Câu chuyện xảy ra ở một trường tiểu học của Tokyo, đó là buổi các bậc phụ huynh được tham quan tiết học của con ở trường. Trong tiết học, các em tự do phát biểu bài luận văn theo đề tài mình đã chọn. Có một cánh tay giơ lên, cô bé muốn được phát biểu. Bài phát biểu ấy đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều cha mẹ có mặt ngày hôm đó và được chia sẻ rất nhiều trên mạng.
Nguyên văn bài phát biểu của cô bé như sau:
“Hãy tin tưởng nhau”
“Tôi rất yêu gia đình của mình. Và tôi biết gia đình cũng rất yêu tôi. Thế nhưng thi thoảng có những điều khiến tôi cảm thấy bị tổn thương.
Gia đình của tôi lo lắng cho tôi nhiều hơn mức cần thiết. Hôm nọ, tôi đã cãi nhau với bạn A. Tôi đã bị bạn A làm cho tức điên. Thế nhưng tôi biết mình cũng làm cho A tức không kém, nên tôi rất muốn làm lành lại với A.
Nhưng khi ấy, mẹ lại nói với tôi rằng “Con không làm gì xấu cả. A mới là đứa sai, con không phải xin lỗi bạn ấy làm gì”.
Câu nói của mẹ khiến tôi rất bất ngờ. Tôi đã nghĩ “Tại sao chứ, tôi cũng làm sai, thế mà sao lại không cần xin lỗi cũng được? Có lẽ nào mẹ không tin vào chính con người tôi? Có lẽ nào mẹ chỉ tin vào “đứa con của mình”, và chỉ bởi lí do “nó là con của mình” nên mới nói rằng tôi không sai. Khi ấy nỗi buồn tràn ngập trong lòng tôi. Tôi đã bất an thầm nghĩ “Liệu mẹ có tin vào chính tôi dưới tư cách là một con người không? Tôi là con của mẹ, nhưng tôi cũng là một con người riêng biệt. Tôi nghĩ, đã khi nào mẹ nhìn nhận, đã khi nào mẹ cố gắng để hiểu, và đã khi nào mẹ tin tưởng vào chính con người ấy của tôi chưa?
Dạo gần đây, tôi nghe ti vi đưa tin rằng những “cha mẹ trực thăng” đang ngày một tăng lên. Khi xem xong chương trình ấy tôi đã muốn viết ngay bài văn này. Chắc chắn rằng các cha mẹ trực thăng không tin vào con người thực của con mình. Phải chăng họ chỉ tin vào “đứa trẻ do mình nuôi dạy”, tin vào việc nuôi dạy của bản thân mà thôi. Và có lẽ là không chỉ có mình tôi cảm nhận được điều khác thường như thế.
Tôi rất yêu gia đình mình. Vì thế tôi muốn gia đình hãy tin tưởng ở bản thân tôi, ở chính con người tôi nhiều hơn nữa. Chẳng phải là chỉ khi tin tưởng lẫn nhau, thì mọi thành viên trong gia đình mới gắn bó khăng khít, không khí gia đình mới tràn ngập tiếng cười hay sao.
Tôi cũng sẽ cố gắng chăm chỉ học tập. Vì thế từ bây giờ tôi mong cha mẹ hãy tin tưởng ở tôi nhiều hơn nữa. Nhất định tôi sẽ trở thành cô con gái đầy tự hào của gia đình”.
Đọc xong bài văn này chắc chắn cha mẹ nào cũng phải lặng đi một lúc để suy ngẫm, để nhìn nhận lại chính bản thân xem mình đã từng coi con như một “con người độc lập” hay chưa.
“Cha mẹ trực thăng” là cụm từ rất phổ biến hiện nay ở Nhật và cả Việt Nam, để ám chỉ những cha mẹ vì muốn bao bọc, bảo vệ con mình mà can thiệp quá sâu vào chuyện của con.
Ở Nhật, “cha mẹ trực thăng” chủ yếu là những người đặt kỳ vọng vào con quá nhiều, đòi hỏi thành tích học tập phải cao. Nhưng nếu con không đạt được như mình mong muốn thì sẽ chỉ trích giáo viên hay thầy cô dạy thêm. Hoặc có người vì lo cho con quá mức cần thiết, nên đòi hỏi thầy cô phải có những đối xử đặc biệt với con mình.
Đó là những người theo chủ nghĩa vị kỉ cá nhân, mình là trung tâm, con mình là trung tâm mà không hề nghĩ đến người khác. Họ coi con cái như vật sở hữu của mình, yêu con bằng tình yêu chiếm hữu. Ở Việt Nam, cha mẹ trực thăng còn dang tay làm tất cả vì luôn sợ con không biết làm gì, mà vô tình đánh mất đi rất nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng sống cho con.
Con cái sẽ cảm thấy ngộp thở trong tình yêu và sự bao bọc quá mức cần thiết ấy. Bài văn của học sinh trên như một tiếng nói gửi đến các bậc cha mẹ, xin hãy yêu con bằng cách tin tưởng vào chính con người con, tin rằng con có thể làm được mọi thứ, tự quyết định được cuộc sống của mình dưới sự trợ giúp của cha mẹ. Tin tưởng lẫn nhau mới chính là yêu thương đúng cách.