43,3 triệu USD là chi phí sản xuất của siêu phẩm cung đấu Hậu cung Như Ý truyện. Tính ra tiền Việt, con số này vào khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng ròng rã ghi hình, 1.000 tỷ đồng cứ vơi dần đi, cho đến khi túi tiền cạn kiệt, cũng là lúc người xem khấp khởi đợi mong tin vui rằng Hậu cung Như Ý truyện sẽ được phát sóng tại một đài truyền hình nào đó!
Đầu tư 1.000 tỷ, đau đớn phát hành online như webdrama
Nhưng chờ ngày lại qua ngày, Hậu cung Như Ý truyện vẫn chẳng thấy tung tích nơi đâu. Trước khi phim phát sóng, có nhiều lời đồn đoán rằng vì vướng phải yêu cầu kiểm duyệt, cắn xén gắt gao từ cơ quan chức năng nên Như Ý truyện mới phải trì hoãn ngày ra mắt. Thêm đó, việc Tổng cục Điện ảnh - Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc yêu cầu các đài truyền hình mỗi năm chỉ được dành 15% thời lượng để phát sóng các phim truyền hình cổ trang lịch sử. Làm sơ sơ một vài phép tính nhẩm, con số 15% này tương đương tối đa 110 tập phim.
Hoắc Kiến Hoa - Càn Long.
Ngặt nỗi, Trung Quốc mỗi năm sản xuất hàng chục bộ phim cổ trang lịch sử, vậy thì làm thế nào để chen chân lên sóng truyền hình khi mà mỗi đài chỉ phát được 110 tập? Trong khi đó, các phim thuộc thể loại cổ trang lịch sử này thường có độ dài từ 60 - 120 tập/bộ. Nghĩa là từ quy định, các đài truyền hình chỉ phát được tối đa 1 - 2 bộ phim cổ trang/năm.
Trương Quân Ninh - Hải Lan.
Châu Tấn - Như Ý.
Oái ăm hơn, trước khi Hậu cung Như Ý truyện lọt qua khâu kiểm duyệt, 2 đài truyền hình lớn là Chiết Giang và Đông Phương đã chọn phát Ba Thanh truyện của Phạm Băng Băng. Vì Ba Thanh truyện dài gần 80 tập nên con đường cho Hậu cung Như Ý truyện đến với khán giả của các đài Đông Phương - Chiết Giang càng thêm eo hẹp. Thế rồi một ngày đẹp trời nọ, khán giả thấy Hậu cung Như Ý truyện công bố sẽ phát sóng trên website Tencent.
Thế là từ siêu phẩm truyền hình được kỳ vọng, Hậu cung Như Ý truyện phải chịu cảnh phát sóng như webdrama dù số tiền đầu tư lên đến 1 tỷ đồng. Nếu hỏi vì sao lại khắt khe chuyện phát truyền hình hay phát trên Tencent, thì đây, câu trả lời liên quan đến việc bán bản quyền và bán quảng cáo. Nếu phát sóng trên truyền hình, ekip sản xuất cũng được phát song song tại Tencent. Điều này, chính đoàn phim Phù Dao của Dương Mịch - Nguyễn Kinh Thiên cũng đã từng làm. Bài toán kinh tế khi phát song song cả truyền hình - online dễ thở hơn rất nhiều, tiền bán quảng cáo thu về cũng là con số khá khẩm so với việc chỉ phát online trên Tencent như Hậu cung Như Ý truyện đang làm.
Thuần Phi Tô Lục Quân - Hồ Khả.
Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa - Đổng Khiết.
Nhưng biết làm sao được, khi thiên không thời - địa không lợi - nhân cũng không hòa, chẳng lên sóng truyền hình được thì mình đánh "bán tháo" để lên webdrama thôi. Xem như là vớt vát chút tình, há nào để phí uổng một bộ phim được đầu tư cả đống tiền của.
Vậy nên, nếu có khán giả nào thắc mắc rằng trước khi phát sóng, vì sao không thấy ekip sản xuất Hậu cung Như Ý truyện tổ chức tuyên truyền, họp báo. Mãi đến khi phim phát sóng được gần 30 tập, mới thấy có 1 buổi fan meeting kết hợp tuyên truyền. Rồi mãi về sau, fan cứ ngóng đợi rằng không biết còn sự kiện quảng bá nào nữa không. Con số 1.000 tỷ đồng bỏ ra, đến thời điểm hiện tại, chưa thấy ekip sản xuất hé lộ rằng lời - lỗ thế nào, thôi thì cũng cứ gọi là kỳ vọng và mong chờ rằng đoàn phim Rich Kids này không bị thua lỗ quá mạnh!
Tuệ Quý Phi - Đồng Dao.
Lệnh Phi - Lý Thuần.
2.000 bộ quần áo, đại cảnh hoành tráng có hàng ngàn người góp mặt
Lại nói về mức độ đầu tư chỉnh chu, tươm tất của đoàn phim, Hậu cung Như Ý truyện ắt hẳn có tên trong bảng vàng "chịu chơi" nhất. Qua những đoạn clip giới thiệu tình tiết, khán giả choáng ngợp khi chứng kiến cảnh phim đại tang của Ung Chính, Càn Long lên ngôi hoàng đế và Như Ý được phong làm Kế Hoàng hậu. Tất cả đều là những đại cảnh tráng lệ với sự góp mặt của hàng ngàn diễn viên.
