Làm osin cho người nước ngoài không dễ!  1
"Tôi tự hào vì mình là osin!" - chị Vũ Thị Ngọc Ái (top 5 Master Chef Việt Nam 2014)

Làm osin cho người nước ngoài: không dễ

Được biết, chị Ái đã từng tốt nghiệp đại học, và nghề nghiệp hiện tại của chị là làm giúp việc cho người nước ngoài. 13 năm trước, khi chị bắt đầu làm công việc này, đó là một quyết định có chủ ý hay là một sự đưa đẩy của số phận?

Bạn cứ gọi tôi là osin cũng được, không phải nói tránh đi đâu! (Cười). Chữ “osin” bị người mình hạ thấp giá trị đi, chứ bản thân câu chuyện Osin trong bộ phim Nhật Bản đó rất hay. Đúng như bạn nói, tôi từng học Tổng hợp Sinh, khóa 1990 – 1994. Hồi ấy, tôi học đơn thuần vì niềm đam mê và thực sự muốn theo đuổi ngành sinh học; nhưng khi ra trường, không có điều kiện để làm công việc đúng với ngành mình đã học, tôi đi bán hàng nội thất. Được một thời gian, tôi mở cửa hàng kinh doanh riêng, nhưng có lẽ chưa có kinh nghiệm và chưa đủ kỹ năng để kinh doanh đã khiến tôi phá sản. Đó chính là thời điểm tôi bắt đầu làm giúp việc cho người nước ngoài. Tại thời điểm đó, làm osin là một lựa chọn bắt buộc; nhưng sau ngần ấy năm, tôi nghĩ công việc đó đến với tôi như một cái duyên, một sự run rủi của số phận.

Ở thời điểm trước những năm 2000 (và có lẽ đến giờ), các cử nhân đại học luôn muốn tìm những công việc “sang”, muốn trở thành “ông này bà nọ”, chị lại đi một hướng ngược lại. Khi đó, gia đình có phản đối quyết định của chị không?  

Các bậc phụ huynh ai cũng muốn con mình có nghề nghiệp tử tế, muốn khoe con làm công ty nọ, cơ quan kia, chẳng ai muốn khoe: con tôi làm giúp việc cả. Bố mẹ tôi cũng vậy. Nhưng ông bà không ngăn cản được tôi, vì khi đó, tôi đã có gia đình riêng, tự quyết định cuộc sống riêng của mình. 

Theo thời gian, có lẽ bố mẹ cũng phải tự thay đổi. Còn tôi, tôi yêu và tự hào về công việc của mình nên cứ khoe thôi (cười). Ông xã tôi cũng có cơ hội tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài nhiều nên nhìn nhận về xã hội cũng thoáng. Chúng tôi cho rằng, làm công việc gì cũng được, miễn là trong sạch và bằng sức lực của mình, mình thấy vui và say mê là được. 

Làm osin cho người nước ngoài không dễ!  2
Làm osin cho người nước ngoài không dễ

Nhiều người cho rằng, giúp việc là công việc khá đơn giản, chị nghĩ sao?

Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi kỹ năng, yêu cầu riêng. Giúp việc cho người nước ngoài hoàn toàn không phải loại công việc lặt vặt, đơn giản, được trả lương thấp và những người làm nghề có thể làm việc một cách dễ dãi. Làm việc với người nước ngoài, bạn có cơ hội để khác biệt, còn có khác được hay không là tùy vào cách bạn tiếp xúc với công việc.

Tôi bắt đầu làm giúp việc bằng cách nhận trông trẻ cho một gia đình người Nhật, mà bạn biết rồi đấy, người Nhật cực kỳ kỹ tính và khó tính. Lúc đó chưa có kinh nghiệm nhiều về việc nấu nướng, tôi nghĩ trông trẻ con sẽ đơn giản hơn, nhưng thực sự, việc đó cực kỳ khó, vì nó liên quan đến con người, liên quan đến sinh mạng. Bạn nấu ăn không ngon, người ta có thể bỏ đi không ăn, bạn có thể rút kinh nghiệm lần sau; nhưng với trẻ con, không thể có cơ hội thứ hai nếu bạn sơ sảy làm chúng ngã, bị tai nạn... Nhưng khi họ đã tin tưởng giao con cho bạn thì có nghĩa là bạn đã đạt được niềm tin nơi họ, và đó là cơ hội để bạn hiểu sâu về cung cách sống cá nhân một gia đình, cũng như văn hóa của một đất nước khác. 

