Một thống kê được trang Axios đưa ra cho thấy, có tới 60% người tiêu dùng các nước Âu Mỹ tin rằng, lạm phát đang khiến việc mua sắm cuối năm của họ khó khăn hơn. Nhìn rộng ra, lạm phát và trước đó là ảnh hưởng của đại dịch, đã khiến một xu hướng mới đang dần trở nên phổ biến với nhiều người dân trên toàn cầu, đó là thay vì sẵn sàng "thả cửa" tiêu xài trong dịp lễ, thì bây giờ, họ sẽ cân nhắc cẩn thận hơn, chỉ mua đủ những gì mà mình đang cần.
Xu hướng "mua đủ" trong mùa lễ hội cuối năm
Nếu nhìn vào tổng doanh thu hay lượng người mua, mùa mua sắm cuối năm nay nhìn chung vẫn khá nhộn nhịp, nhưng khi nhìn sâu hơn vào hoạt động của các cá nhân, nhiều chuyên gia có chung nhận định: Người mua hàng năm nay tính toán kỹ hơn so với những năm trước đây.
Một ví dụ điển hình là các món quà, số món quà hay phiếu quà tặng mỗi hộ gia đình Mỹ mua năm nay là 8, so với con số 9 của năm ngoái. Nước láng giềng Canada cũng chứng kiến mỗi người chi ít đi khoảng 1/5 cho các món quà trong ngân sách mùa lễ hội.
Bỏ ít tiền hơn cho quà tặng là một cách đơn giản để mỗi người dành thêm tiền cho các món đồ dùng gia đình, hay đơn giản hơn là mua sắm thực phẩm, chuẩn bị các bữa liên hoan như lễ Tạ ơn hay Giáng sinh.
Ông Joseph Balagtas - Giáo sư Đại học Purdue, Mỹ cho biết: "Năm nay, phần lớn mọi người lựa chọn mua đồ, tổ chức liên hoan dịp lễ Tạ ơn tại nhà với bạn bè để tiết kiệm. Một may mắn là thịt gà tây lại đang khá dồi dào, giúp cho bữa tiệc Tạ ơn rẻ hơn một chút so với năm ngoái".
Ngay cả tại những nước như Trung Quốc, dù không có lạm phát cao và nổi tiếng nhờ những lễ hội mua sắm lớn, xu thế thận trọng chi tiêu mùa lễ cũng đang dần thay thế cho tư duy "mua sắm trả thù" trước đây.
Chị Gao Di - Người tiêu dùng Trung Quốc chia sẻ: "Trong dịp lễ độc thân 11/11, tôi chỉ mua các món đồ mà mình thật sự cần, chứ không mua vì xem livestream hay thấy đang giảm giá mạnh".
Không chỉ chi tiêu cẩn trọng hơn, nhiều người cũng tỏ ra kiên nhẫn hơn với việc mua sắm của mình. Tại Mỹ, khoảng một nửa số người đi mua sắm cho biết, họ vẫn chưa mua hàng ngay, để đợi các đợt khuyến mại tốt nhất cho món đồ mình muốn mua. Điều này còn phổ biến hơn nữa với mua hàng trực tuyến - 4/5 người cho biết họ sẵn sàng từ bỏ món đồ trong giỏ hàng, nếu không tìm được các mã giảm giá hay miễn phí vận chuyển mà mình mong muốn.
AI và cuộc cách mạng mua sắm tiết kiệm tại Mỹ
Các nhà bán lẻ tại Mỹ luôn có cách để người mua, dù đang e dè, vẫn phải rút hầu bao. Và một cách tốt nhất hiện nay là họ dùng các công cụ AI và mạng xã hội để nhanh chóng nắm bắt hành vi của người tiêu dùng và lôi kéo họ chi tiền. AI được ví von là đang tạo ra cuộc cách mạng hóa trong mùa mua sắm năm nay, giúp các nhà bán lẻ mở rộng tệp khách hàng, tiếp cận chính xác hơn tới từng người mua, cải thiện hỗ trợ khách hàng và dễ dàng đưa ra các chương trình mua sắm nhanh, trực quan hơn.
Còn với người mua, sử dụng AI và mạng xã hội được coi là giải pháp tối ưu để họ tìm được các món đồ ưng ý và tất nhiên với giá hợp lý.
Theo nghiên cứu của Sapio Research, có tới 69% người dùng cho biết, AI giúp họ tìm các sản phẩm và thương hiệu dễ dàng hơn, trong khi có tới 74% nói rằng AI hỗ trợ họ tìm thấy các ưu đãi giảm giá, vốn cực kỳ quan trọng trong mùa mua sắm năm nay. Khảo sát cũng cho thấy, cứ 5 người mua hàng thì có 1 người tỏ rõ sự tin tưởng vào công cụ hỗ trợ của AI.
Nghiên cứu cũng cho thấy, năm nay người mua quan tâm đáng kể đến việc mua sắm hay "săn sale" trên các mạng xã hội như Instagram, Facebook hay Tiktok.
Chi tiêu hợp lý mùa lễ hội
Các chuyên gia gợi ý, việc lên danh sách mua sắm từ sớm sẽ giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng xác định những món đồ cần mua, lọc bớt những đồ không cần thiết và mua sắm có mục tiêu hơn.
Việc mua sắm chỉ thực sự hiệu quả khi phù hợp với khả năng tài chính của mỗi cá nhân, gia đình. Để tránh sa vào bẫy mua sắm quá đà, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế sử dụng thẻ tín dụng trong thời điểm mua sắm cuối năm, để tránh việc lễ hội chưa qua, chủ thẻ đã nợ nần chồng chất.
Và cuối cùng, hãy luôn giữ cho mình chiếc đầu lạnh vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Những chương trình giảm giá nghe có vẻ rất hấp dẫn, nhưng người tiêu dùng được khuyên hãy chỉ mua nếu nó thực sự cần với mình thay vì mình muốn, bởi một món đồ dù có hời đến đâu thì bạn vẫn là người phải chi ra một khoản tiền nhất định. Và nếu mua chỉ để có cảm giác được lời to, thì người tiêu dùng chính là con mồi mà các hãng bán lẻ yêu thích.