Ngày 7-2, bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết vừa thực hiện hai ca ghép thận chéo cho hai người phụ nữ. Đáng chú ý, đây cũng là hai ca ghép thận chéo trên người sống đầu tiên tại Việt Nam, khi hai cặp hiến tạng và nhận tạng thuộc hai gia đình khác nhau.

Trường hợp đầu tiên là chị L.T.A.H (31 tuổi, quê Kiên Giang). Chị H. bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo định kỳ tại BV Chợ Rẫy từ tháng 4-2015 tới nay. Cha đã mất, chị và mẹ sống cùng người cha dượng. Trớ trêu thay, mẹ ruột chị cũng mắc căn bệnh ung thư vú.

Thương con gái riêng của vợ, người cha dượng, ông T.N.X (51 tuổi) tình nguyện hiến thận cho con. Tuy nhiên sau khi thăm khám tại BV Chợ Rẫy, các kết quả xét nghiệm cho thấy trong người chị H. có một cặp kháng thể (HLA) chống lại kháng nguyên của người cho, nếu thực hiện ghép thận thì nguy cơ thải ghép sau đó sẽ rất lớn.

Lần đầu tiên tại Việt Nam 2 gia đình hoán đổi thận và được ghép  chéo thành công - Ảnh 1.

Quy trình hoán đổi thận giữa các cặp cho và nhận.

Lần đầu tiên tại Việt Nam 2 gia đình hoán đổi thận và được ghép  chéo thành công - Ảnh 2.

TS.BS Thái Minh Sâm chia sẻ về hai ca ghép thận chéo đầu tiên tại Việt Nam.

Tương tự vậy, chị V.T.H (32 tuổi, quê Đắk Nông) cũng mắc căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối khi đang nuôi hai con nhỏ, nhưng cặp kháng thể quái ác trong người khiến chị khó lòng tiếp nhận quả thận được người mẹ ruột của mình dù bà tình nguyện hiến.

TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết Niệu BV Chợ Rẫy cho biết: "Trước tình trạng trên, chúng tôi đã dừng việc ghép thận cho hai ca bệnh này. Điều đặc biệt là cả người cho thận và nhận thận ở hai trường hợp trên đều thuộc nhóm máu B. Lúc này, ekip điều trị đã trình lên hội đồng khoa học chuyên môn để xin ý kiến về vấn đề ghép thận chéo nhằm giảm nguy cơ cho bệnh nhân. Sau đó chúng tôi giải thích với hai gia đình về việc hoán đổi người cho thận và họ cũng vui lòng đồng ý".

Lần đầu tiên tại Việt Nam 2 gia đình hoán đổi thận và được ghép  chéo thành công - Ảnh 3.

Việc mổ lấy thận và ghéo thận được thực hiện song song.

Ca ghép thận chéo vào ngày 11-1 được thực hiện bằng cách ghép thận người cho ở cặp 1 cho người nhận ở cặp 2 (tức người cha dượng ở Kiên Giang cho người phụ nữ ở Đắc Nông) và ngược lại, thận của người mẹ chị V.T.H sẽ được ghép cho chị L.T.A.H. Hai ngày sau ghép, chức năng thận của các bệnh nhân đã trở lại bình thường, thận người cho và người nhận đã hòa hợp về mặt miễn dịch trên 50%, kháng thể không còn chống lại kháng nguyên. Hai thận ghép hoạt động ngay sau khi tháo clamp mạch máu.

Một tháng sau ghép thận chéo, tình trạng sức khoẻ của hai bệnh nhân rất ổn định.

Lần đầu tiên tại Việt Nam 2 gia đình hoán đổi thận và được ghép  chéo thành công - Ảnh 4.

Niềm vui của hai người phụ nữ khi sức khoẻ đã ổn định.

TS.BS Sâm cho biết, ghép thận chéo liên quan đến vấn đề miễn dịch, đã bắt đầu được thực hiện từ thập niên 90 của thế kỷ trước và đã phát triển rộng rãi trên nhiều nước, với quy mô không chỉ dừng lại trong nội bộ bệnh viện mà đã mở rộng sang ghép thận chéo liên lục địa. Tại BV Chợ Rẫy, các BS hoàn toàn có thể thực hiện kỹ thuật này từ trước đây nhiều năm, tuy nhiên khó khăn lớn nhất nằm ở vấn đề thiếu nguồn thận, tạng để ghép.

Trưởng Khoa Tiết Niệu BV Chợ Rẫy cho biết, trong tương lai, BV hi vọng sẽ sớm thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận chéo với người hiến và người nhận không cùng nhóm máu.