Đột nhiên ngủ dậy nhận tin mình thất nghiệp. Thậm chí là đang nghỉ thai sản vẫn bị cho thôi việc. Chúng ta trước hết hãy lắng nghe một số câu chuyện từ những nhân viên công nghệ bị sa thải tại Mỹ.
"Trái tim tôi như thắt lại" là lời nói đầy xót xa của cô Anneka Patel, một trong những nhân viên nữ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt sa thải hàng loạt tại Meta, công ty mẹ của Facebook. Cô nhận được email cho thôi việc trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định. Sáng hôm đó, Patel phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để cho cô con gái 3 tháng tuổi ăn và nhận được thông báo bị sa thải. Cô không phải là trường hợp duy nhất.
Trong một thông điệp gửi tới các nhân viên, CEO của Meta, Mark Zuckerberg thừa nhận mình đã sai. "Đó là một trong những cuộc gọi khó khăn nhất mà tôi phải thực hiện trong suốt 18 năm điều hành công ty".
Meta, công ty mẹ của Facebook, sa thải 11.000 người. Ảnh: Dialogue
Không chỉ có Zuckerberg phải thốt ra những lời như vậy. Thông báo của các công ty công nghệ thời gian gần đây đều có điểm chung là những lời xin lỗi. Những ông lớn khác như Netflix, Shopify, Snap và cả Twitter đều lần lượt ghi danh vào làn sóng cắt giảm nhân sự. Twitter cũng "dành bất ngờ" cho nhân viên bằng cách gửi email sa thải trong đêm.
Ông Emmanuel Cornet - Cựu kỹ sư phần mềm Twitter: "Điều duy nhất mà tôi chính thức nhận được từ Twitter là một email và nó không thực sự đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào. Nghe có vẻ hơi lạ khi bị sa thải mà không có lý do nào hết".
Phân tích của Reuters cho thấy, việc cắt giảm hàng nghìn nhân sự của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon là sự đảo ngược môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế vĩ mô đầy bất trắc. Nói sâu hơn, đó là thời đại dịch, các công ty công nghệ tuyển ồ ạt nhân viên để phục vụ nhu cầu trực tuyến - hạn chế giao tiếp trực tiếp của người dân. Nhưng hiện thế giới đã trở lại guồng quay trước đây, kèm theo lạm phát, sụt giảm tăng trưởng. Vậy mới có chuyện, ngủ một giấc, thức dậy đã trở thành người thất nghiệp.
Amazon là một trong những tập đoàn lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Reuters.
Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành Công ty Wedbush Securities, New Jersey, Mỹ cho rằng: "Rất nhiều trong số các công ty công nghệ này đã vung tay quá trán trong vài năm qua và sự trì trệ về tăng trưởng sau COVID-19, suy thoái kinh tế đang cận kề, họ bắt đầu thấy các chi phí cần phải cắt giảm. Ngay lúc này, bạn bắt đầu nhận thấy sự cắt giảm trong những dự án siêu tốc hoặc các lĩnh vực phi chiến lược. Chủ lao động không muốn quay lại thời kỳ suy thoái như trong đại dịch. Cắt giảm nhân sự là yêu cầu của thị trường".
Một vài bộ phận của Amazon trong một số năm gần đây đã công bố khoản lỗ hoạt động hàng năm hơn 5 tỷ USD. Thông tin này được tờ Wall Street Journal công bố tuần trước. Trên toàn công ty, tính đến các công việc kho hàng và vận chuyển, số lượng nhân viên của Amazon lên tới hơn 1,5 triệu người. Và mặc dù cắt giảm nhiều như vậy nhưng chỉ chiếm chưa đến 1% lực lượng lao động của nhà bán lẻ này.
Những năm trước, cứ nhắc tới giới công nghệ Mỹ là người ta hay nói tới công việc đáng mơ ước rồi tiền lương thì ngất ngưởng. Nhưng bây giờ dường như đội ngũ nhân sự các công ty công nghệ đang có một tương lai khá bấp bênh khi hàng chục nghìn nhân lực trong giới công nghệ Mỹ đã bị sa thải trong một thời gian ngắn.
Chưa kể, rất nhiều lao động trong ngành công nghệ của Mỹ lại không phải là người Mỹ, mà họ là những trí thức người nước ngoài - có thể là từ Ấn Độ, Trung Quốc hay các quốc gia Đông Nam Á. Họ được cấp visa H1-B để làm việc tại Mỹ trong một khoảng thời gian có hạn và buộc họ phải có hợp đồng với nhà tuyển dụng.
Và có tới 45 nghìn người nước ngoài như thế đang làm việc trong các tập đoàn công nghệ của Mỹ. Bây giờ sa thải hàng loạt như thế này, ước tính có hàng trăm người cầm visa H-1B phải lo ngay ngáy vì nếu họ không tìm được việc mới thì sẽ phải quay về nước.
Ví dụ, đội ngũ của Amazon có rất nhiều người nhập cư. Theo Bloomberg thì những người này đang không nhận được sự trợ giúp hay hướng dẫn đầy đủ của các công ty công nghệ đã tuyển dụng họ. Hay Meta - công ty mẹ của Facebook - vòng sa thải vừa rồi đã khiến 350 lao động nhập cư rơi vào cảnh không biết đi đâu về đâu. Rất nhiều người trong số này thậm chí đang trả góp để mua nhà tại Mỹ, hoặc cho con cái đi học.
Với tình trạng các công ty công nghệ gần như đóng băng không tuyển thêm người nữa, thì họ cũng rất khó để tìm được công việc mới, trong khi chỉ sau 60 ngày thôi là visa sẽ hết hạn.
