Chị Lê Thị An Hạ (TP.HCM) là chuyên gia giảng dạy IELTS và tiếng Anh giao tiếp lâu năm, hiện là CEO & Founder một tổ chức giáo dục. Mới đây, CEO này đã chia sẻ những bí quyết giúp các em học sinh "hack" các môn Văn - Toán - Tiếng Anh cấp 2, 3 nhận được nhiều sự chú ý. Đây là các hướng dẫn để các em cách tự học chủ động, hiệu quả, không bị lệ thuộc và ỷ lại các lớp học thêm, đồng thời học nhanh, nhớ lâu, hiểu sâu và tự có tư duy đúng đắn qua các môn học.
01
MÔN NGỮ VĂN
Theo chị An Hạ, các em hãy mua một cuốn sách học tốt Ngữ Văn của NXB ĐH Quốc gia, hoặc những nhà xuất bản uy tín. Cuốn sách đã tóm tắt những nội dung quan trọng và thiết yếu của từng bài học, nhiệm vụ của em khi đọc và học cuốn này đó là:
1. Đối với các văn bản thơ/văn: Hãy đọc, dùng bút highlight tô những ý chính, và tự tóm tắt lại bằng mindmap. Nếu đọc mà không biết ý chính là cái nào, và tóm tắt ra sao thì hãy luôn dùng những câu hỏi sau: Bài này nói về gì? Có những ý chính nào? Có điều gì thú vị, hay ho, khác biệt, đặc sắc, ấn tượng; Nói/viết về bài này trong 3 câu để một người không biết gì có thể hiểu được bài này nói về cái gì thì mình phải nói/viết gì; Đọc xong có thắc mắc gì không?
Ví dụ như: Tại sao phải học bài này, mà không học bài hát của Sơn Tùng, học truyện ngôn tình,… cũng đều là văn cả thôi? Tại sao… tại sao… và tại sao…? Hãy là những câu hỏi bản thân thực sự tự thắc mắc, muốn biết, không phải cố tình nghĩ ra để thể hiện kiểu "tỏ ra nguy hiểm".
Khi có câu hỏi, hãy lên Google tự tìm trước. Không tự giải đáp được thì lên lớp hỏi giáo viên. Không được nữa thì có thể list ra hỏi bạn bè.
Nếu không biết "tóm tắt bằng mindmap" là gì thì hãy Google và tìm hiểu và học cách sử dụng mindmap trong học tập cho tối ưu. Đó là cách hệ thống kiến thức và tư duy một cách khoa học, học ít, hiểu nhiều và dễ nhớ.
2. Đối với những bài thiên về kiến thức Ngữ văn, nó như văn phạm của tiếng Anh, tập viết nghị luận thì như thế này: Cũng đọc, dùng bút highlight tô những ý chính, và tự tóm tắt lại bằng mindmap, sau đó phải thực hành áp dụng. Bằng cách: Làm bài trong các bài tập phần luyện tập; Thấy cái gì hay thì tự động ghi chú lại vào sổ tay.
Điều quan trọng nhất của ngôn ngữ là biến ngôn ngữ của người ta thành của mình. Thế nên hãy tư duy đột phá và đặt câu, chế truyện,… áp dụng hết tất cả 1 mớ kiến thức văn chương đó vào 1 kiệt tác tuổi trẻ "lầy nhất trái đất", miễn tới lúc đi thi và trả bài nhớ làm đàng hoàng là được.
Và cuối cùng, hãy đọc sách truyện nhiều vào, để khả năng tư duy ngôn ngữ trở nên lưu loát. Môn Văn rất quan trọng, lưu loát ngôn ngữ sẽ giúp cho bản thân diễn đạt tốt và thành công.
02
MÔN TOÁN
Toán có 2 phần Đại số và Hình học. Một bên số, một bên hình, nhưng bên nào cũng cần tính toán nên ít nhất là phải nhớ các công thức của từng nhóm kiến thức.
Khi làm bài tập thì hãy chịu khó:
Bước 1: Trả lời 3 câu hỏi sau: Đề cho cái gì? Phân tích từng câu chữ để rút ra được dữ liệu dạng liệt kê; Đề yêu cầu tìm cái gì? Có bao nhiêu công thức liên quan đến cái đề yêu cầu tìm ra, và liên quan đến dữ liệu liệt kê ra hết.
