Xót xa cho con nhịn

Đưa bé Bún (5 tuổi) tới công ty liên hoan mà chị Nguyệt (Ngũ Xã, Hà Nội) phải xấu hổ. Trong khi bé nào cũng ngoan ngoãn, ăn tun tút, thế mà Bún cứ giãy đành đạch không chịu mở miệng, chị tung đủ chiêu để mong con hoàn thành nhiệm vụ nhưng thấy sao khó quá. 

Nhìn mẹ lườm thì bé mới chịu há mồm nhưng thức ăn cứ lung ba lúng búng trong mồm, một thìa cơm mà Bún ngậm những 30 phút. Mấy chị đồng nghiệp thân mách nước: “Mạnh tay đi em, chứ cứ để thế này là con hư đấy”. 

“Cho nhịn” – đó không phải là một cụm từ quá lạ lẫm với chị, cũng nhiều người khuyên nhủ chị thế nhưng vấn đề là chị không dám thực hiện. Có mấy lần chị cũng định thẳng tay nhưng nhìn con bé 5 tuổi mà còi dí dị, thấp dưới chuẩn… chị chẳng nỡ. 

Nhưng cứ nhìn cảnh con thờ ơ với tất cả những đồ ăn ngon mà mình làm, mình mua, chị quyết tâm “lần này sẽ cho nhịn”. 

Chị cố tình dàn cảnh cả nhà húp ngon lành món cháo cá hồi thơm nức mũi trong khi mặc kệ cho con chơi ở xung quanh. "Ấy thế mà con bé cũng lì, vẫn ngồi chơi như không có chuyện gì xảy ra", chị nói.

Ăn xong cả nhà dọn hết bát đũa, bị nhịn luôn bữa tối, bé cũng không đả động gì. Xót ruột chị hỏi “con ăn cháo nhé, ngon lắm”. Con bé lắc đầu quầy quậy. 

Cho nhịn vì cái tội ăn chậm 1
(Ảnh minh họa)

Chị đành chịu thua. Đến sáng hôm sau con mới ăn nhưng cũng chẳng nhiệt tình như chị nghĩ. Thấy mấy miếng đầu còn nhanh nhẹn tháo vát, miếng sau con lại ngậm, chị quyết định dừng luôn và bảo con đi uống nước “chứ không thể ăn thế này được”. 

Vài lần như vậy, Bún tiến bộ rõ rệt. Chị chia sẻ: “Đúng là trước đây mình cứ kè kè bát cháo, bát cơm, đĩa hoa quả bên con, bất cứ lúc nào hở ra là mình ép con ăn lấy được. Thế là bé ngày càng sợ ăn, bé coi ăn cơm giống như ăn roi, bé chẳng còn phản xạ thèm ăn như trước. Nhưng sau vài hôm thí điểm 'cho nhịn', bé khác hoàn toàn, bé chủ động ‘order’ món mình thích hẳn hoi”. 

Nhà chị Nhàn (Trương Định, Hà Nội) còn “thảm” hơn. Cu Tí (3 tuổi) ăn rất chậm, chán ăn, dù chị cũng áp dụng chiến thuật cho con nhịn nhưng “cho nhịn nó còn sướng ra mặt. 2 ngày mình để cho con tự giác ‘đói thì gọi’ nhưng chẳng có lần nào con chịu. Con cứ loanh quanh nước cam, nước lọc, váng sữa… thế là hết ngày. Mình xót xa khi thấy con giảm 1 cân. Nuôi cho béo thì mãi mới nhích lên được vài lạng mà ‘cho nhịn’ thì giảm nhanh thế. Mình không biết nên tiếp tục ‘cho con nhịn’ hay lại quay về tình trạng ép con ăn như cũ”. 

Giống nhiều chị em, chị Thu (Quận 7, TP HCM) cũng phải nổi đóa lên với con chỉ vì con ăn quá chậm, toàn ngậm cơm. Bữa ăn của con ngày nào cũng kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Ngoài bữa chính thì bim bim, bánh kẹo con ăn rất nhanh.

“Mình mất hàng tiếng để chuẩn bị bữa cơm cho con mà bé cứ ngậm làm cơm cháo đều bị vữa, ăn cũng mất cả ngon”, chị chia sẻ.

Ăn như chơi, chơi như ăn

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé ăn chậm, ngậm cơm: món ăn khiến bé không thích thú, bị nhồi nhét ăn nhiều khiến bé sợ, đau họng, do thói quen, tâm trạng mệt mỏi,…

Đầu tiên cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ liên quan tới việc biếng ăn, ăn chậm của con. Tìm hiểu được nguyên nhân sẽ giúp mình khắc phục được chứng này của con.

Chị Linh (Võ Thị Sau, TP HCM) đã thành công xóa bỏ thói quen ngậm cơm của con. Chị nói: “Con ngậm cơm là chủ đề mà gia đình mình tranh luận rất nhiều. Vợ chồng mình căng thẳng có, nhẹ nhàng có nhưng bé chẳng chịu nghe. Nhưng sau khi áp dụng chiêu ‘ăn như chơi, chơi như ăn’ bé Tũn ngoan lên đáo để”. 

Chị đã biến bữa ăn của con thành những trò chơi khá hấp dẫn. Ví dụ để giải cứu công chúa, Tũn ăn phải sạch thịt bò, cơm, và rau.

Khi thấy mình trở thành hiệp sĩ, Tũn phấn chấn lắm, ăn rất ngoan. Thêm vào đó, chị hạn chế cho bé ăn những thức ăn nhanh, đồ ngọt mà cho bé tập trung vào bữa ăn chính. 



Theo bác sĩ Lê Thị Hải, đối với những bé biếng ăn kéo dài, mẹ có thể bổ sung men 
tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã được thăm khám trực tiếp.
Cho nhịn vì cái tội ăn chậm 2