Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Trước đây hầu hết trẻ em đều mắc sởi. Việc triển khai rộng rãi tiêm vắc xin sởi trong nhiều năm đã khống chế thành công bệnh sởi.
Tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất đối với bệnh sởi
Tác nhân gây bệnh sởi là vi rút sởi và người là ổ chứa duy nhất. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 – 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau mới phát ban. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Miễn dịch bệnh sởi chỉ có được sau mắc bệnh hoặc sau khi tiêm vắc xin bền vững; miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong 6 đến 9 tháng sau khi ra đời.
Theo điều tra dịch tễ học cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm phòng. Bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vaccine sởi hay chưa từng mắc sởi.
Tiêm phòng là cách mẹ bảo vệ con 90-95% nguy cơ mắc bệnh sởi. (Ảnh: Minh Tuyết)
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng cách tiêm vắc xin sởi. Thật đáng tiếc, thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm nên một số cha mẹ không đưa con đi tiêm các vắc xin, bao gồm cả vắc xin sởi. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ.
Cũng theo ông Phu, sởi là bệnh truyền nhiễm dễ gây thành dịch, lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo, các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Với những đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi. Chúng ta có thể đến tiêm chủng tại các địa điểm của các trung tâm y tế quận/ huyện hay Trung tâm y tế dự phòng tỉnh/thành phố.
Trước tình dịch sởi đang có chiều hướng gia tăng mạnh ở nước ta, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) gửi công văn khẩn đến các Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chống dịch bệnh sởi. Tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi, rubella.
Các địa phương phải đảm bảo đủ cơ số thuốc, vaccine sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc phòng chống dịch sởi; cấp kinh phí đầy đủ cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi….
Các mẹ lưu ý một số cách phòng chống bệnh sởi cho trẻ
- Cách ly và chăm sóc y tế với bệnh nhân trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ cho cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại các cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế.
- Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh dưới 1 tuổi cần hạn chế tối đa cho tiếp xúc với người khác, đặc biệt là cho tiếp xúc với phụ nữ có thai cho đến khi xét nghiệm nước tiểu, dịch ngoáy họng âm tính với vi rút rubella.
- Cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/ nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa…), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc…
- Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1- 2 lần/ ngày.