Làm osin cho người nước ngoài không dễ!  3
Làm giúp việc cho người nước ngoài có cơ hội tìm hiểu sâu về văn hóa các nước

Làm giúp việc cho người nước ngoài cũng giống như được du lịch tại chỗ

Ngoài việc kiếm được tiền, điều gây hứng thú nhất trong công việc của chị là gì?

Tôi đã có cơ hội làm việc với người Nhật, người Mỹ, New Zealand, Trung Quốc... Điều thú vị nhất là được trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau ngay trên chính đất nước mình, thông qua gia đình người chủ. Nếu không hiểu văn hóa, bạn sẽ không thể làm tốt được việc; ngược lại, họ cũng sẽ trân trọng mình nếu mình được việc và hiểu văn hóa của họ. Ví dụ, người Nhật luôn trân trọng mọi thứ mà họ phải bỏ tiền mua, từ những thứ nhỏ nhất như chiếc tăm, ngụm nước. Nếu người giúp việc đến muốn uống nước ở nhà họ, họ không ngại cho, nhưng phải hỏi ý kiến họ trước khi uống. 

Làm việc với người nước ngoài thích nhất là họ tôn trọng quyền cá nhân rất cao, làm việc có nguyên tắc và có kế hoạch. Họ rất tôn trọng ngày nghỉ cuối tuần và luôn lên lịch những sự kiện quan trọng. Ví dụ, nếu định tổ chức tiệc, họ sẽ thông báo trước 1 tháng để tôi chuẩn bị, lên kế hoạch cũng như sắp xếp công việc, và những ngày làm việc thêm đó, tôi được trả lương cũng cao hơn. 

Với kinh nghiệm làm việc và sự hiểu biết về văn hóa, chắc chị “đắt hàng” lắm?

Hiện tại, tôi chỉ làm cho khoảng 4 gia đình, còn thời điểm “căng” nhất là 7 gia đình cùng một lúc. Không phải vì lúc đó tôi ham tiền đâu mà vì tôi muốn tiếp xúc với những gu ẩm thực khác nhau. Nếu biết cách tính toán lịch “chạy show”, lên thực đơn hợp lý cho từng gia đình thì cũng không đến mức quá tải lắm. 

Cụ thể, những chủ người Nhật của tôi chỉ ăn ở nhà vài bữa trong tuần, nên mỗi tuần, họ chỉ cần tôi vài buổi để đi chợ, nấu ăn, giặt là. Dựa trên lịch ở nhà của họ, tôi lên lịch chi tiết, sắp xếp các buổi làm việc rồi lên thực đơn cụ thể, đổi món liên tục, lựa chọn thực phẩm thích hợp với mùa, thời tiết để không bị trùng lặp.

Nhiều đồng nghiệp của tôi, khi chủ sắp về nước thì lo lắng đi tìm việc mới, nhưng tôi khác họ. Khi chủ tôi về nước, thường đã có 3 – 4 người khác xếp hàng, muốn tôi làm việc cho họ. Tôi tiến xa trong nghề, không bao giờ thiếu việc là bởi biết lắng nghe, thích thú tìm hiểu văn hóa của họ và luôn cầu tiến. Chủ tôi để tôi vắng mặt 1 tháng thi Master Chef mà không cần một người khác thế chân. Họ tự lảm những việc thường ngày tôi làm giúp họ như nấu ăn, giặt là cho đến khi tôi quay lại, vì họ không đơn giản là cần một người giúp việc, họ cần một người hiểu, tôn trọng văn hóa của họ và có thể trao đổi với họ về văn hóa Việt nữa.

Làm osin cho người nước ngoài không dễ!  4
Tôi không bao giờ thiếu việc để làm.

Làm việc với người nước ngoài có ảnh hưởng đến phong cách sống, cách nuôi dạy con hay cách chăm sóc gia đình của chị không?

