Làm giàu từ đôi tay vàng 1
Hiệp đang dạy nghề cho các em nhỏ ngay tại cơ sở

Giúp mình, giúp người từ đôi tay vàng

Mới 21 tuổi nhưng Hiệp đã là chủ của một cơ sở chạm trổ điêu khắc có tiếng khắp vùng. Cơ sở Lạc Việt nằm bên Quốc lộ 1A tại thôn 8, thị trấn Hương An còn được biết đến là nơi đào tạo nghề cho nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm ổn định.

Gia đình Hiệp có 3 anh em, hoàn cảnh nghèo khó, bố Hiệp bị tật nguyền nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên vai người mẹ. Từ bé, Hiệp đã mê mẩn với nghề chạm trổ. Những bức tượng, những tác phẩm điêu khắc của xưởng mộc trong thôn đã sớm hút hồn cậu học trò nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, cậu bé Hiệp lại chạy sang xem các anh, các chú đục đẽo và lén học nghề. Đến lớp 6, dù chỉ học lén nhưng Hiệp đã biết đục đẽo, tự tạo cho mình được nhiều sản phẩm đẹp khiến nhiều thợ mộc trong thôn phải trầm trồ.

Học đến lớp 10 (năm 2008), Hiệp phải nghỉ học để nhường phần đến trường cho hai em. Dang dở việc học, Hiệp quyết tâm học nghề để nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình. Cậu một mình lặn lội ra thị trấn Nam Phước (huyện Duy Duyên) xin học nghề và làm công nhân ở xưởng mộc nhỏ với mức thu nhập 20 nghìn đồng/ngày. Số tiền ít ỏi, Hiệp tích góp gửi bố mẹ nuôi em ăn học và nuôi ước mơ mở cơ sở chạm trổ của riêng mình.

Năm 2012, với đồng vốn ít ỏi tích góp được, Hiệp mạnh dạn thuê mặt bằng ngay thị trấn Hương An, thuê nhân công mở cơ sở chạm trổ Lạc Việt. Nhiều người ngỡ ngàng trước quyết định liều lĩnh ấy, bởi xung quanh đã có nhiều cơ sở chạm trổ nổi tiếng hơn, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ trong khi chàng trai còn quá ít kinh nghiệm và mối làm ăn.

“Thời gian đầu em làm chỉ cố gắng đủ trả tiền thuê mặt bằng và tiền công cho công nhân, mà vẫn lỗ”, Hiệp kể. Nhiều người biết hoàn cảnh gia đình và tay nghề của Hiệp nên đã giới thiệu nhiều người đến đặt hàng giúp, từ những đơn hàng ban đầu chất lượng, Hiệp tạo được uy tín với đông đảo khách hàng.

Trong vòng một năm, những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Hiệp được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Đến nay, Hiệp đã trở thành ông chủ với một số vốn khá lớn trong tay. Cơ sở còn giải quyết việc làm cho 5 thanh niên địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Đó là niềm mơ ước của nhiều thanh niên độ tuổi như Hiệp ở vùng quê nghèo này.

Không chỉ vậy, chàng trai 20 tuổi còn tổ chức dạy nghề miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Đến nay, đã có khoảng 10 em nhỏ đã thành nghề, có thu nhập.

Phạm Minh Huy (15 tuổi), một trong những học trò nhỏ tuổi nhất của Hiệp, sau gần 1 năm học nghề đã sành sỏi trong những đường đục đẽo, chạm trổ, tự tay tạc tượng, đục hoa văn như một thợ lành nghề. Hoàn cảnh khó khăn, Huy phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Ngoài việc được học nghề, Huy còn được Hiệp trả công hơn 2 triệu đồng/tháng trong thời gian học. Khi tay nghề thành thạo hơn, Huy và các em khác có thể ở lại làm công nhân cho cơ sở Lạc Việt hoặc đi tìm việc làm nơi khác.

Làm giàu từ đôi tay vàng 2
Hiệp và cúp Giải thưởng Lương Định Của năm 2013.

Đôi chân vàng

Nguyễn Ngọc Hiệp còn biết đến với vai trò cán bộ Đoàn gương mẫu của xã Hương An. Hiệp là phó bí thư chi đoàn thôn, chiến sĩ dân quân cơ động, tham gia nhiều hoạt động Đoàn xã, tích cực tổ chức vận động các bạn đoàn viên sinh hoạt Đoàn tại cơ sở.

Vốn mê nhảy Hiphop, Hiệp cùng một số bạn đoàn viên trong xã thành lập nhóm nhảy Overdose với hơn 10 thành viên nòng cốt. Nhóm nhảy của Hiệp đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng: Giải nhất khu vực miền Trung Bước nhảy Xì tin năm 2011 và lọt vào top 5 quốc gia; Đoạt giải ba khu vực miền Trung Tây Nguyên cuộc thi Vũ điệu xanh 2012. Hiệp tham gia các cuộc thi trên truyền hình như: So you think you can dance, Việt Nam got talent…

Nhiều năm liền Hiệp được các cấp Đoàn khen thưởng. Đặc biệt, năm 2013, Hiệp vinh dự được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của, giải dành cho nhà nông trẻ xuất sắc và được tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2013.