Cách trả lời của vị tư lệnh ngành về vấn đề đang rất nóng này cho thấy quy định pháp lý liên quan tới hoạt động của hội cha mẹ học sinh chưa đáp ứng được việc kiểm soát lạm thu thông qua hội cha mẹ học sinh hiện nay.

Và quan điểm của người đứng đầu ngành xem điều chỉnh quy định là một giải pháp.

Nhưng thực trạng lạm thu diễn ra ngay trong những tháng đầu năm học 2022 - 2023 này với những khoản thu quỹ phụ huynh tiền tỉ lại không phải do "thiếu quy định pháp lý" mà là việc làm ngơ quy định, thậm chí không cần căn cứ vào quy định, việc buông lỏng quản lý của các cấp lãnh đạo.

Nếu cứ xây dựng quy định thật tốt và ban hành xong là xem như hết trách nhiệm thì có sửa thông tư lần này hay nhiều lần khác, lạm thu vẫn xảy ra. Chưa kể ban hành quy định mà không kiểm soát, chế tài thì quy định không có sức nặng, cái uy của cơ quan ban hành văn bản cũng ngày càng nhẹ đi.

Hơn 11 năm trước, khi hội cha mẹ học sinh trở thành "cánh tay nối dài" của nhà trường để lạm thu trở nên phổ biến, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động của hội cha mẹ học sinh.

Thông tư này không chỉ quy định cụ thể về nguyên tắc trong việc thu quỹ, những nội dung nào được chi, nội dung nào không được phép chi từ quỹ cha mẹ học sinh mà còn quy định ràng buộc trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp trong vấn đề thu chi quỹ của hội.

Sau khi có thông tư này, tình trạng lạm thu tiền trường có chùng xuống, nhiều hiệu trưởng cũng e ngại hơn khi kêu gọi quyên góp tiền qua quỹ phụ huynh, nhưng rồi làn sóng lạm thu gia tăng trở lại nhanh chóng, nhất là trong những năm gần đây.

Tại Hà Nội, một trường gây sốc khi rò rỉ bảng thu chi quỹ phụ huynh hàng chục khoản với tổng số tiền lên tới gần 2,5 tỉ đồng mà mới chỉ là tiền chi trong một học kỳ.

Kế tiếp là một trường tại TP.HCM gây bức xúc với việc thu quỹ phụ huynh hàng trăm triệu đồng, trong đó có nhiều khoản chi sai so với thông tư 55. Một trường khác ở Hải Phòng, mỗi phụ huynh phải đóng gần 2 triệu đồng tiền quỹ, với những khoản chi không đúng quy định.

Nhưng đó mới chỉ là những vụ việc được phát hiện, bị truyền thông gọi tên. Tình trạng thu với mức khủng, thu sai còn diễn ra ở nhiều trường, nhiều địa phương khác.

Rõ ràng lạm thu tăng cấp độ không phải do chưa có quy định hay quy định chưa chạm đến được những vấn đề đang diễn ra mà đó là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý ở khâu thực hiện đã kéo dài rất lâu.

Vậy có cần sửa thông tư hay ban hành thông tư mới như cách bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu không hay chỉ cần chấn chỉnh khâu thực hiện, xử lý chế tài cho nghiêm?

Chữa bệnh mãn tính, nan y không phải cứ thay thuốc liên tục mà cần tìm ra nguyên nhân khiến bệnh không thuyên giảm để có hướng điều trị trúng đích. Điều tư lệnh ngành nên cân nhắc, xem xét là ở đây và rất cần Bộ GD-ĐT bình tĩnh, xử lý thấu đáo thay cho những giải pháp cốt chỉ để tạm yên lòng dư luận.