Trong những tháng mùa thu và mùa đông, nhiều người có nguy cơ cao phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, cúm, đặc biệt là trẻ em. Viêm phế quản và viêm phổi cũng là hai bệnh phổ biến khác, ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp trong thời tiết lạnh.
William Schaffner, bác sĩ kiêm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế trực thuộc Đại học Vanderbilt ở Nashville đã chỉ ra:“Các triệu chứng của viêm phế quản và viêm phổi giống nhau đến mức khiến việc phân biệt hai căn bệnh này gặp không ít khó khăn”. Dưới đây là những điều bạn cần biết về đặc điểm giống và khác nhau giữa viêm phế quản và viêm phổi:
Viêm phế quản và viêm phổi là gì?
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA), viêm phế quản, đặc biệt là viêm phế quản cấp, khiến cho các ống phế quản, đường dẫn khí chính tới phổi, bị viêm một cách đột ngột. Bác sĩ Schaffner cho biết: “Nhiễm trùng có thể phát triển, lây lan ra ngoài các ống phế quản và xâm nhập tận vào phổi, gây viêm các mô trong phổi”.
Trong hầu hết các trường hợp, viêm phế quản bắt nguồn từ một loại virus, thường là loại gây cảm lạnh và cúm. Ephraim L. Tsalik, bác sĩ kiêm phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Duke Health ở Durham, Bắc Carolina giải thích: “Virus gây cảm lạnh dẫn tới viêm phế quản ở một số người. Trên thực tế, tình trạng này thường không nghiêm trọng, chỉ mang tính tạm thời và không gây ra bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào cho phổi”.
Trái lại, theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc cả hai lá phổi, ảnh hưởng đến các túi khí của phổi, làm chúng chứa đầy chất lỏng hoặc dịch. Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng này. Viêm phổi có thể tự xuất hiện hoặc liên quan tới việc nhiễm virus, mắc phải các bệnh như cảm lạnh hoặc cúm. Trên thực tế, một số loại virus cũng có khả năng gây viêm phổi như virus hợp bào hô hấp (RSV), mặc dù những trường hợp này ít có xu hướng nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiễm nấm cũng là một yếu tố khác cần cân nhắc nhưng thường chỉ xảy ra ở những người gặp phải các vấn đề sức khỏe mãn tính hoặc sở hữu hệ miễn dịch yếu.
Mức độ nghiêm trọng của viêm phổi phụ thuộc vào nguyên nhân virus hay vi khuẩn, tuổi tác hoặc sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bác sĩ Schaffner cho biết: “Phổi càng chịu ảnh hưởng nhiều thì bệnh càng nghiêm trọng”.
Triệu chứng của viêm phế quản và viêm phổi là gì?
Theo bác sĩ Schaffner, đặc điểm nổi bật nhất của viêm phế quản là ho, thường là ho theo từng cơn. Trong những ngày đầu mắc bệnh, các triệu chứng khá giống với cảm lạnh, bao gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi, sốt nhẹ, khó thở, thở khò khè, ho tiết ra chất nhầy màu vàng hoặc xanh lá cây, đờm và mệt mỏi. Các triệu chứng thường kéo dài trong một tuần đến 10 ngày nhưng ho có xu hướng tồn tại lâu hơn, thậm chí lên tới vài tuần.
Trong khi đó, viêm phổi có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhưng có một số khác biệt khá lớn. Một trong số đó là mức độ nghiêm trọng. Theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, người mắc viêm phổi bị sốt, ớn lạnh, ho thường kèm theo đờm, hụt hơi, đau ngực khi thở hoặc ho, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Nhìn chung, viêm phổi kéo dài hơn viêm phế quản, từ một vài tuần đến vài tháng. Khác với viêm phế quản, chúng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như nhiễm khuẩn huyết khi vi khuẩn di chuyển vào máu, áp xe phổi, suy thận hoặc suy hô hấp.
Điều trị và ngăn ngừa viêm phế quản và viêm phổi thế nào?
Vì viêm phế quản chủ yếu do virus gây ra, các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng sinh không hiệu quả. Bạn có thể giảm một số triệu chứng bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen. Bật máy làm ẩm phòng, uống trà pha với mật ong hoặc nước ấm cũng có thể làm dịu cơn ho.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm phế quản là thực hiện thói quen lành mạnh, tránh những chất kích thích phổi trong môi trường làm việc và vào những tháng mùa đông, hãy rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người ốm và tiêm phòng cúm hàng năm.
Trong khi đó, cả thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus đều có thể được dùng để điều trị viêm phổi. Bất kể do nguyên nhân nào, nghỉ ngơi và truyền nước sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Những trường hợp nặng hơn cần phải nhập viện.
May thay, hiện nay đã có một loại vaccine giúp chống lại vi khuẩn gây viêm phổi. Chúng được khuyên dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người đang mắc một số bệnh mãn tính. Theo bác sĩ Schaffner: “Tiêm vaccine rất quan trọng đối với những người mắc các bệnh tiềm ẩn và ngay cả những người hút thuốc cũng có nguy cơ cao phải đối mặt với viêm phổi”.
Nhìn chung, nếu bạn bị sốt cao, khó thở, ho ra mủ hoặc máu, hãy tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Họ có thể tiến hành chụp X-quang phổi để xác định bạn bị viêm phế quản hay viêm phổi.
(Nguồn: Health