Xin thưa với bạn câu trả lời chắc chắn: Không. Bạn sẽ không yêu đứa con thứ hai giống như đứa đầu tiên, chuyên gia Sara McTigue (chuyên gia tâm lý trên trang Everydayfamily) khẳng định.
Đứa con đầu biến bạn thành cha mẹ. Nó là một bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời không bao giờ có thể lặp lại. Sự gia nhập của bé vào thế giới của bạn là một chất xúc tác cho sự thay đổi đó - thứ mà bạn chưa bao giờ thấy trước kia. Chẳng mấy khi mà chỉ một giây phút ngắn ngủi lại xoay chuyển mọi thứ trong suy nghĩ và hiểu biết về thế giới của bạn giống như vậy.
Cầu thủ bóng chày nổi tiếng Vernon Law từng phát biểu: "Kinh nghiệm là một giáo viên nghiêm khắc, cô ấy giao bài thi trước khi đưa ra bài học". Đó là những gì bạn cảm nhận khi có đứa con đầu. Bạn không ngừng lo lắng về những thất bại của mình, khi bạn bắt đầu nghĩ mình đã hiểu vấn đề, thì con người bé nhỏ ấy lại khiến bạn ngắc ngứ lại từ đầu.
Đứa con đầu tiên chào đời, bạn đột nhiên nhận ra rằng tình yêu lớn hơn nhiều so với bạn từng tưởng tượng. Bạn khắc ghi mỗi bước ngoặt đầu đời của bé như thể lần đầu tiên có một em bé thực hiện được những điều kỳ diệu như lăn mình hay nắm được ngón chân.
Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn có đứa thứ hai?
Đứa con thứ hai khiến bạn trở lại thực tế.
Điều đó không có nghĩa là thời gian với đứa con đầu là phi thực tế. Nhưng thêm đứa thứ hai khiến thời gian cùng với đứa con đầu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Giờ đây, trái tim bạn mở rộng thậm chí gấp 3 lần, tạo ra những không gian mới để nắm giữ cả tình yêu mới và cũ, và xoắn các tình yêu đó lại với nhau.
Mặc dầu vậy, lần này, bạn không dư dả đến mức dành mọi sự quan tâm vào một vị trí. Đó là điều tốt. Bạn học cách xoay quanh mọi thứ, làm nhiều việc cùng lúc, quét sạch những lo lắng thất bại từng ám ảnh bạn và giữ cho mọi thứ tiến lên phía trước. Bạn học cách chớp lấy từng giây phút ngắn ngủi và tận hưởng những khoảng thời gian yên tĩnh đó.
Bạn nhận ra rằng đứa con đầu không phải là hoàn hảo nhất trong mọi vật của tạo hóa. Vì điều đó nghĩa là đứa con thứ hai kém hơn - và đó là điều không thể. Bởi vậy bạn bắt đầu nhận ra rằng sự hoàn hảo không phải là mục đích hoặc điều cần quan tâm. Bạn học cách trân trọng con không phải vì vị trí đầu tiên hay những thành tựu của bé, mà vì chúng là ai: khí chất, những thói quen lạ lùng, những điều khiến chúng chính là chúng.
Và vì thế, bạn không thể yêu các con giống như nhau. Vì bạn yêu chúng chính xác như là mỗi đứa trẻ cần phải thế. Và bạn sẽ có những giây phút ước muốn đứa này giống đứa kia, bạn sẽ thấy tình yêu mình dành cho mỗi đứa con là không biên giới, và rằng việc tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống, tìm cách để cân bằng tình yêu của mình không còn là một mối bận tâm.