Đứng giữa trời nắng, họ mặc lễ phục uy nghi, nghiêm chỉnh xếp thành hàng. Vừa có lệnh hô vang là đoàn người đồng loạt quỳ gối, dập đầu, chẳng sai bất cứ hành động nào. Để có đại cảnh quy mô đến thế, ekip sản xuất hé lộ đã mất hàng tháng trời luyện tập lễ nghi, quy củ cho dàn diễn viên. Từ các vai chính cho đến diễn viên quần chúng đều trải qua khóa huấn luyện gắt gao, nghiêm túc!
Như thế này đã đủ hoành tráng chưa?
Trong những tập đầu tiên, nhiều khán giả phàn nàn rằng trang phục của Hậu cung Như Ý truyện quá xấu, thiếu chỉnh chu, không sát lịch sử. Nhưng sự thật là ekip sản xuất đã mời những chuyên gia uy tín nhất để làm nên hơn 2.000 bộ trang phục cho dàn diễn viên. Trong đó, nguồn tin hậu trường tiết lộ rằng Châu Tấn có 200 bộ trang phục, Hoắc Kiến Hoa có khoảng 130 bộ. Xuyên suốt 87 tập phim, mỗi một giai đoạn trôi qua, Châu Tấn - Hoắc Kiến Hoa đều mặc quần áo mới toanh. Đương nhiên, những bộ trang phục này đều được may kết cầu kỳ, toát lên khí chất sang trọng của bậc đế vương quyền quý.
Riêng phần các vị nương nương sống ở Tử Cấm Thành, mỗi một bộ trang phục sẽ có giày thêu hoa, đính kết đá quý dành riêng. Tới phân cảnh được quy định sẵn, tổ trang phục - đạo cụ cuống cuồng sắp xếp từng đôi hài đi kèm với quần áo chuẩn bị từ trước. Kể cả những chiếc kỹ đầu với trâm cài, hoa xếp xinh xắn, uốn lượn mà các nương nương thường dùng cũng được thiết kế tỷ mỉ. Phần của Châu Tấn là để riêng Châu Tấn, phần của Đổng Khiết - Trương Quân Ninh - Lý Thuần - Tân Chỉ Lôi cũng dành riêng ra, nhất mực không được lẫn lộn một lần nào.
Ngoài phần trang phục, cát xê cho diễn viên, để xài hết con số 1.000 tỷ đồng, ekip sản xuất còn chi mạnh tay đến 2,4 triệu NDT (tương đương 8 tỷ đồng) cho việc đóng một chiếc thuyền gỗ. Dẫu chỉ lên hình vài phút, song ekip sản xuất vẫn không ngại làm tốt nhất có thể.
Hình ảnh những con tàu xuất hiện trong tập 40 của "Như Ý truyện".
Châu Tấn nhận cát xê 326 tỷ đồng, bỏ tiền mua lại 180 bộ trang phục để mặc ở nhà
Như Ý nương nương - Châu Tấn quả không hổ danh là Rich Kids hàng đầu của Hậu cung Như Ý truyện khi có sở thích xài tiền khác người. Tại sự kiện fan meeting, Châu Tấn tiết lộ rằng cô đã giữ lại cho mình 90% trong tổng số trang phục quay phim. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện Châu Tấn đã lấy cát xê mua lại khoảng 180 bộ trang phục. Mà ngặt nỗi, mua nhiều quần áo như thế tưởng đâu có mục đích gì cao xa, nào ngờ Như Ý nương nương chỉ là vì nhớ Tử Cấm Thành quá nên mới rảnh rỗi mua hẳn 90% số trang phục. Để rồi hôm nào không có lịch trình, cô nàng sẽ lấy trang phục đó ra, mặc vào rồi đi lại tự nhiên trong nhà!
Rich Kids phiên bản hậu cung - Như Ý nương nương!
Nhưng đừng quá lo cho Châu Tấn, bởi cát xê mà nương nương nhận về lên đến 8 triệu USD, tương đương 326 tỷ đồng. Choáng chưa? Thôi thì Châu Tấn thuộc hàng Rich Kids rồi, cứ để nương nương tha hồ xài tiền, tha hồ mua trang phục rồi tưởng nhớ về 9 tháng sống nơi Tử Cấm Thành cao cao tại thượng đi! Đừng so sánh với người giàu như Châu Tấn làm chi cả!
Một chi tiết thú vị khác là khi Hậu cung Như Ý truyện vừa mới phát sóng những tập đầu tiên, đã có thông tin Ảnh Đế Lương Triều Vỹ từ chối đóng vai Càn Long dù cát xê được mời lên đến 17 triệu USD, tương đương 580 tỷ đồng.
Nguồn tin còn cho biết thêm, lý do Lương Triều Vỹ bỏ phim là vì sợ Lưu Gia Linh ghen. Bởi Hậu cung Như Ý truyện có quá nhiều diễn viên xinh đẹp, chấp nhận đóng bộ phim này, Lương Triều Vỹ sẽ không thể tránh được những lần va chạm thân mật với các bạn diễn.