Là con người, ai cũng sẽ có những sở thích cho riêng mình. Người thì thích giày dép, người thích quần áo hàng hiệu, người lại đam mê ô tô... Tất nhiên, chẳng ai cấm bạn có sở thích ấy nhưng miễn là nó không quá đà và chính bạn cũng phải tôn trọng sở thích của người khác.
Ấy vậy mà chốn công sở vẫn tồn tại nhiều ông sếp nâng sở thích của mình lên mức cực đoan. Kiểu sếp này sẽ chẳng coi người khác ra gì và luôn tự nhận mình là đúng, là tuyệt nhất. Nhân viên cấp dưới thực sự khổ ải khi phải gặp người lãnh đạo đáng ghét như thế.
Quang Minh - nhân sự mới của start-up X, kể về một lần "chí chóe" nhớ đời với sếp. Đó là giờ ăn trưa sau khi Minh vào công ty được tầm một tháng. Lúc này cậu mới thoải mái nói chuyện với đồng nghiệp trong công ty chứ không còn rụt rè như ngày đầu. Mọi người đang bàn về chủ đề cafe và gu của mỗi người.
Trong đầu Minh nghĩ đây là một chủ đề thú vị, bởi cậu cũng khá am hiểu về cafe và các quán xá ở Hà Nội. Và đặc biệt Minh nghĩ đây là một cuộc nói chuyện giải lao lúc trưa rất đơn giản và bình thường. Minh có chia sẻ với các anh chị đồng nghiệp "Bản thân em thích thương hiệu ABC chứ em thấy cafe của S.B khá là bình thường, hơn nữa thì giá của S.B cũng đắt hơn hẳn so với thị trường chung."
Các anh chị đồng nghiệp cũng vẫn phản ứng lại một cách bình thường. Bỗng sếp của Minh từ đâu bước ra và mặt tối sầm lại. Nhưng ông ta không biểu lộ nhiều sự giận giữ mà thay vào đó là thái độ mỉa mai. Sếp nói "Nếu em chê S.B thì anh nghĩ em nên xem lại khẩu vị của mình đi! Chỉ có những kẻ tầm thường mới thấy S.B không hấp dẫn mà thôi. Đúng là anh đã sai khi ngày xưa tuyển một kẻ nông cạn như em."
Minh nghe đến thế bỗng giật mình và ngỡ ngàng. Những lời của sếp như một cú tát thực sự với nhân viên mới. Cậu như định nói gì tiếp theo nhưng các anh chị đồng nghiệp ra dấu hiệu rằng hãy ngừng đi. Họ không tỏ ra bất kỳ biểu hiện gì bất ngờ cả.
Thế rồi khi sếp về hẳn phòng, một anh đồng nghiệp mới ra trò chuyện với Minh:
"Minh ơi, nãy có shock lắm không? Chuyện bình thường thôi, ngồi gần đây anh kể cho.
Sếp mình là một người rất cực đoan và hay nâng tầm quan điểm. Sở thích của ông ta chẳng ai mà dám động vào đâu! Thế nên lần sau mấy chuyện này chỉ nói chuyện với anh chị em đồng nghiệp thôi nhé! Hôm nay anh cũng chẳng ngờ sếp xuất hiện bất ngờ như thế.
Nếu như em tò mò về cách để đối phó với những ông sếp kiểu này, anh nghĩ rằng sẽ có một số lời khuyên cho em đây!
Thứ nhất, em hãy mặc kệ lão ta đi! Những kiểu người này không đáng để chúng mình phải tranh luận một cách sòng phẳng. Nhưng mặc kệ ở đây không phải là kiểu em nêu quan điểm của mình ra và bỏ kệ lời của sếp. Hãy biết "giả tạo" một chút. Hoặc đừng nêu quan điểm gì nữa! Đôi khi im lặng là vàng, em có thể hiểu rằng "ngu si hưởng thái bình" cũng được.
Thứ hai, em cũng thử tìm hiểu về sở thích của sếp xem sao. Hẳn là cũng có lý do nào đó thì sếp mới cuồng tín S.B đến như vậy chứ! Theo như các anh chị biết thì lão ta thích S.B vì nó sang chảnh và các chiêu trò Marketing của bên này cũng rất hay ho. Em biết đấy sếp mình thích check-in Facebook nên phải sang chảnh thì ông ta mới ưng.
Rồi khi em biết lý do rồi, thi thoảng sếp thao thao bất tuyệt về chủ đề này, thì em hãy nịnh ông ta vài câu, đồng lòng với ông ta chút. Chưa biết chừng em sẽ được sếp trọng dụng và thăng chức đó! Nhưng nhớ này, đừng lấn quá sâu. Không thì khả năng em sẽ trở thành một nô lệ về tư duy của sếp đấy! Hãy vừa đủ có chừng mực.
Còn trong trường hợp cái tôi của em quá lớn, thì em có thể suy nghĩ đến việc chuyển môi trường làm việc. Ở dưới trướng của một người lãnh đạo mà toàn làm em khó chịu thì em sẽ chẳng thể làm nên cơm cháo gì cả! Nhưng theo quan điểm của anh, việc học cách hạ thấp cái tôi cũng sẽ là một điều quan trọng khi bước vào môi trường công sở!"
Nghe xong, Minh không còn quá sững sờ như vài phút trước nữa. Cậu thầm cảm ơn anh đồng nghiệp này và cả ông sếp cuồng tín kia vì đã dạy cho mình một bài học để đời.
Các chị em công sở, bạn đã bao giờ gặp những người sếp như vậy chưa? Và cách bạn đối phó với họ ra sao?