Tôi là con gái đầu trong một gia đình chỉ còn mẹ và đứa em gái. Em gái tôi nhỏ hơn tôi 10 tuổi, vẫn đang học năm thứ hai đại học. Mẹ tôi hơn 50 tuổi, cuộc sống trước nay chỉ dựa vào gánh bánh gai. Tốt nghiệp cấp 3 xong, tôi nghỉ học phụ giúp mẹ làm và giao bánh nhờ các cửa hàng bán giùm một thời gian.
Sau tôi xin vào làm đầu bếp phụ tại một nhà hàng lớn ở Hà Nội. Mẹ và em gái tôi vẫn sống dưới quê. Tiền lương hàng tháng tôi gửi hết về cho mẹ chi tiêu và nuôi em gái đi học. Thời gian đầu, tôi chỉ là chân lặt vặt trong bếp, không bị đói nhưng lương rất thấp. Hai năm sau, tôi được điều chuyển thành bếp chính món xào. Lương cũng dần tăng theo.
Năm 2010, tôi gặp chồng tôi. Lúc đó anh vừa vào làm quản lý nhà hàng nơi tôi làm việc. Chúng tôi yêu nhau sau mấy lần gặp mặt. Hơn một năm sau, anh ngỏ ý muốn kết hôn với tôi. Lúc này, tôi cũng bộc lộ với anh rằng tôi phải lo cho đứa em gái đang học lớp 11 nữa. Tôi phải có trách nhiệm chu cấp cho em ấy học xong đại học. Anh cũng đồng ý, nói sẽ giúp đỡ tôi. Anh là con thứ hai, trên chỉ có một người anh trai đã lấy vợ. Gia cảnh cũng thuộc hàng khá giả. Biết được hoàn cảnh gia đình anh, tôi có hơi tự ti. Tôi sợ mẹ anh không chấp nhận một cô gái nghèo, mất cha từ nhỏ như tôi.
Từ ngày mẹ chồng đến ngồi ở quầy thu ngân, dù không chạm mặt nhiều, tôi vẫn cảm thấy có áp lực vô hình (Ảnh minh họa)
Ngày về ra mắt mẹ anh, tôi nhờ bạn tư vấn và quyết định mặc áo dài, chiếc áo này cũng là do tôi mượn bạn. Tôi không muốn trong mắt mẹ chồng, tôi trông quá quê mùa, dại khờ. Mẹ anh không làm khó gì tôi, chỉ hỏi bâng quơ vài chuyện không mặn mà. Bà không tỏ ra mặt nhưng tôi biết, bà không ưng ý gì tôi.
Trở về, tôi quyết định chấm dứt với anh trước khi bị tổn thương. Trong một thời gian dài tôi tránh mặt anh. Tôi còn nói nếu anh thương tôi, đừng vào bếp tìm tôi nếu không tôi bỏ việc. Anh gọi điện, nhắn tin tôi đều không đáp trả. Chúng tôi cứ dùng dằng được 2 tháng thì anh là người mất bình tĩnh trước. Anh kéo tôi vào nhà vệ sinh, ép hỏi tôi vì sao lại đột nhiên xa cách, bất mãn gì mẹ anh? Giải tỏa hết ấm ức trong lòng, anh nói tôi lo hão. Mẹ anh cũng đã đồng ý rồi, còn hỏi chúng tôi dự định bao giờ cưới.
Tháng 8/2012, tôi lên xe hoa. Sau đám cưới, chúng tôi đều xin nghỉ việc để mở một nhà hàng riêng. Anh vẫn là quản lý, tôi làm bếp chính và mời thêm một ekip khác nữa. 6 tháng đầu, việc kinh doanh của chúng tôi rất bấp bênh, chỉ đủ tiền trang trải các chi phí. Bắt đầu đến tháng 5/2013 mới có lãi. Mặc dù thời gian đầu mở nhà hàng khó khăn, nhưng tôi vẫn gửi đều mỗi tháng 3 triệu cho em gái để lấy tiền chi tiêu cho các khóa học thêm, thi cử.
