Cha mẹ Nhật Bản được các bố mẹ ở khắp nơi trên thế giới ngưỡng mộ và khâm phục bởi cách họ nuôi dạy và giáo dục con cái. Là một học giả có nhiều năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản, trong một buổi nói chuyện về chủ đề "Nuôi dạy trẻ qua những cuốn sách tranh", ông Nguyễn Quốc Vương (chuyên gia cố vấn giáo dục Nhật Bản) đã chia sẻ những câu chuyện mà ông không thể nào quên về cách mà các gia đình và cả xã hội Nhật Bản nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho một đứa trẻ. Dưới đây là những "bài học thấm thía" mà ông Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Cha mẹ Nhật rất chú trọng việc nuôi dưỡng và rèn luyện thói quen đọc sách cho con từ nhỏ. (Ảnh mnh họa)
Món quà đầu tiên trẻ nhận được là E-hon
Sinh con đầu lòng ở Nhật, vài ngày sau khi trở về nhà từ bệnh viện, gia đình ông Nguyễn Quốc Vương được một bác sĩ tình nguyện tới thăm khám sau sinh. Ông đã vô cùng bất ngờ khi người bác sĩ xuất hiện ở nhà mình trong một bộ Kimono trang trọng màu đỏ, vị bác sĩ đã tặng cho con trai của ông một chiếc trống nhỏ màu đỏ và những cuốn sách E-hon dành cho các em bé mới sinh. Vị bác sĩ giải thích rằng, màu đỏ là một trong những gam màu cơ bản mà trẻ sơ sinh có thể nhìn thấy được khi mới chào đời và đó là lý do vì sao ông lại chọn một bộ Kimono như vậy. Chỉ thông qua những chi tiết nhỏ như vậy nhưng cũng đủ để thấy người Nhật chú trọng tới việc chăm sóc và giáo dục trẻ cẩn trọng và tỉ mỉ như thế nào.
Các cuốn E-hon (sách tranh) dành cho trẻ em chiếm một vị trí khổng lồ trong thị trường xuất bản sách, các cha mẹ Nhật thậm chí còn dành thời gian để lựa chọn rất nhiều cuốn sách cho con ngay từ khi mang thai và tại tất cả các thư viện cộng đồng ở đất nước này đều có phòng riêng dành cho E-hon với hàng triệu đầu sách. Sự đầu tư cũng như ý thức nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con của cha mẹ Nhật được duy trì từ rất sớm như vậy và kéo dài cho đến tận khi con trưởng thành, khi đó, kĩ năng đọc sách thành thục cùng niềm đam mê khám phá học hỏi qua những cuốn sách chính là một trong những yếu tố giúp trẻ em Nhật đạt thành tích học tập cao hơn và đặc biệt là trở thành những người trưởng thành có đạo đức, nhân văn và thành công.
Ngay cả trong các hiệu sách ở Nhật cũng có riêng một khu rộng lớn dành cho sách tranh (E-hon) từ 0 tuổi được đặt ở dưới các kệ rất thấp và bắt mắt để trẻ có thể tự khám phá và lựa chọn. Trong ảnh là một hiệu sách ở Kyoto, Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
E-hon xuất hiện ở khắp mọi nơi trong thế giới của trẻ
Một trong những điều đầu tiên, quan trọng giúp trẻ hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách đó là tạo ra cho trẻ hay để sống trong một môi trường tràn ngập những cuốn sách thú vị theo từng độ tuổi phát triển của trẻ.
Ông Nguyễn Quốc Vương chia sẻ, có thể nói, trẻ em Nhật được đọc sách và chọn sách ở khắp mọi nơi, ở mỗi gia đình Nhật Bản, cha mẹ luôn dành riêng một không gian để làm chỗ đọc sách, phòng đọc sách cho con, đó thường là nơi rất trang trọng và được cả gia đình yêu thích; ngoài ra, ở tất cả các phòng khám nhi khoa, các trường mầm non thì các kệ sách luôn được đặt ở các hành lang, lối đi lại với những cuốn E-hon luôn được đặt ở tầng thấp và sách nuôi dạy con dành cho cha mẹ đặt ở các tầng cao hơn; thậm chí các thư viện dành cho trẻ em còn được thiết kế thành một tổ hợp với nhà hàng, khu vui chơi ngoài trời và công viên để các gia đình có thể vui chơi, khám phá cả ngày ở đó.
Thậm chí ở các trường học ở Nhật, phụ huynh còn được khuyến khích hàng tháng đóng một mức tiền nhất định để nhà trường tư vấn, chọn và mua sách cho từng trẻ, các món quà dành tặng cho trẻ cũng thường là sách và mỗi khi gia đình nào đó chuyển nhà thì thường đóng từng thùng sách cũ để gửi tặng lại cho bạn bè.
Trẻ em Nhật Bản có thể đọc sách ở mọi nơi mà chúng đến, chính vì thế, tình yêu với việc đọc sách cũng dần lớn lên và trở thành một thói quen tốt của trẻ. (Ảnh minh họa)
Trẻ được làm thẻ thư viện từ 3 tháng tuổi
Một câu chuyện khác cũng khiến ông Nguyễn Quốc Vương ấn tượng sâu sắc, đó là lần cả gia đình đưa con đi khám sức khỏe định kì tại Tòa thị chính thành phố lúc em bé được 3 tháng tuổi. Hai người được phân công tiếp đón gia đình là một bác sĩ dinh dưỡng và một… thủ thư.
Sau khi bác sĩ dinh dưỡng thăm khám và cung cấp các kiến thức tài liệu chăm sóc, nuôi dưỡng em bé, người thủ thư tặng cho cả gia đình một bộ E-hon để đọc cùng con, sau đó chia sẻ thông tin về hệ thống các thư viện trong thành phố, lịch đọc sách đồng thời hướng dẫn bố mẹ cách khai thác nguồn sách ở thư viện cho con rồi sau đó đưa cả gia đình đi làm thẻ thư viện.
Với một quy trình tư vấn và hỗ trợ các cha mẹ tận tâm và tỉ mỉ đến như vậy, thật dễ hiểu vì sao, cha mẹ Nhật yêu thích việc đọc sách cùng con và trẻ em ở Nhật lại thích thú với việc đọc sách như vậy.
Mọi thói quen tốt của trẻ đều cần được cha mẹ hình thành và nuôi dưỡng từ nhỏ, nếu bạn gieo những hạt mầm khỏe khoắn trên nhưng khu vườn được chăm sóc và vun xới kĩ càng, tâm huyết và tràn đầy yêu thương, thì chắc chắn chúng sẽ vươn lớn thành những cái cây khỏe mạnh và cứng cáp.