Đại dịch Covid-19 có lẽ đã tạo ra một đợt chuyển dịch cơ cấu việc làm lớn bậc nhất, khi rất nhiều công ty đã cho phép nhân viên được làm việc tại nhà nhằm tránh rủi ro lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Với những con sâu lười, chuyện được làm việc tại gia hẳn là một điều quá sức tuyệt vời. Bạn không cần phải dậy sớm, cứ việc mải mê ngủ rồi bật dậy vơ đại chiếc laptop ngay trước giờ làm việc một phút, chẳng phải trang điểm, thay đồ, thậm chí là đánh răng. Rồi thì tha hồ làm việc riêng mà không ai quản lý, miễn là hoàn thành đủ công việc. Lại còn tiết kiệm tiền xăng xe di chuyển, quá là tuyệt vời luôn.
Tuy nhiên, làm việc tại nhà nghe thì vui đấy nhưng vẫn có những mặt trái, và nó thể hiện ngay ở... múi bụng của bạn. Bởi lẽ, cách làm việc này tạo cơ hội cho bạn mặc sức ăn uống mỗi khi vui mồm, ít di chuyển hơn, chẳng ra ngoài nhiều. Nói chung là một loạt thói quen xấu, và điều đó đồng nghĩa với việc những hệ lụy không tốt cho sức khỏe.
Trên thực tế, một nền tảng tìm kiếm việc làm có tên DirectlyApply (trụ sở tại Mỹ và Canada) mới đây đã tạo ra hình ảnh mô phỏng lại một nhân viên làm việc từ xa trông như thế nào sau 25 năm, nếu những thói quen xấu ấy vẫn còn duy trì.
Đây là Susan - cô nàng nhân viên văn phòng làm việc tại gia sau 25 năm
Susan là một mô hình được tạo ra bởi nhóm chuyên gia tâm lý và thể hình của DirectlyApply, nhằm mô phỏng lại hình ảnh của chúng ta sau 25 năm làm việc tại gia với vô vàn những thói quen xấu.
Về tổng quan, Susan có một dáng hình rất xấu - cổ rụt, lưng cong. Y học gọi đây là "tech neck" (hội chứng "cổ công nghệ"), tất cả là vì không chịu tập luyện và phải nhìn màn hình máy tính suốt ngày.
Ngoài ra, gương mặt cô xuất hiện nhiều nếp nhăn; mắt thâm quầng, mờ, khô, đỏ và dễ kích ứng (hội chứng thị giác máy tính) vì phải nhìn vào màn hình trong thời gian quá lâu.
Do không tập thể dục và ít ra ngoài, Susan còn bị béo phì. Cộng thêm việc thiếu vitamin D tự nhiên từ Mặt trời, cô bị rụng tóc nhiều, và da dẻ trở nên nhợt nhạt hơn.
Và đó chỉ là những gì ở bên ngoài! Theo bác sĩ tâm lý Kate Brierton, làm việc tại nhà trong thời gian quá lâu mà ít giao tiếp với thế giới bên ngoài có thể làm tăng hormone cortisol (còn gọi là hormone stress) đối với Susan. Hệ quả, huyết áp của cô tăng lên rất nhanh, gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực đối với tình trạng sức khỏe thể chất.
Một vấn đề khác của làm việc tại nhà là chúng ta thường không tách bạch được việc công với việc tư, dẫn đến chuyện ngày làm việc kéo dài hơn dự kiến. Susan cũng không ngoại lệ, và cô bị stress mãn tính vì câu chuyện này. Nó khiến cô gặp rủi ro mắc bệnh tim và nhiều hội chứng nguy hiểm khác.
Làm gì để không trở thành Susan?
Thật may, DirectlyApply cũng chia sẻ một số lời khuyên giúp bạn giải thoát khỏi tình cảnh này. Theo bác sĩ tâm lý Rachel M Allan, điều quan trọng nhất là tự thiết lập cho bản thân một chuỗi lịch trình mỗi ngày, và bám theo nó.
"Việc tuân thủ lịch trình phù hợp với bản thân cũng như yêu cầu công việc sẽ giúp tâm trạng của bạn tốt hơn rất nhiều khi làm việc tại nhà. Một lịch trình sẽ giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn, tối ưu hóa sự tập trung."
Thêm vào đó, hãy dành thời gian để cải thiện mối quan hệ ở nơi làm việc. "Một trong những điều quan trọng nhất của mối quan hệ công sở bắt nguồn từ những lần trò chuyện thoải mái, những tình huống bất ngờ tại chỗ làm. Vậy nên nếu làm tại nhà, cần phải đầu tư thêm thời gian để xây dựng những mối quan hệ như thế."
Theo Allan, nếu tích cực trò chuyện cùng đồng nghiệp, bạn sẽ có thêm động lực để làm việc một cách hiệu quả, cũng như cải thiện được tâm trạng một cách đáng kể.
Và cuối cùng là hãy chăm tập thể dục. Đừng ngồi một chỗ quá lâu, mà hãy tích cực vận động. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn, đẹp hơn, và ngăn được những hội chứng nguy hiểm.