Khi em gái tôi vào trường đại học, cũng là lúc nhà hàng của chúng tôi đông khách. Ngoài thời gian đến trường, em ấy còn đến làm phục vụ bàn giúp tôi. Lương tháng tôi trả cho em bằng người khác. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cho riêng một ít và gửi cho mẹ 2 triệu mỗi tháng.
Ở quê, mẹ tôi vẫn sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, mưa xuống phải hấng chậu. Nhiều lần trăn trở, tôi muốn sửa sang lại nhà cho mẹ. Nếu muốn làm, chắc chắn phải mất một số tiền lớn. Hiện tại, chồng tôi quản lý tiền bạc trong nhà hàng rất tốt. Anh phân ra rất dễ hiểu và công khai. Khoản tài chính nào dùng cho nhà hàng, khoản nào chi tiêu cho hai vợ chồng, khoản nào đối nội đối ngoại, khoản nào tích trữ cho tương lai sinh em bé... Đều được chồng tôi hàng tháng trích từ tiền lãi nhà hàng chia đều.
Anh chưa bao giờ dò xét chi tiêu của tôi, thậm chí anh còn khuyên tôi nghỉ việc làm bếp, dành thời gian mà ngồi chơi, quản lý nhân viên hoặc dạo phố. Sổ tiết kiệm ngân hàng đều là tôi giữ nhưng số tiền thì anh biết rõ. Vì thế tôi không dám thậm thụt rút ra sửa nhà cho mẹ.
Tôi từng nghĩ hỏi anh chuyện này. Nhưng tôi sợ, nếu lần này mình hỏi, sau vợ chồng có gì hục hặc, anh lại lấy chuyện này ra làm cớ chỉ trích tôi. Khi tôi chưa biết giải quyết chuyện này thế nào thì bỗng dưng mẹ chồng tôi đòi đến làm thu ngân cho nhà hàng.
Bà bảo ngồi không mệt người, muốn giúp đỡ con cái chút việc cho đỡ trở thành người “ăn không ngồi rồi”. Ngày trước, bà làm ở cửa hàng mậu dịch nên dù gần 60 tuổi rồi nhưng bà tính toán rất nhanh. Bà không cần dùng máy tính vẫn có thể nhẩm nhanh hơn cả thu ngân hiện tại của chúng tôi. Khiến tôi không một lời nào phản bác được để mẹ chồng thôi nhúng tay vào.
Trong lòng tôi luôn lấn cấn chuyện sửa nhà cho mẹ đẻ (Ảnh minh họa)
Từ ngày mẹ chồng đến ngồi ở quầy thu ngân, dù không chạm mặt nhiều, tôi vẫn cảm thấy có áp lực vô hình. Tôi từng nói với chồng khuyên mẹ đừng tới nữa. Anh cũng bảo với bà nhưng bà lại hỏi lại xem bà đã sai, đã nhầm điều gì? Rồi chuyện lại đâu vào đó.
Công nhận rằng bà rất minh bạch trong mọi khoản. Số tiền mua thực phẩm, tiền đóng dịch vụ này nọ, tiền ứng trước cho nhân viên, tiền thanh toán từng bàn trong ngày... bà đều ghi chép rất cẩn thận và rành rọt. Tôi biết, mẹ chồng tôi ở đây sẽ giúp đỡ chúng tôi được rất nhiều. Nhưng trong lòng tôi luôn lấn cấn chuyện sửa nhà cho mẹ đẻ. Huống chi, tôi từng nghe thấy mẹ chồng nói với anh rằng, bà tới để giữ tiền cho anh. Bà sợ anh bận rộn quá tiền chạy đi đâu không biết.
Hiện tại tôi rất bối rối, tôi nên làm sao để giúp đỡ mẹ và em gái tôi?