Bước 2: Dựa trên những (1) dữ kiện đề cho + (2) dữ kiện đề yêu cầu tìm + (3) các công thức liên quan => Có bao nhiêu cách giải có thể dẫn đến kết quả cần tìm? Đừng giới hạn cách giải. Sau đó dò với bài giải của sách, của anh em, của Google, của thầy cô coi thử cách nào ngắn nhất, đơn giản nhất thì chọn cái đó để sau này vào thi làm.
Với 2 bước này đề nào cũng giải được: Từ dữ kiện đề cho + dữ kiện đề yêu cầu tìm + các công thức đã học liên quan đến dữ kiện trong đề đưa ra cách giải ngắn nhất. Nếu giải không được thì do 1 là phân tích thiếu dữ kiện, 2 là hiểu sai đề, 3 là không thuộc công thức, 4 là đề sai/thiếu dữ kiện.
Bước 3: Tư duy đi tắt đón đầu và tư duy sâu, đây là cách học của dân ôn thi Học sinh giỏi Toán.
Level 1: Cũng chừng đó dữ kiện và đề bài => đổi số/dữ kiện => giải lại hoặc đưa cho bạn khác đố giải được. Ví dụ đề cho x, y yêu cầu tìm z, thì đổi số x, y khác thôi giải ra z.
Level 2: Cũng chừng đó dữ kiện, đề bài và công thức => cùng 1 công thức cần xài, viết 1 cái đề khác, số khác và đề yêu cầu đi tìm dữ kiện khác => giải lại hoặc đưa cho đứa khác đố nó giải được. Ví dụ đề cho x, y yêu cầu tìm z, bài dùng công thức A (x, y, z) để tìm ra z, giờ cũng công thức A, mình cho x, z đi tìm y, thích khó hơn thì đổi số.
Level 3: Đi chứng minh công thức.
📌 Một số lưu ý khi học Toán
1. Bài Toán nào cũng có bài giải, nên hãy bình tĩnh tìm dữ kiện, yêu cầu và công thức phù hợp thì chắc chắn giải được, không cần phải học giỏi mới giải được Toán.
2. Kiến thức Toán chia theo nhóm và dạng đề, nên mỗi nhóm hãy học hết tất cả các dạng đề liên quan.
3. Hãy cẩn thận và tỉ mỉ, bút sa gà chết, một phép giải sai lầm sẽ kéo theo cả bài sai cho dù hướng giải đúng. Tư duy Toán định hình tư duy logic, cách giải Toán định hình thói quen giải quyết vấn đề.
03
MÔN ANH VĂN
Vì tiếng Anh trên trường chú trọng ngữ pháp (công thức + lý thuyết + từ vựng) nên bí kíp để vừa học tốt môn tiếng Anh (sách giáo khoa) SGK là mua sách của cô Mai Lan Hương, loại lý thuyết kèm bài tập và có đáp án. Nhuần nhuyễn bài tập trong đó thì chắc chắn sẽ làm bài kiểm tra tốt.
Học như thế nào để không "hủy hoại" một đời ngôn ngữ tiếng Anh:
- Tuyệt đối không học mẹo, học máy móc, học đối phó sẽ mất căn bản và tạo tư duy sai khi học ngôn ngữ. Sau này muốn học lại đàng hoàng không sửa được, hoặc sửa rất vất vả gian nan, cực khổ hơn bỏ luôn môn tiếng Anh.
- Ít nhất phải đảm bảo đọc - hiểu các nội dung tiếng Anh trong SGK, hiểu từ vựng trong ngữ cảnh. Tuyệt đối không học từ vựng một mình như một cái list, biết nghĩa từ nhưng ráp vô câu không hiểu được thì sau này xài từ vựng cũng sai y chang, sửa mệt mỏi.
- Văn phạm Mai Lan Hương dễ nhớ vì được tổng hợp logic như Toán: Có công thức, ráp vào là ra. Nhưng để không bị máy móc phải tự tư duy ngôn ngữ, tức là cấu trúc đó để thể hiện nội dung gì, và thường xuyên thực hành các mẫu câu, công thức cho nội dung đó bằng cách viết hoặc nói theo ý mình.
Ví dụ: Học thì hiện tại đơn, phải hiểu để diễn tả cái gì, diễn tả hoạt động hàng ngày thì dùng công thức để đặt câu "everyday I have to drink milk tea with bubbles to be smart and beautiful, and my Mom likes it too"; Hoặc diễn tả sự thật hiển nhiên thì đặt "I'm smart and rich and I know it"; Hoặc học bất kỳ cái mẫu câu/công thức nào phải biết dùng để thể hiện cái gì rồi phải đặt câu lại, chế lại diễn đạt suy nghĩ của mình.
