Chị mong con khi trưởng thành sẽ là một người thành đạt, giàu tình cảm. Với chị bây giờ, gia đình nhỏ là tất cả, đi đâu, làm gì chị cũng đều hướng về họ với tất cả sự yêu thương, quý trọng.
Chú trọng nguồn sữa mẹ khi nuôi con
- Sau 9 tháng làm mẹ, so với khi chị bước chân vào phòng sinh, chị thấy cảm xúc của mình thay đổi như thế nào?
Mình thay đổi rất nhiều. Trước khi Bích Su ra đời, hai vợ chồng mình rất trẻ con, suốt ngày ăn chơi nhảy múa, tiêu tiền “xoành xoạch”,… Thế nhưng ngay thời điểm bước chân vào phòng sinh, mình lo lắng, hồi hộp lại xen lẫn cảm giác có điều gì đó vô cùng tuyệt vời sắp diễn ra.
Khi được ôm con vào lòng, mình hạnh phúc vô bờ bến. Sau 9 tháng, chứng kiến con khôn lớn từng ngày, cảm giác hạnh phúc ấy cứ thế mà nhân lên với gia đình nhỏ của mình. Bích Su rất giống bố, cứ nhìn con, mình lại nghĩ tới ông xã. Điều này cũng khiến bố cưng chiều con rất nhiều.
- Có nhiều người đàn ông rất cưng chiều con, yêu con tuy nhiên họ lại khá là lười trong việc chăm sóc con, ông xã bạn thì thế nào nhỉ?
Ôi, anh xã còn chăm con khéo hơn cả mình ấy. Cứ hết giờ làm, anh lại về nhà chăm sóc con, dỗ dành, cưng nựng con. Vợ chồng mình thường xuyên chia sẻ với nhau những thông tin về cách chăm sóc, nuôi dậy con, vậy là cứ đọc thấy có cách thú vị nào là vợ chồng mình lại cùng nhau bàn bạc, nghiền ngẫm.
- Trong quá trình chăm con, bạn nhận thấy điều gì cần thiết để Bích Su có thể rất cứng cáp như hiện nay?
Sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng rất tốt mà người mẹ có thể dành cho con. Các cụ có câu “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” và Bích Su đã có thể làm những động tác đó vào đúng những dịp như vậy. Dù thời tiết có thay đổi nhiều, khí hậu thất thường ra sao nhưng dường như uống sữa mẹ nên con có sức đề kháng tốt.
Mình tìm hiểu thì được biết, sữa mẹ có chứa hơn 100 chất dinh dưỡng trong đó với những chất thúc đẩy sự phát triển của não bộ, tăng sức đề kháng cho con. Nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ con bị nhiễm bệnh ở tai, tiêu chảy và viêm màng não vi khuẩn. Cho nên mình cố gắng để con ti sữa mẹ càng nhiều càng tốt.
Có thể là nhờ được ti sữa mẹ nhiều nên bé rất cứng cáp, chẳng hạn bé chập chững vài bước, đứng thẳng, vịn vào giường khi có bố mẹ trợ giúp. Từ khi con bắt đầu “lò dò”, hai vợ chồng mình đã dọn dẹp lại phòng ốc để đảm bảo an toàn cho con: có thanh chặn cửa để bé không bò ra ngoài hay ra cầu thang, những thứ dễ vỡ được đặt trên cao (bình nước, lọ hoa…).
- Bích Su hiện tại đã hơn 9 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, thực đơn cho bé trong ngày bạn bố trí như thế nào?
Ngay từ tháng thứ 5, mình đã cho con ăn thêm 3 bữa bột hoặc cháo mịn một ngày. Bột của Su được thay đổi theo từng ngày. Trong đó, mỗi bát có khoảng 20g thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng...), 20g rau, 10ml dầu ăn. Ngoài ra, mỗi ngày bé được duy trì thực đơn ăn vặt như trái cây, sữa chua. "Trộm vía" con rất thích ăn sữa chua.
- Nhiều người mẹ trẻ rất đau đầu về việc làm thế nào bảo quản sữa mẹ để bé bú cả ngày mà vẫn đảm bảo vệ sinh, mẹ lại có thể yên tâm đi làm. Bí quyết của bạn là gì?
Trước khi đi làm, mình thường vắt sữa ra bình, đậy nắp kín và để ở ngoài trong điều kiện nhiệt độ phòng là 26-28⁰C, sữa sẽ để được 4-6 giờ. Nếu tiết trời lạnh như trước đây, sữa mình vắt ra còn có thể giữ được 12 tiếng.
Tuy nhiên với khí hậu đang chợt nắng chợt lạnh như bây giờ, mình thường vắt sữa và cất vào ngăn mát tủ lạnh (sữa được đảm bảo tới những 72 giờ).
Sữa mẹ khi vắt ra bình thường có lớp váng sữa màu vàng trên bề mặt. Khi cho bé bú chỉ cần lắc nhẹ thì lớp váng sữa này sẽ hòa tan ra ngay. Thông thường, mình chỉ lấy bát nước nóng hâm sữa là được.
Một điều lưu ý là phụ huynh không nên đun hoặc cho sữa vào lò vi sóng để tránh làm hỏng sữa, làm phân hủy các chất có lợi trong sữa mẹ.
Giúp con tự tin ngay từ nhỏ
- Trong thời điểm này và vài tháng tới, cảm giác sợ hãi khi gặp người lạ, xa bố mẹ sẽ lên đến đỉnh điểm ở nhiều bé. Mặc dù đó là tâm lý bình thường nhưng sẽ khiến mẹ khó xử và bối rối. Bạn làm thế nào để Bích Su tự tin như hiện nay?
Thật may mắn, Bích Su không sợ hãi khi gặp người lạ, không “ỉ ôi” khi bố mẹ đi làm mà bé rất ngoan ở nhà với ông bà. Ra ngoài nếu gặp người lạ là bé biết cười tít mắt ra hiệu “tớ chào bạn nhé".
Có lẽ do ngay từ nhỏ hai vợ chồng mình thường xuyên “tha lôi” con nhóc đi chơi khắp mọi nơi. Mình thích điều này vì nó giúp con “va vấp” được với môi trường bên ngoài, tốt cho cả hệ miễn dịch của con lẫn sự mạnh dạn mà con có.
- Ở tầm tuổi này, bạn lưu ý điều gì nhất cho bé?
Đó là dạy bé biết nói. 9 tháng là khoảng thời gian bé bắt đầu ê a và tập nói. Học nói là một bước quan trọng đánh dấu sự phát triển của con. Mình thường xuyên kể chuyện, hát cho con nghe, vài ngày mình mới thay đổi nội dung của câu truyện lẫn bài hát đó để bé có thời gian ghi nhớ. Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của con, mình biết con đang cố bắt chước mẹ.
Tuy nhiên, tất cả những chia sẻ trên đây mình đều được học từ bà, từ mẹ, mình mới nuôi con đầu lòng nên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ lắm, mình rất mong nhận được sự tư vấn cách chăm con của chị em.
- Cảm ơn sự chia sẻ rất thú vị này của bạn, chúc Bích Su hay ăn chóng lớn!
Từ một cậu bé nhút nhát, mẹ của Nhật Nam đã khiến con trở thành một cậu bé vô cùng tự tin, trở thành cây văn nghệ của trường lớp.