Bùi Đại Dương bắt đầu làm nghề "bán giọng nói" này đã được hơn 11 năm, hiện tại cậu đang là một trong số MC trẻ, nhiều tiềm năng của Đài truyền hình Việt Nam. Ngoài công việc làm MC ở đài, Dương còn đem giọng nói của mình truyền tải những thông điệp, cảm xúc đến người nghe sau màn hình đó là nghề: Đọc lời bình.

"Bán giọng nói" mang lại thu nhập khủng

Đại Dương chia sẻ, nếu muốn theo đuổi nghề, bạn cần có một giọng nói chuẩn, phát âm tròn vành rõ chữ. Bên cạnh đó, người đọc voice off cũng cần có một kiến thức sâu rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực để dẫn dắt câu chuyện đến với người nghe một cách chân thực và sống động nhất. Giọng đọc phải cuốn hút, cảm xúc và độ nhạy trong cảm nhận tinh thần của văn bản TVC, phóng sự để dẫn dắt và truyền tải…

"Giống như bất cứ một tác phẩm nào, yếu tố quan trọng nhất giúp cho người đọc lời bình chính là làm thế nào để truyền tải được hết thông điệp, nội dung của phóng sự hay TVC đó. Người đọc lời bình phải lột tả được tinh thần của phóng sự. Chất giọng thì cũng rất quan trọng rồi, nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải lột tả đúng tinh thần của TVC đó".

Cậu cũng cho biết thêm catse của nghề này cũng tùy vị trí, độ hot, chứ ko phải ai cũng mức thù lao cao như mọi người mường tượng. "Vì thế, để giữ chân được khách hàng của mình thì cần có 3 yếu tố, đầu tiên là năng lực, tố chất của mình; thứ hai là sự chỉn chu trong công việc và cuối cùng là thái độ với khách hàng", Đại Dương nói.

Chia sẻ về mức thu nhập, chàng MC cho biết sẽ tùy vào thời điểm. Dịp cuối năm sẽ là thời điểm mà các đơn vị các doanh nghiệp làm chương trình tổng kết sẽ mang lại nhiều job rất hot. Đại Dương bật mí mỗi lần đọc lời bình cậu có thể thu về từ vài triệu, thậm chí chục triệu/1 job.

Tuy nhiên cậu đều chọn lựa nội dung chứ không phải kịch bản nào cũng đọc. Những quảng cáo không uy tín hoặc nội dung nhạy cảm cậu đều từ chối. Hợp đồng lớn mà Đại Dương đã nhận được là 1 seri voice cho doanh nghiệp lên đến gần 100 triệu đồng.

Mức thu nhập mà nghề đọc lời bình đem lại không hoàn toàn căn cứ vào thời lượng hay độ dài văn bản, mà dựa trên cách cần đọc, tinh thần của nội dung cần hướng tới như đọc cho các bài quảng cáo, cửa hàng điện thoại hay đọc cho sự kiện công ty hoặc phóng sự cho đài truyền hình thì sẽ có mức giá khác nhau.

"Đôi khi đọc slogan rất khó bởi vì bao nhiêu tinh hoa đều nằm trong đấy hết. Hoặc đọc 1 đoạn ngắn 15- 20s nó rất là mệt, mệt hơn khi mình đọc 1 đoạn 5- 7 phút rất nhiều. Vì những đoạn ngắn là những đoạn tích hợp rất nhiều thông tin, tinh hoa, ở trong đó và sẽ yêu cầu giọng đọc, tinh thần mạnh mẽ hơn".

Cũng giống như nghề dẫn chương trình hay bất cứ một công việc nào. Đại Dương sẽ chỉ đọc miễn phí cho các chương trình mang ý nghĩa từ thiện, vì cộng đồng, nhân đạo… mà không có nguồn tài trợ. "Rất nhiều người vô tư nhờ mình đọc miễn phí. Khi mình từ chối thì lại nói là chỉ ngồi đọc không mất gì. Thực sự không biết phải nói sao".

Để ngôn từ chạm tới cảm xúc

Cũng giống như bao nghề khác, nghề đọc lời bình không phải cứ mở miệng nói ra là đã làm được nghề. Không ai tốt lên mà không phải học "Bản thân mình phải có một cái tố chất với nghề đó là giọng nói. Thứ nhất là về cơ bản, phải chuẩn, không được dị tật về phát âm đấy là điều trước nhất. Còn để mà hay, để mà truyền cảm hay để mà lên level thì phải qua quá trình, qua 1 khoảng thời gian tự rèn luyện, tự trau dồi".

Để làm nghề này, việc giữ gìn sức khỏe đặc biệt là giữ gìn thanh quản là điều quan trọng. Chính vì vậy, đòi hỏi người làm nghề cho dù phải nói với tần suất không ngừng nghỉ thì vẫn phải giữ được chất giọng tốt nhất.

"Mình chỉ cần khản tiếng hay giọng của mình không tốt mà có đơn đặt hàng đến thì mình sẽ không thể đáp ứng được, đành bỏ job. Giọng nói chính là cần câu cơm của mình trong cả nghiệp dẫn nên phải hết sức cẩn trọng".

Đại Dương chia sẻ cậu rất hạn chế đồ như đá lạnh, nếu chủ quan thì rất dễ bị ốm. Sức khỏe tổng thể phải giữ gìn cẩn thận, nhất là giữ ấm cổ họng trong khi thời tiết không tốt. Và hạn chế bia rượu, chất kích thích.

Đại Dương cho rằng mình cũng phải luyện thanh thì mới giữ gìn được độ bền của giọng nói. Khi đọc phải đọc đúng kỹ thuật: từ cách lấy hơi, phát âm, cho đến nhịp độ, tiết tấu, độ mạnh nhẹ của âm thanh phát ra…

Khi được hỏi, có sợ bị AI, giọng đọc tự động thay thế không? Dương tự tin trả lời rằng "Ít nhất ở thời điểm hiện tại thì mình chưa quá lo lắng. Con người vượt trội hơn AI ở chỗ có cảm xúc và xử lí sự cố kịp thời. Đặc trưng của mỗi người chính là bộ mặt và giọng nói riêng, thì AI và công nghệ hiện đại chưa làm được điều đó nên không lo lắm".