Microsoft tháng trước thông báo sa thải gần 1.000 nhân viên. Ảnh: Bloomberg
Lỗ hổng nhân sự của Twitter
Kể cả với những nhân sự là người Mỹ, không bị thời hạn visa đuổi theo sau lưng, thì giấc mơ công nghệ mà họ theo đuổi hơn chục năm nay cũng đã phải chấm dứt chỉ sau một cái email sa thải. Nhưng ở chiều ngược lại, đuổi việc hàng loạt nhân viên như vậy cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công ty. Điển hình là Twitter.
Đầu tháng vừa rồi, tỷ phú Elon Musk sa thải triệt để tới một nửa bộ máy nhân sự. Còn bây giờ thì lại ra tối hậu thư, dọa cho nhân viên nghỉ luôn nếu không làm việc căng sức hơn nữa. Kết quả là hơn 1.000 người nữa chấp nhận ra đi, thay vì làm việc dưới trướng Elon Musk.
- "Có vẻ như tôi thất nghiệp thật rồi mọi người ạ. Tôi vừa bị đăng xuất khỏi email công việc từ xa. Tôi yêu mọi người rất nhiều. Thật buồn là lại phải kết thúc như thế này".
- "7 năm rưỡi trước, gia nhập đội ngũ Twitter là một quyết định nhanh chóng, dễ dàng. Còn bây giờ thì ngược lại 100%, rời bỏ công việc này là một quyết định quá khó khăn".
Những nhân viên bị sa thải này có người lập trình phần mềm duyệt gần 38 triệu dòng tweet mỗi giờ đồng hồ. Và rất nhiều người là bộ lọc quan trọng cho các nội dung nhạy cảm trên Twitter. Kể từ khi tỷ phú Elon Musk đưa ra tối hậu thư, ước tính, đã có khoảng 1.200 nhân viên Twitter chấp nhận bị sa thải thay vì ở lại tiếp tục cống hiến cho công ty.
Theo tờ Guardian, việc thiếu nhân sự có thể khiến mạng xã hội này gặp khó khăn trong thời gian World Cup 2022 diễn ra vì lưu lượng truy cập sẽ tăng đột biến trong các sự kiện lớn và cơ sở hạ tầng sẽ phải chịu những tác động nhất định.
Thậm chí, một chuyên gia công nghệ từ Colorado, Mỹ còn cho rằng, không cẩn thận thì cách điều hành của Elon Musk sẽ đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của mạng xã hội này. Không phải vì thiếu nhân lực, mà vì sau đây Twitter sẽ không còn như xưa nữa và sẽ kém hấp dẫn với những người dùng cũ.
Làn sóng sa thải đang phủ bóng lên ngành công nghệ. Ảnh: Marketwatch
Giáo sư Casey Fiesler - Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Colorado Boulder nói: "Một mạng xã hội khi thoái trào sẽ chết dần chết mòn chứ không biến mất ngay. Đầu tiên là mọi người sẽ dần rời bỏ nó, cũng giống như một cửa hàng vắng khách và dần dần phải đóng cửa vậy".
Người làm việc trong ngành công nghệ ở Việt Nam có chịu tác động nào từ làn sóng sa thải?
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ FPT, các nhân lực ngành công nghệ tại Việt Nam vẫn được tuyển dụng rất nhiều, thậm chí hiện tại đang thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo và định hướng cho ngành công nghệ nước nhà.
"Vấn đề công nghệ Việt Nam, tôi nghĩ nói đi nói lại rất nhiều lần rồi. Chúng ta cứ thổi nó lên và nghĩ rằng nó quá khó, dẫn đến rất ít người đi học, đâm ra chúng ta thiếu nguồn nhân lực. Bạn hỏi công ty nào cũng thế, thiếu người, bao nhiêu cũng nhận, nhưng không có người học. Vì sao. Thứ nhất là nghĩ việc này vất vả, hai là khó quá. Thế nên thích học những ngành dễ hơn, rồi bây giờ làm shiper cho nhàn. Đấy là vấn đề thật. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải giải thích rõ cho phụ huynh và sinh viên rằng tất nhiên làm công ty công nghệ lập trình có thể phải học vất vả hơn, lương chưa chắc đã hơn đang chạy shiper, nhưng có tương lai hơn rất nhiều. Còn nếu bạn làm những việc đơn giản thì tương lai chỉ dừng lại ở đấy thôi. Nếu đi vào các ngành công nghệ thì chúng ta có thể đi được rất xa, đấy là thông điệp cần phải rõ nhất về ngành nhân lực".
Vậy việc sa thải ồ ạt thế này có phải dấu hiệu các mạng xã hội đã hết thời?
Không. Nếu có thì chỉ là hết thời của phiên bản 1.0 thôi, còn phiên bản 2.0. Các chuyên gia nhận định rằng, việc tinh giản bộ máy của các hãng công nghệ lần này là một cuộc điều chỉnh cần thiết. Hết giãn cách vì COVID-19, chúng ta không còn dành quá nhiều thời gian cho những dịch vụ, sản phẩm trên mạng. Và dòng tiền quảng cáo và đầu tư đổ vào các công ty công nghệ cũng không còn dồi dào như trước nữa nên sa thải để bộ máy bớt cồng kềnh và tốn kém.
Các nhân sự bị sa thải, với tài năng của họ chắc cuối cùng họ cũng sẽ tìm được việc mới. Nhưng quan trọng là trải nghiệm người dùng, sau đây mạng xã hội có ít quảng cáo rác, lừa đảo không, có thanh lọc được những thông tin độc hại không, dữ liệu cá nhân của họ có được bảo vệ không? Đây cũng sẽ là những mục tiêu mà các mạng xã hội này nhắm tới xây dựng.