Quy tắc đặt câu là phải mới, lạ, vui, mới diễn ra, liên quan đến mình hoặc anh em… thì mới dễ nhớ và nhớ sâu. Và quan trọng là tư duy ngôn ngữ không bị sai lệch và sau này khi cần phát triển ngôn ngữ tiếng Anh không bị máy móc học mãi không vào, hậu quả khôn lường, mệt mỏi nản chí.
Làm bài tập nhớ công thức, quy tắc là một chuyện nhưng luôn luôn phải hiểu câu đó có nghĩa là gì và phải hiểu đúng nghĩa diễn đạt thì ổn, đó sẽ là kiến thức và nền tảng tốt. Đừng bao giờ dùng Google dịch để dịch nguyên câu, Google dịch không chuẩn xác. Dịch không được, không hiểu câu đó nghĩa là gì thì hỏi thầy cô, những bạn giỏi.
- Học từ vựng thì tra thêm từ điển Oxford và đọc các ví dụ thực tế. Hoặc tra Tflat và các từ điển Anh - Việt uy tín để coi các nghĩa và các ví dụ thực tế xài từ vựng trong ngữ cảnh nào.
- Gặp cụm từ/hay từ nào khó hiểu thì lên Google, bằng cách: Gõ nguyên câu: "let me down" (hoặc từ muốn biết) nghĩa là gì? "go insane" nghĩa là gì? "fall in love" nghĩa là gì? Cao cấp hơn là thay vì ghi "nghĩa là gì" thì thay bằng "meaning" để đọc bằng tiếng Anh. Hoặc cao cấp hơn nữa là gõ mỗi cụm đó vào Google, kết quả sẽ là những ngữ cảnh mà người bản xứ hay dùng nhất trên mạng. Những lúc gặp những câu nghe có vẻ không tự nhiên, thì hãy Google nguyên câu để xem người bản xứ có dùng như vậy trong các văn bản nào không.
- Tiếng Anh trong SGK hành văn khá thiếu tự nhiên, ví dụ một câu huyền thoại đó là nếu hỏi "Hello! How are you?" thì câu trả lời muôn thuở là: "I'm fine, thank you, and you?" nên các em phải nghe thêm nhạc UK - US, coi phim, đọc sách truyện, báo, truyện cười tiếng Anh,… từ dễ tới khó, tập đọc - nghe và hiểu để quen dần với ngôn ngữ tự nhiên của người bản xứ.
Tiếng Anh SGK chỉ cần nhớ lý thuyết + công thức + làm bài trong sách Mai Lan Hương nhuần nhuyễn là đã có kết quả tốt.
"Tin vui cho những bạn nào bị mất căn bản tiếng Anh SGK, thật ra đó là tiếng Anh phổ cập, nên các nhóm kiến thức văn phạm trọng tâm được lặp đi lặp lại qua các lớp từ lớp 6 - 12. Học kiến thức văn phạm lớp 6 rồi thì vẫn có thể làm những bài tập với nhóm kiến thức tương tự ở lớp 12 hay đề thi đại học, chỉ là từ vựng có thể khác thôi.
Ví dụ như tôi có một học trò lớp 6 đang làm cuốn bài tập của cô Mai Lan Hương lớp 9 cùng một anh lớp 9 vèo vèo. Vì cơ bản kiến thức văn phạm đó bé học, từ vựng thì em được cho đọc sách truyện tiếng Anh nhiều nên nhìn vào đoán từ tự làm đơn giản. Phần lý thuyết văn phạm phần nào cũng được tóm tắt trước bài tập, quan trọng là đọc hiểu câu rồi thì em cứ nhìn lý thuyết ráp vào, cũng không có gì lạ. Nên nếu thích thì học luôn cuốn Mai Lan Hương lớp 12 hoặc thi đại học để 1 lần nắm luôn các chủ điểm ngữ pháp chính. Còn muốn bám sát từ vựng và nội dung dạy từng lớp thì cứ mua bài tập của lớp đó về làm.
Cái hay là lớp nào cũng có thể học lại được, và những ai học tốt từ đầu sau đó rất nhẹ nhàng, biết cách học thì 6 năm chương trình tiếng Anh SGK có thể rút lại trong vòng 1-2 năm", chị Hạ nói.