Thời tiết khắc nghiệt, dịch tả lợn, giá năng lượng tăng, thiếu hụt lao động và chuỗi cung ứng gián đoạn do đại dịch đã đẩy giá lương thực lên cao nhất 1 thập kỷ. Theo FAO, giá lương thực thế giới trong tháng trước đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2011.

Chỉ số theo dõi giá lương thực của cơ quan này đã tăng 9% so với tháng 9 và 31,3% so với tháng 10/2020. Yếu tố thúc đẩy là dầu thực vật, ngũ cốc đắt hơn do các nước xuất khẩu lớn như Canada, Nga, Mỹ và Malaysia giảm lượng thu hoạch khi thiếu hụt lao động nhập cư và giá dầu thô tăng đột biến.

Hiện tại, các quốc gia mới nổi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi các khu vực Nam Mỹ cũng như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến lạm phát giá lương thực ở mức 2 con số. Các quốc gia giàu nhất OECD cũng ghi nhận mức tăng trung bình 4,5%. Tại châu Á, nhiều nền kinh tế đã tránh được điều tồi tệ nhất hoặc có thể là như vậy. Tuy nhiên, do sự đa dạng của mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia bị ảnh hưởng theo một cách riêng.

Singapore và Hong Kong: "Ngày càng nhiều người đói"

Lai Chin Hooi - chủ một quầy bán rau ở khu dân cư phía Đông Singapore nhận thấy khách trong khu chợ ẩm ướt đang thưa thớt dần. Ông nói: "Mọi thứ hiện nay đều đắt đỏ và việc kinh doanh ngày càng khó khăn."

Giá rau nhập khẩu từ Trung Quốc - ví dụ như cải làn, đã tăng 30-40% trong những tuần gần đây. Theo Lai, nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt và giá vận chuyển cao hơn. Lai cũng vận chuyển rau từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhưng đợt tăng giá này đối với ông là mức cao nhất trong 6-7 năm qua.

Số liệu của chính phủ cho thấy lạm phát lương thực đã tăng 1,6% trong tháng 9, từ 1,5% 1 tháng trước đó. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm thậm chí còn vượt xa con số này. Ví dụ, 1kg nho có giá khoảng 11,06 SGD vào tháng 6 nhưng tháng 9 đã lên tới 15,73 SGD.

Lạm phát gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả châu Á: 1 chiếc pizza đủ nuôi sống 150 người, giá tăng cao đến mức phải dùng dầu từ đèn để nấu ăn - Ảnh 1.

Gián đoạn chuỗi cung ứng và lũ lụt ở Trung Quốc, Ấn Độ đã ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng và làm tình hình tồi tệ hơn. Yếu tố khác cũng là nguyên nhân làm nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng khi các quốc gia hồi phục sau đại dịch.

Tại Hong Kong, các nhà phân phối thực phẩm và nhà hàng cũng đang nhận thấy nhiều khó khăn. Tháng 9, McDonald’s cho biết cánh gà chiên giòn có thể sớm hết hàng vì vấn đề vận chuyển. Trong khi đó, các nhà cung cấp cảnh báo giá bột mì, rau quả, sữa, rượu nhập khẩu cũng tăng cao. 

Trong khi các chuỗi siêu thị lớn ở Singapore có thể tránh được sự gián đoạn bằng cách đa dạng nguồn cung ứng, thì các cửa hàng nhỏ hơn do gia đình quản lý lại khó có lựa chọn như vậy và chuyển chi phí cho khách hàng.

Rama - làm việc tại cửa hàng đồ tạp hóa Ấn Độ gần sạp hàng của ông Lai, cho biết khách hàng đã phàn nàn về việc giá hàng khô và rau quả nhập từ miền Nam Ấn Độ tăng. Giá bánh Samba và rau mùi đã tăng khoảng 20%.

Ấn Độ: "Tôi sống sót qua Covid-19, nhưng liệu tôi có thể tồn tại với mức giá hiện tại không?"

Diwali - thánh địa Ayodhya của đạo Hindu, đã chống chọi với những lần giá cả tăng cao trước đó bằng cách lấy dầu từ đèn. Sau khi lễ hội tắm sông kết thúc, những gia đình nghèo và con cái họ đã cầm trên tay những ngọn đèn bằng chai nhựa. Dù lửa đã tắt nhưng những bát đèn vẫn sót lại một ít dầu mù tạt.

Họ nhặt đèn và đổ vào chai mang về để nấu ăn vì giá dầu mù tạt quá đắt đỏ. Dầu mù tạt hiện có giá 240 rupee (3,22 USD)/lít, năm ngoái chỉ là 150 rupee.

Lạm phát lương thực ở Ấn Độ đã đã ổn định với mức tăng 3,11% trong tháng 8 đến tháng 9 chỉ tăng thêm 0,68%. Tuy nhiên, tất cả các loại dầu ăn đều tăng giá hơn 35%.

Kavita Verma - một bà nội trợ tại New Delhi, từng sử dụng dầu mù tạt để nấu nướng nhưng hiện không còn khả năng chi trả. Trong khi đó, giá dầu cọ - được người nghèo sử dụng và gọi là vanaspati, lên cao nhất trong 1 thập kỷ.

Lạm phát gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả châu Á: 1 chiếc pizza đủ nuôi sống 150 người, giá tăng cao đến mức phải dùng dầu từ đèn để nấu ăn - Ảnh 2.

