Dân văn phòng có lẽ không còn lạ gì cái màn đổ lỗi qua lại lẫn nhau, chuyền quả bóng trách nhiệm hết người này sang tới người khác mỗi khi làm hỏng việc gì bị cấp trên trách phạt. Lắm khi mình là nạn nhân nhưng lắm khi mình cũng là một trong những kẻ chối tội, đùn đẩy sang người khác.
Tâm lý chung là thế, làm công ăn lương, trời không sợ, đất không sợ, chỉ sợ cấp trên quở trách xong còn đánh mất hết tín nhiệm. Nhưng sự thật thì vấn đề đổ lỗi cho đồng nghiệp, nếu thành công, chúng ta thoát khỏi liên can và vẫn được sếp trọng dụng chứ?
Trên cương vị là một người sếp làm việc với rất nhiều người trẻ, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân không đồng ý với điều đó. Rõ hơn, chị cho rằng, bản thân rất ghét cái màn đổ lỗi trong tập thể làm việc chung bởi khi sự cố xảy ra, điều quan trọng nhất vẫn là phương án giải quyết vấn đề. Lỗi của ai lúc này chẳng còn quan trọng.
Toàn bộ ý kiến xoay quanh vấn đề này mới đây đã được chuyên gia Nguyễn Phi Vân đăng đàn kể trên trang cá nhân facebook của mình như sau:
LỖI CỦA AI?
Nhiều bạn trẻ tôi gặp, rất bám víu vào chuyện lỗi của ai. Tôi thì, ghét nhất trước giờ là phải ngồi nghe cãi qua đổ lại lỗi của ai. Who cares? Ai quan tâm làm gì chuyện đó trời.
Quan trọng là làm sao để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Có vạch trần lỗi của ai mà mục tiêu không đạt được, công việc không hoàn thành thì cũng vô nghĩa, hại não và phí sức. Vậy, mà sao cứ bu vào?
Mỗi ngày, đã có quá nhiều thông tin, dữ liệu, chuyện bàn dân thiên hạ xập xình làm não nó quá tải rồi. Làm ơn thương nó, cho qua mấy chuyện không giúp gì được cho ai, tập trung vào hiện thực hoá mục tiêu. Làm xong đi. Làm được đi. Rồi muốn gì tính sau.
Thời Covid này, sống còn mới là chuyện lớn mà. Tổ chức không còn, mất job thì tranh làm gì chuyện sai hay đúng? Mỗi người dẹp bớt 1 miếng ego, cùng nhau hướng về mục tiêu chung, về kết quả sau cùng, lợi mình ích người không sướng hay sao? Emo làm gì cho mất trắng?
Là bà già trải đời, Đông Tây các kiểu, nên tôi luyện não bắt sóng emo rất nhạy. Bạn hỏi tôi sao làm nhiều vậy mà vẫn ngủ đủ 7 tiếng/ngày? Là vì tôi không cho phép người khác có quyền xả rác nhà mình.
Mấy thứ tiêu cực, không giúp gì được ai nghe chi cho mất ngủ. Cho nên, khi nghe đổ lỗi là tôi chặn lại, tua qua, hỏi giải pháp là gì, hết. Thiệt tình, là không có tâm sức và thời gian nghe đổ lỗi. Lỗi ai cũng được. Who cares?
Cái tôi cần là giải pháp và kết quả. Rồi sau đó, mới đánh giá và xem xét sai sót nằm ở khâu nào, tại sao, là do khả năng nhân sự hay do huấn luyện, quy trình,... Sai chỗ nào hiệu chỉnh chỗ đó một cách khách quan, vì kaizen - liên tục cải tiến, không cần nghe đổ lỗi.
Cũng vì vậy, tôi không đánh giá con người qua sự thiếu vắng lỗi lầm, mà qua phản ứng của họ trong tình huống. Ai toàn lo đổ lỗi, gây gổ mà quên bén mục tiêu, kết quả, tôi không đánh giá cao.
Kẻ để cho cảm xúc dẫn dắt lạc mất đích đến sau cùng, họ chưa có bản lĩnh của người chinh phục. Người rất cool, giải quyết vấn đề linh hoạt để đạt được kết quả trước, xử lý nội bộ sau, họ là lãnh đạo, là hạt giống tương lai mà tôi luôn chú ý.
Ai trên đời này cũng có lúc sai lầm, dù là người chuyên nghiệp nhất. Tôi cũng thế. Bạn cũng thế. Nhưng người luôn chuyển động về phía trước, là người giữ cho mình không bị kẹt lại trong so đo lỗi lầm của bất kỳ ai, kể cả của bản thân.