình tĩnh thu thập thêm bằng chứng. Rất có thể đó là báo động đỏ cho mối quan hệ nhưng cũng có thể chỉ là những điều hiểu nhầm. Hãy tìm kiếm chứng cứ cụ thể trước khi trò chuyện cùng chàng của bạn về vấn đề này. Nếu không, rất có thể bạn sẽ chỉ làm mối quan hệ thêm căng thẳng chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Trò chuyện một cách thẳng thắn
Ảnh minh họa
Sau khi có đủ chứng cứ, một cuộc trò chuyện sẽ giúp giải quyết những nghi ngờ đó hiệu quả. Tốt hơn hết, bạn nên lựa chọn những nơi riêng tư, gần bạn bè hoặc người thân bởi trong trường hợp cuộc trò chuyện không được như ý, bạn vẫn có sự an ủi và chia sẻ từ họ. Những địa điểm công cộng tuy giúp cuộc hội thoại giữa hai người không bị chùng xuống và quá căng thẳng nhưng sẽ là thảm họa nếu bạn mất bình tĩnh, và to tiếng tại nơi đây.
Khi bắt đầu cuộc đối thoại, hãy chia sẻ suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn. Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là để lý trí dẫn đường chứ đừng để cảm xúc lấn át cuộc trò chuyện. Khi không còn giữ được bình tĩnh mà to tiếng, nặng lời với đối phương, bạn sẽ chẳng thể đưa câu chuyện tới hồi kết. Để làm được điều này, hãy bình tĩnh đưa ra những nghi vấn của bạn và bằng chứng bạn có. Thay vì áp đặt mọi chuyện, bạn cũng chỉ nên dùng những từ thể hiện sự nghi ngờ khi chưa có được lời giải thích từ chàng. Điều này sẽ giúp cuộc đối thoại không quá căng thẳng mà vẫn duy trì được câu chuyện.
Đừng đổ tất cả lỗi do bản thân mình
Sau cùng, nếu tình huống xấu nhất xảy đến, đừng tự đổ lỗi cho bản thân bởi để xây dựng một mối quan hệ lâu dài và bền vững cần có sự chăm chút và đồng lòng của cả hai. Bạn chẳng thể cố gắng một mình trong khi người ấy không còn tình cảm. Khi đó, buông bỏ là lựa chọn tốt nhất, giúp giải thoát cả hai khỏi ràng buộc và những nghi ngờ lẫn nhau.
Theo Herworld