Người nghèo Ấn Độ phải lấy dầu mù tạt từ đèn để nấu ăn.

Verma cho biết: "Tôi chuyển từ dầu mù tạt sang vanaspati vì nghĩ rằng nó rẻ hơn, nhưng giá tăng từ 72 rupee/lít vào năm ngoái lên 140 rupee hiện nay. Tôi thực sự không còn tiền."

Những món ăn của Ấn Độ không thể thiếu hành tây và cà chua, đây cũng là 2 mặt hàng có giá tăng cao vì giá nhiên liệu cao khiến cước vận chuyển đắt đỏ hơn. Đối với hầu hết người dân Ấn Độ, ngay cả tầng lớp trung lưu như Verma, thực phẩm chiếm phần lớn chi tiêu của hộ gia đình.

Manish Chawla bán đồ ăn cho người lao động trên một xe đẩy hàng. Anh phải chịu mức phí gas và vanaspati cao hơn khi chế biến đồ ăn chiên ngập dầu. Tuy nhiên, anh không thể nâng giá bán hàng. Anh nói: "Vì lạm phát quá tồi tệ, tôi không thể kiếm được tiền. Vậy mục đích làm việc là gì? Tôi đã sống sót qua Covid-19 nhưng không biết liệu mình có tồn tại được với tình trạng giá cả như hiện tại hay không."

Những bữa ăn không thịt ở Malaysia

Nhiều người thu nhập thấp tại quốc gia này không còn lựa chọn nào khác ngoài giảm ăn thịt. Saliya Zamidi (47 tuổi) là mẹ đơn thân với 4 người con, chị trở thành trụ cột gia đình khi chồng mất việc do đại dịch. Chị và chồng đều chỉ làm những công việc không cố định để trả tiền thuê nhà, học phí cho con và lo những bữa ăn.

Gia đình chị thực sự gặp khó khăn khi 3 đứa con đang ở "tuổi ăn tuổi lớn", từ 7 đến 17 tuổi. Saliya phải chật vật để lo từng bữa ăn khi thu nhập chỉ là 960 ringgit (khoảng 230 USD - trong khi mức trung bình trên cả nước là 700 USD).

Chị nói: "Tôi phải lên kế hoạch về việc nấu gì trong tuần. Nếu muốn nấu món gà, tôi phải mua 1 con gà cho cả nhà và rất tốn kém. Giá 1 con gà ở Malaysia hiện khoảng 12 USD. Họ phải thay thế thịt bằng trứng, đậu phụ và rau."

Saliya cho biết gia đình phải đổi thực đơn hàng ngày, tùy vào số tiền kiếm được. Chị chia sẻ: "Đôi khi, bọn trẻ muốn ăn đồ ăn nhanh hay pizza, tôi cảm thấy không đủ sức nhưng vẫn cố gắng mua cho các con."

Philippines: Một chiếc pizza có thể nuôi sống 150 người

Tại thủ đô Manila, một chiếc bánh pizza 18 inch của chuỗi cửa hàng nổi tiếng có giá 180 peso (20 USD) và có thể cho 5 người ăn. Song, số tiền tương tự có thể đủ nuôi 150 người.

Lạm phát gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả châu Á: 1 chiếc pizza đủ nuôi sống 150 người, giá tăng cao đến mức phải dùng dầu từ đèn để nấu ăn - Ảnh 3.

Người dân Manila xếp hàng tại quầy đồ ăn công cộng.

Đối với những người Philippines khá giả, đại dịch là khoảng thời gian mà họ ăn uống rất nhiều. Nhưng đối với khoảng 21 triệu người - khoảng 17% dân số, đã trở thành "những người bị bỏ đói" trong khoảng thời gian 28/4 - 2/5 và ghi nhận mức cao nhất kể từ khi cuộc thăm dò của Social Weather Stations bắt đầu theo dõi nạn đói vào năm 1998.

Cartilo Miniado - thợ mộc 68 tuổi, cho biết quỹ chi tiêu đồ ăn cho gia đình 1.000 peso ông lập ra vào năm ngoái đã không còn đủ. Trong khi đó, vợ ông ốm nặng suốt nhiều tháng qua. Thay vì đi làm, ông phải ở nhà chăm sóc vợ. Để trang trải những bữa ăn từ khoản tiền các con hỗ trợ, họ thường chỉ ăn cơm, vài miếng cá và rau, rất ít khi có thịt lợn hay gà vì quá đắt.

Đối với ông, trước đây, 120 peso/kg cá rô phi - từng được gọi là "cá cho người nghèo" không phải là quá đắt. Song, hiện tại, mức giá đã lên đến 180-200 peso. Ngoài ra, giá thịt lợn tăng 61% từ 260 peso vào tháng 6 năm ngoái lên 420 peso tháng 4 năm nay, sau đó giảm 14% vào 1 tháng sau.

Những khó khăn hiện tại đã khiến họa sĩ trẻ Ana Patricia Non (26 tuổi) đi đến quyết định mở một quầy đồ ăn công cộng ở khu phố của mình vào tháng 4 năm ngoái. Cô mua một số loại rau và khuyến khích người lạ đến lấy. 7 tháng sau, hành động của Non trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người, 6.700 quầy đồ ăn đã được dựng trên toàn Philippines.

Tham khảo SCMP

Lạm phát gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả châu Á: 1 chiếc pizza đủ nuôi sống 150 người, giá tăng cao đến mức phải dùng dầu từ đèn để nấu ăn - Ảnh 4.