Lo lắng đứng ngồi không yên vì con ngủ ít
Từ ngày bé Mèo ra đời, vợ chồng chị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức giã từ những ngày tháng ăn ngon ngủ kỹ. Đêm nào bé cũng lục đục quấy khóc, lúc đòi thay bỉm, lúc đòi ăn sữa, lúc đòi mẹ cưng nựng…
Anh chị tự an ủi nhau: “Thôi gắng, sau vài tháng nữa con lại như người lớn ấy mà!”.
Thế nhưng đến bây giờ bé Mèo được hơn 2 tuổi, anh chị vẫn ngán ngẩm thức canh con nằm chơi cả đêm.
Con càng lớn, chị càng lo lắng không hiểu sao Mèo lại khó nuôi như thế. Nghe bạn bè xung quanh kể chuyện con họ ăn ngoan, ngủ kỹ, lên giường từ 9 giờ tối và ngủ một mạch tới 7 giờ sáng mà chị thèm thuồng, ước ao: "Giá Mèo được thế!".
Bình thường, bé Mèo nhà chị trưa ngủ 2 tiếng, đêm ngủ từ 10 giờ tối nhưng cứ đến 12 giờ là bé lại nhỏm dậy hết gọi bố đến gọi mẹ ra chơi đồ chơi cùng. Bé chơi từ đó tới 4,5 giờ sáng mới lăn ra ngủ.
Chị tâm sự: “Trông con mệt chỉ là một phần lý do, mình lo lắng nhất là có vấn đề gì về sức khỏe nên con ngủ ít”. Kể với bạn, ai cũng bảo “Con cậu bị thiếu kẽm rồi, không cần đi khám, cứ thế mà bổ sung thôi”.
(Ảnh minh họa)
Thế nhưng vốn là người cẩn thận nên chị không dám liều cho con dùng thuốc khi không có ý kiến bác sĩ.
Chị phân bua: “Mình tìm hiểu rồi. Đúng là trẻ thiếu kẽm sẽ ngủ không sâu giấc, ngủ ít, hay quấy khóc thế nhưng nếu thiếu khoáng chất này, bé sẽ liên tục ra mồ hôi trộm, nhưng ‘trộm vía’ con Mèo nhà mình lại không bị như vậy”.
Chị lên mạng tìm kiếm các kiểu thông tin nhưng chưa ra đâu vào đâu...
Cùng cảnh có con ngủ ít là chị Tú Quyên (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Chị tự nhủ: “Đành rằng con ngủ ngày cày đêm còn đỡ. đằng này, con bé Tuyết nhà mình ngủ ít, tính ra ngủ một ngày có 7-8 tiếng”.
Bé Tuyết được gần 3 tuổi, bé cao ráo, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, mỗi tội rất khó ngủ.
Chỉ cần một tiếng động nhỏ, Tuyết tỉnh ngủ ngay. Ngay từ bé, Tuyết đã thính ngủ. Chia sẻ với bạn bè ai cũng khuyên chị đi khám cho bé vì “chẳng bao giờ có chuyện trẻ con ngủ ít như thế cả”.
Chị bị stress nặng. mỗi khi đi làm về là phải đối diện với những cơn quấy khóc của con. Nhìn con khóc ngằn ngặt trên tay mà chị lo lắng đứng ngồi không yên.
Mẹ chị an ủi: “Có lẽ do Tuyết bị giống gen đằng nhà nội, mẹ và bố nó cũng thính ngủ lắm. Nằm mãi mới ngủ được”.
Thế nên, phòng bé nằm luôn được bố trí có độ “cách âm” ổn nhất trong các phòng. Ngày nào bà nội cũng làm cháo hầm hạt sen cho cháu mong bé sẽ ngủ sâu, ngon, đỡ quấy mẹ thế nhưng 10 hôm thì đến 9 hôm bé tỉnh dậy đòi xuống màn chạy chơi.
Áp dụng đủ cách của bạn bè: mắng nhiếc, bắt con lên giường từ 9 giờ tối rồi tắt hết đèn, giảm thời gian ngủ trưa để cho giấc ngủ tối được hiệu quả hơn… thế nhưng gì thì gì, bé vẫn chỉ ngủ có từng ấy tiếng.
Mắng à? Bé sẽ nằm loe ngoe vẫy tay chân cười khúc khích cả đêm để thách đố bố mẹ.
Tắt đèn ư? “Con không sợ bóng tối nhé”, bé lò dò đi lại trong phòng.
Giảm giờ ngủ trưa? Không sao, đêm bé vẫn thức như thế.
Có lúc chị bị khủng hoảng, chị đưa con đi khám, bác sĩ cũng nhận xét con chị hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì.
Chất lượng giấc ngủ mới thực sự quan trọng
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: “Chất lượng giấc ngủ của trẻ mới là điều quan trọng, không quan trọng về thời gian ngủ”.
Những rối loạn về giấc ngủ (ngủ ít) như những trường hợp trên đa phần xảy ra khi bé dưới 3 tuổi, lúc này hệ thần kinh của bé chưa phát triển đầy đủ và còn rất nhạy cảm với những tác động của các yếu tố bên ngoài.
Tình trạng mất ngủ hay khó ngủ nhất là ở trẻ có những ảnh hưởng lên sức khỏe và tâm tính của trẻ, các bé trở nên khó chịu, mệt mỏi. Tuy nhiên, có những trường hợp, bé thức, ngủ không sâu giấc nhưng vẫn chơi ngoan, phát triển thể chất hoàn toàn khỏe mạnh.
Vì thế, cha mẹ không nên quá lo lắng nếu con ngủ ít nếu thấy con vẫn khỏe mạnh, không quấy khóc, bỏ ăn hay có dấu hiệu lạ thường. Con sẽ ngủ ngon khi con lớn hơn, hiểu biết hơn.
Bên cạnh đó, để xây dựng cho trẻ một thói quen ngủ hợp lý, cha mẹ nên rèn luyện cho bé đi ngủ vào một giờ cố định để tạo lập nên nhịp sinh học cho con, hình thành một thói quen mang tính phản xạ, giúp con dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Bố trí cho phòng con được thông thoáng, ấm áp khi lạnh, mát mẻ khi trời nóng, tránh tiếng ồn, ánh sáng. Thường xuyên mát-xa cho bé trước khi đi ngủ cũng là một cách “an thần” giúp bé ngủ sâu hơn, ngon hơn.
Ngoài việc bố trí lịch ăn uống ngủ nghỉ hợp lý cho trẻ, bậc phụ huynh nên chú ý tới những thực phẩm giúp bé yêu ngon giấc. Ví dụ: một cốc sữa ấm; tăng cường ăn những sản phẩm từ lúa mạch (lúa mỳ, bánh mỳ, bánh quy, gạo…) vì chúng một nguồn vitamin B khổng lồ – một loại vitamin giúp bé loại bỏ những căng thẳng, bất an, kích thích bé dễ dàng ngủ sâu, ngủ ngon; khoai tây, hạt sen, nho, chuối, táo…
Dù rất thương yêu con nhưng chị phải dùng từ “ngất lên ngất xuống” để mô tả cuộc chiến cho con đi ngủ của cả gia đình.