Chị nghĩ gì khi có một số người đàn ông “gào” lên rằng phụ nữ đã không giỏi kiếm tiền lại còn lắm mồm?
Điều tôi nghĩ liệu có thay đổi được cái suy nghĩ nực cười đó của một cơ số những người đàn ông kia không? Tôi cũng băn khoăn không biết rằng liệu có khi nào các ông – những người được mệnh danh là rường cột của gia đình, có vắt tay lên trán mà nghĩ xem tại sao chúng tôi lại “lắm mồm” thế? Mà các ông ấy cũng nên kiểm tra lại tai và mắt đi, mồm chúng tôi chỉ có một, lấy đâu ra mà lắm. Đừng kiểu mượn gió bẻ măng, coi chúng tôi là quái vật ngoài hành tinh vì cái khái niệm lộng ngôn đó.
Các ông cứ coi mình như thánh, còn phụ nữ chúng tôi là đám nô lệ phải phục dịch hay sao mà không cấm chúng tôi than vãn khi phải gồng gánh, lo toan quá nhiều. Chúng tôi đâu phải là những người chỉ biết ngồi xó bếp vẹt nồi ăn vụng! Chúng tôi kiếm tiền, rồi gánh vác trách nhiệm đâu có thua kém các ông ấy đâu. Thế thì tại sao chúng tôi cứ phải cười như kẻ ngốc, vâng dạ như kẻ dở hơi ngay cả khi chúng tôi khốn khổ?
Tôi hỏi thật, chị đã bao giờ nói “thâu đêm suốt sáng, xuyên ngày” do cáu gắt với chồng chị về vấn đề gì đó chưa?
Bạn có thấy tôi giống khúc gỗ hay cục đá không? Con người sinh ra nếu không bị khuyết tật thì ngoài việc có đủ giác quan và cảm xúc thì có những cái thuộc về bản chất, tính cách, nhận thức… để họ nhìn rõ và thấu suốt vấn đề. Tôi đâu dở hơi mà bỗng dưng dốc sức, dồn tâm gây chuyện với chồng đến mức quên ăn, quên ngủ. Chuyện ở mức độ nào thì giải quyết ở mức độ đó. Còn vợ chồng mà để tới mức nói cho hả hê, nói cho dứt hận thì thôi, kéo nhau ra tòa cho xong. Như thế sẽ đỡ tổn thọ vì stress kéo dài.
Thế việc thi thoảng càu nhàu thì sao?
Đại đa số chị em lấy chồng rồi về mới vỡ mộng vì những điều xấu thôi rồi của chồng. Nhưng lúc này thì sao? Chấp nhận thì thấy ấm ức. Phản đối hay thậm chí bôi nhọ cũng không bao giờ thay đổi được bản chất của đàn ông. Mong muốn cải tạo ông chồng lười như hủi, giỏi vứt bừa đồ đạc, bỏ rơi vợ con và giỏi lang thang quán xá… là điều không tưởng. Thôi thì chỉ còn cách cứ mỗi hôm lại nhắc nhở bằng nét mặt hơi căng, giọng điệu hơi gồng một chút.
Vốn dĩ phụ nữ thì luôn hi vọng có thể ít nhiều thay đổi được người đàn ông của cuộc đời mình. Mà hi vọng lắm thì dễ bị thất vọng nhiều. Rồi kéo theo những éo le khiến cho mong muốn của chúng tôi ngày càng rơi vào ngõ cụt. Còn cách nào khác đâu, ức chế lắm thì phải giải tỏa bằng cách nhắc nhở. Khi chúng tôi còn nói là chúng tôi còn quan tâm. Để đến “mất dạng” mà khi điện thoại chúng tôi không thèm gọi, rồi không buồn tính toán nghĩ ngợi những lời cay nghiệt để trách cứ khi mò về thì lúc đó coi như… đến giỗ sẽ tưởng nhớ. Đàn gảy tai trâu thì làm gì có tác dụng gì!
"Đừng dại mà trở thành người vợ ngu ngơ, hiền lành vì như vậy chỉ khiến bản thân thêm khổ..." (Ảnh minh họa)
Người ta thường nói phụ nữ sau khi lấy chồng, làm vợ rồi thường hiền dịu và đằm thắm hơn. Nhưng hình như không phải thế!
