"Cô ơi, học Văn khó lắm, em không muốn học" - Trong quá trình dạy Văn, Thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, tác giả sách "Từ ngại học đến ham học môn Ngữ Văn" từng không ít lần nhận câu trả lời này khi yêu cầu học sinh làm một dạng bài mới, khó.
Những lúc đó, không tạo áp lực hay la mắng, cô Thu chia sẻ để học sinh hiểu rằng, việc học nói chung và việc học Văn nói riêng cũng như nhiều thứ trong đời. Có khi ta nghĩ nó không tưởng, nhưng rồi chỉ sau ít ngày thực sự bắt tay vào làm, mọi chuyện đã dễ dàng hơn rất nhiều.
"Các em cứ bắt đầu đi, cứ bước đi, rồi con đường sẽ tự mở, nghĩ nhiều, sợ nhiều chỉ khiến em đứng yên một chỗ! Từng nét chữ đầu tiên, từng bài văn đầu tiên, có thể câu văn còn chưa hay, bài làm chưa xuất sắc, nhưng hãy cứ làm. Rồi một ngày các em sẽ thực sự cảm thấy khó khăn lúc đầu chỉ là nền tảng cho thành công mai sau", cô Thu chia sẻ.
Nếu các em chưa biết bắt đầu từ đâu thì:
1. Trước khi lên lớp
Các em cần đọc kĩ văn bản phần chú thích, chia bố cục văn bản, gạch dưới những từ ngữ, câu văn quan trọng trong văn bản. Nếu là văn xuôi, các em cần tóm tắt được những ý chính; Nếu là thơ các em nên học thuộc bài thơ. Và đặc biệt cần trả lời toàn bộ câu hỏi trong phần hướng dẫn đọc bài để có thể hiểu cơ bản văn bản.
2. Khi học tập trên lớp
Cần tập trung lắng nghe giáo viên giảng bài. Khi giáo viên đặt câu hỏi cần suy nghĩ, mạnh dạn phát biểu. Nếu có gì đó chưa hiểu có thể hỏi trực tiếp giáo viên. Ngoài ra, các em cần chủ động ghi chép những nội dung quan trọng của bài học để có tài liệu về nhà nghiên cứu.
3. Khi về nhà
Các em cần xem lại vở phần giáo viên cho chép, sau đó học thuộc những ý trọng tâm, dẫn chứng trong tác phẩm. Làm bài tập đầy đủ giáo viên giao và chủ động đọc thêm tài liệu nâng cao để khắc sâu kiến thức.
4. Trước mỗi kì thi
Các em cần luyện giải đề từ cơ bản đến nâng cao. Nên nhớ, luyện đề không phải là ghi chép lại từ văn mẫu; nên theo một sự tính toán và có lộ trình. Luyện đề cần có động lực, vì vậy chọn bộ đề phù hợp rất quan trọng.
Có 5 nguyên tắc vàng cô Thu gợi ý để học sinh hoàn thành một bài Văn có sức lôi cuốn:
1. Đủ
Thế nào là một bài viết đủ? Đủ là khi bài viết ấy trình bày không thiếu kiến thức cơ bản (cả hình thức và nội dung) trong barem đáp án. Về hình thức, bài viết câu nghị luận văn học cần trình bày đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Về nội dung, bài văn cần đáp ứng các luận điểm chính, đầy đủ các phần, đặc biệt là học sinh cần sử dụng kết hợp các thao tác lập luận như: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận... để bài văn không bị nhàm chán.
1. Đúng
Một bài viết đúng là viết trúng vào trọng tâm vấn đề nghị luận, đáp ứng được yêu cầu đặt ra ở đề bài, không trình bày xa kiến thức, lạc đề hoặc sai kiến thức cần nghị luận. Muốn vậy, học sinh cần đọc kĩ đề, tránh tình trạng hiểu sai đề hoặc chưa hết ý của đề bài.
3. Sạch
Sạch không cần phải đẹp mà là trình bày không tẩy xóa, chữ có thể không cần đẹp nhưng phải tròn vành, dễ đọc, đủ nét, không để sai chính tả. Mỗi một luận điểm, học sinh nên trình bày tách thành các đoạn khác nhau. Như vậy, người chấm sẽ dễ dàng theo dõi được mạch kiến thức, bố cụ của bài viết cũng rõ ràng hơn.
4. Gọn
Thời gian làn bài là 120 phút cho tổng bài thi. Và chúng ta có 70-80 phút cho câu nghị luận văn học. Tiếng Việt có nhiều từ nối, hư từ,... khi thêm vào sẽ tạo hiệu ứng kéo dài số dòng của bài viết. Vì vậy, không ít bạn học sinh (kể cả chuyên Văn) lạm dụng điều này khiến bài văn trở nên khiên cưỡng, đọc mãi mới tìm được ý. Vừa tốn thời gian vừa không hiệu quả.
Nên nhớ, một bài văn hấp dẫn không cần phải thêm quá nhiều từ: rằng, thì, là, mà, cho nên, bởi vậy, tùy thế...
5. Hấp dẫn
Đây là yếu tố then chốt để bài văn tạo ấn tượng cho người chấm. Thực chất, nếu bài viết của học sinh đáp ứng được 4 nguyên tắc nói trên đã có thể đánh giá cao. Thế nhưng, bài văn cần cảm xúc, nó phải là cảm xúc thật, có chất riêng của người viết, không sao chép từ bất cứ ai, nguồn nào. Bài viết ấy cần có tính sáng tạo, có sự liên hệ thực tế với bản thân hoặc trong xã hội hiện tại mới chạm được vài tim người chấm bài.