Có chứ. Làm việc với người nước ngoài, đặc biệt là người Nhật, tôi học được ở họ sự thận trọng, cách lên kế hoạch chi tiêu, cách kiểm soát cuộc sống, cách sắp đặt đồ đạc trong gia đình... Tôi cố gắng dạy cho con biết các quản lý đồng tiền, không áp đặt chúng trong việc học hành mà để chúng được học những gì chúng yêu thích.

Các con tôi cũng có tính kỷ luật tốt, ví dụ như bé thứ hai từ nhỏ đã ngồi ăn cùng gia đình, tự xúc ăn. Tôi không bao giờ phải đưa bé đi phải ăn rong, làm trò, mở TV để dụ con ăn. Hay như chồng và cậu con lớn 15 tuổi của tôi, cả hai đều biết nấu ăn, tự biết chăm sóc mình. Thế nên, tôi đi vắng 1 tháng thì cả nhà vẫn tự xoay sở được.

Tham gia Master Chef là một cơ hội đổi đời

Cội nguồn cảm hứng ẩm thực của chị là gì? 

Niềm đam mê ẩm thực của tôi xuất phát từ công việc chứ không phải từ gia đình. Như tôi đã nói,  người Nhật trân trọng mọi thứ trong cuộc sống, ngay cả những nguyên liệu bình thường nhất. Sếp của tôi rất mê món đậu phụ sốt cà chua – một món ăn không thể giản dị hơn. Khi mình làm một món ăn mà người khác cảm thấy thích thú và tìm ra sự quyến rũ của nó, điều đó cũng khiến mình cảm thấy hứng khởi.

Rời Master Chef ở top 5, chị đem về nhà những gì?

Nhiều người cũng hỏi, sau cuộc thi tôi có được nhiều tiền không, tôi bảo, được nhiều lắm chứ, riêng chuyện được lên TV đã đáng tiền tỉ rồi (cưới lớn). Đùa thôi, chứ tôi đi thi với tâm niệm, chương trình đến với mình là cái duyên, là một khóa huấn luyện. Cảm nhận về nấu nướng của tôi đã tinh hơn, tôi được tiếp cận với nhiều phương pháp chế biến hơn, có cảm xúc với món ăn hơn và ứng biến tốt hơn. Quan trọng hơn cả là cuộc thi đã mang đến cho tôi một “chứng chỉ” để có thể làm thêm những công việc khác.

Làm osin cho người nước ngoài không dễ!  5
Master Chef đã đưa tôi lên một tầm cao mới.

Tức là chị sẽ không làm giúp việc nữa?

Có chứ, tôi vẫn sẽ làm giúp việc. Không chỉ là chuyện kiếm được tiền, đó còn là cơ hội mang món ăn Việt giới thiệu cho cộng đồng người nước ngoài. Tôi không chỉ chia sẻ cách nấu nướng, chia sẻ niềm vui ẩm thực mà còn chia sẻ với họ văn hóa. Mỗi món ăn đều mang theo một câu chuyện, ví dụ vào thời điểm này ở Hà Nội đang có củ niễng, tôi muốn làm các món từ củ niễng mời họ, hoặc đến mùa rươi, tôi có thể giới thiệu với họ về một đặc sản, về sự thú vị của món Việt.

Trong tương lai, tôi muốn viết một loạt sách dạy nấu món Việt cho người Nhật, sách sẽ in bằng tiếng Nhật, trước mắt là dành cho người Nhật đang ở Việt Nam, xa hơn nữa là tiến đến xuất bản tại Nhật. Tôi hy vọng đó sẽ là một sự giao thoa, một cầu nối đưa món Việt đến với người Nhật, để họ có thể nấu món Việt bằng những nguyên liệu tại địa phương. 

Tôi cũng dự định mở một kitchen studio – nơi tôi có thể dạy người Nhật nấu món Việt, chia sẻ cách nấu những món ăn trong gia đình người Nhật cho các bạn trẻ Việt cũng như chia sẻ những câu chuyện ẩm thực và văn hóa cho những người có ý định du học tại Nhật. Thu nhập từ công việc của tôi không quá cao, chỉ vừa đủ cho cuộc sống, nên có lẽ đây sẽ là cơ hội để tôi kiếm thêm tiền để thực hiện những dự định mà mình đang ấp ủ.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện. Chúc cho những dự án của chị sớm thành hiện thực!