Chắc hẳn không ít người trong số chúng ta ở đây, đều đặn hàng ngày mải miết với công việc chỉ với một mục đích chính là kiếm thật nhiều tiền. Tuy nhiên, đã có giây phút nào vì quá mệt mỏi với nhịp sống tất bật, chúng ta giật mình tự vấn bản thân: “Kiếm thật nhiều tiền để làm gì?”.
Tiền vốn chứa đựng một sức mạnh vô hình to lớn, giúp chúng ta tận hưởng một cuộc sống hưởng thụ chẳng cần lo nghĩ. Tuy nhiên, tiền vốn không phải là một công cụ vạn năng, thiên biến vạn hoá. Cuộc sống này vốn tồn tại rất nhiều giá trị lớn lao hơn mà tiền dù nhiều cách mấy cũng chẳng thể mua được.
1. Sức khoẻ
Đức Đạt Lai Lạt-ma từng nói: “Nhân loại vì kiếm tiền mà hy sinh sức khỏe; vì chữa bệnh mà hy sinh tiền tài. Sau đó, vì lo lắng tương lai nên không cách nào hưởng thụ hiện tại. Cứ như vậy mà không cách nào sống cho hiện tại. Khi còn sống, họ quên rằng cuộc đời là ngắn ngủi. Đến khi chết, mới phát hiện mình chưa từng một lần sống thật tốt”. Thật vậy, sức khỏe vốn là thứ quý giá nhất và một nền tảng sức khỏe vững chắc chính là tiền đề để chúng ta tạo nên của cải, vật chất. Thế nhưng, nhiều người đang đi ngược lại chu trình này, để tiền bào mòn sức khỏe và con người.
2. Tình thương
Đại thi hào Tagore cũng từng cảm thán: “Lúc thoát khỏi cảnh nghèo khó, chúng ta sẽ có được tiền tài của mình, nhưng để có được khoản tiền này, chúng ta đã mất đi bao nhiêu thiện tâm, bao nhiêu cái đẹp và bao nhiêu sức lực chứ!”. Rõ ràng là để có được nhiều tiền tài, của cải; chúng ta chẳng ngại hy sinh nhiều thứ quan trọng của cuộc đời mình và tình yêu thương là một trong số đó. Để rồi đến một ngày quay đầu nhìn lại, bồi hồi với những gì mình đã đánh mất.
3. Niềm vui
Benjamin Franklin từng nói: “Tiền tài không thể khiến người ta vui vẻ, vĩnh viễn sẽ không, vì trong bản chất của nó không hề tồn tại cái gọi là vui vẻ. Người có được càng nhiều, lại càng muốn nhiều hơn”. Niềm vui được tạo ra bởi tiền, có chăng cũng chỉ là những cảm giác nhất thời; để rồi sau đó lại là những cảm xúc trống rỗng, cô quạnh.
4. Chính trực
Tiểu thuyết gia người Anh – Douglas Adams: “Lúc thật sự phục vụ người khác, điều cần thiết mà tiền tài không thể nào mua sắm hay đong đếm, đó chính là sự chân thành và chính trực”. Bởi sự chân thành và chính trực vốn xuất phát từ sâu trong tâm hồn mỗi con người và nó được vun đắp bằng sự tin tưởng, sự tương thân chứ không phải mua được bằng tiền.
5. Tôn trọng
Nhà triết học người Mỹ – Ayn Rand: “Tiền tài là công cụ để tồn tại; thái độ của bạn đối với công việc cũng chính là thái độ của bạn đối với cuộc đời của chính mình. Nếu công việc kiếm sống là sa đọa, bạn đã hủy diệt ý nghĩa tồn tại của chính mình. Bạn đã từng cầm qua đồng tiền bất nghĩa chưa? Đã từng vì giành thêm chút lợi nhuận mà giễu cợt người khác chưa? Hoặc là hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của mình? Vì để có thể sống qua ngày, bạn đã làm những việc không nên làm?
Nếu là như vậy, tiền tài cũng không mang đến dù chỉ một chút niềm vui. Đồ vật bạn mua sẽ trở thành một loại sỉ nhục mà không phải là kính trọng; là một loại căm hận mà không phải thành tựu. Như vậy, bạn sẽ cho rằng tiền tài là một loại tội ác, bởi vì bạn không thể nào có được sự tự tôn từ nó”.
6. Đạo đức
Ký giả kiêm tác giả người Mỹ – George Lorimer: “Thứ có thể mua được bằng tiền dĩ nhiên là tốt, nhưng không nên quên rằng điều không thể mua được bằng tiền sẽ càng tốt hơn”. Có cho mình rất nhiều tiền không đồng nghĩa với việc sở hữu một nền tảng đạo đức tốt.
7. Giáo dục
Phóng viên kiêm tác giả người Mỹ – Neil deGrasse Tyson: “Con người không dùng sự cảm thông và chia sẻ để cảm nhận tình cảm và ý nghĩ của người khác hay những sinh vật khác trên trái đất, có lẽ giáo dục chính quy của chúng ta nên thêm vào giáo dục sự cảm thông và chia sẻ. Thử tưởng tượng, nếu giáo dục gồm có đọc, viết, toán học, cảm thông và chia sẻ, thì thế giới này sẽ không còn như cũ nữa”.
8. Trí tuệ
Steve Jobs: “Tôi không phải vì kiếm tiền mà quay về Apple. Thần may mắn vẫn luôn quan tâm đến tôi. Năm 25 tuổi, tôi đã kiếm được tài sản 100 triệu đô-la. Lúc ấy rất rõ ràng rằng tôi sẽ không bị tiền tài nô dịch. Bởi vì tôi chắc chắn không có khả năng tiêu hết số tiền kia, hơn nữa, tôi cũng không dùng tiền tài để kiểm chứng trí tuệ của mình”.