Ý bạn là phụ nữ chúng tôi lấy chồng thì trở nên đanh đá, ghê gớm chứ gì? Đanh đá hay ghê gớm không phải cứ muốn thay đổi là thay đổi được mà nó thuộc về bản chất của từng người. Mang tiếng chúng tôi đanh đá, ghê gớm nhưng có bao giờ làm lung lay cái ý chí nhậu tới bến, chơi quên nhà của các anh đâu. Chúng tôi đanh đá, nói thế chứ có nói nữa vẫn không bằng các anh bâng quơ “ném” cho một câu nhưng lại khiến cho đau khổ đến khóc sưng mắt, chẳng thiết sống.
Mà tôi cũng khuyên các chị em, đã làm vợ thì đừng nên hiền lành, ngu ngơ. Một là vừa bị bắt nạt. Hai là tự mình hành hạ bản thân. Mình đâu phải là con búp bê để trong tủ kính, bảo cười thì cười, bảo khóc thì khóc, cho ăn hay bắt nhịn đói cũng một kiểu sắc thái biểu cảm. Đừng giả nai, giả thỏ. Chỉ khổ mình mà thôi. Tôi cũng không khuyến khích gầm gừ, dữ tợn với chồng. Đôi khi phải tùy vào hoàn cảnh mà ứng biến, lúc cứng lúc buông.
Vậy là chị muốn đặc biệt lưu ý điều gì?
Lúc lấy chồng, chị em nào cũng nguyên vẹn một sự kỳ vọng lớn lao. Nào là chồng sẽ tặng hoa, hôn má vào ngày kỉ niệm; thích đi đâu thì chồng đưa đến đó; chồng vẫn cum cúp nghe lời, chiều chuộng như thuở còn yêu; tiền lương được bao nhiêu thì về giao trọn cho vợ bảo quản... Hoặc chồng sẽ vào bếp phụ mình nấu cơm, trông con để mình tranh thủ ngủ… Nhưng cuối cùng thì sao? Thực tế là chỉ có mình một mình trong nhà, lúc nào cũng lúi húi, cặm cụi giống như người giúp việc không có công sá.
Thế rồi, thực tế đó khiến các chị nổi điên, thấy mặt chồng là muốn gây sự. Rồi cũng vì thế mà bỗng dưng chồng đang là kẻ tội đồ, lỗi sai lè lè nhưng lấy cớ “vợ láo” nên lật mặt nổi khùng ngược. Khi đó lại chỉ biết câm nín, nuốt nghẹn vào trong. Vậy nên nếu đã trót để chồng có cớ trở mặt vì mình nói nhiều thì mình cũng phải có chiêu câm lặng để cho tự ngấm.
Như tôi, sau một thời gian để chồng quen thói mặt dày nhận hàng chục cuộc điện thoại của vợ giục về. Rồi để chồng chứng kiến thảm cảnh của mình ngồi ngủ gật bên mâm cơm vì chờ chồng. Cứ mải chạy đuổi theo chồng khiến các ông ấy sướng quá, hóa rồ. Cứ bỏ bẵng, không điện thoại nhắc, cơm dọn sẵn về ăn một mình, uống rượu say cho ngủ phòng khách, nôn ra thì sáng tự dậy mà dọn. Thỉnh thoảng cũng nên tự thưởng cho mình bữa cơm tiệm để cho các lão ngấm cảnh thế nào là bơ vơ. Cứ thế lập ra những cái “tự nhiên thế” để các ông ấy không thể quen nổi với sự đột nhiên bị phớt lờ và vợ thì cứ đột nhiên vắng nhà... Thế là tự khắc các ông ấy thèm quay về quỹ đạo.
Chia sẻ bí quyết lên đây chị có sợ các ông chồng, đặc biệt là chồng chị "nắm được thóp" của mình?
Nếu các ông ấy mà... biết đọc, tôi nghĩ các ông ấy đủ hiểu những điều đó không phải là thóp để nắm. Và tốt hơn hết là cũng đừng dại mà coi đó là cái thóp để nắm. Vì một khi các bà vợ nổi giận thì cực kì kinh khủng (Cười).
Các anh chồng có thể coi đó là lời cảnh báo! Xin được cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!