Dưới đây là câu chuyện của Gretchen Bossio, một bà mẹ Mỹ 4 con với công việc viết blog, viết báo ở nhà và chăm sóc con toàn thời gian. Hãy cùng đọc và xem lý do vì sao nếu lần tới con bạn mè nheo làm nũng, bạn lại nên làm theo cách của bà mẹ này nhé!

cach-xu-ly-1

Bà mẹ Gretchen Bossio bên chồng và các con.

"Tôi đang ở trong bếp xếp bát đĩa vào máy rửa bát, lần thứ hai trong ngày hôm nay. Đứa út nhà tôi đang chen vào khoảng giữa chiếc máy và chân tôi, đẩy, mè nheo và bắt đầu khóc nhè. Mới một tuổi nên thằng bé chưa nói được gì nhiều, nhưng với những tiếng rên rỉ sụt sịt, tôi đã đánh hơi thấy một cơn mè nheo đầy nước mắt và không thể xoa dịu được.

Trong lúc đó, cậu anh 3 tuổi cũng đang vắt vẻo trên bàn bếp. Cậu chàng đòi ăn một thanh ngũ cốc và xem một bộ phim mặc dù chúng tôi vừa ăn trưa xong và cậu biết thừa rằng không được xem gì hết cho đến khi ngủ trưa dậy. Cậu bắt đầu nheo mắt cố nặn ra những giọt nước mắt… và tôi thì bắt đầu sôi máu lên. Tôi chỉ cần một vài phút thôi. Tôi chỉ cần chúng hợp tác một tí để có thể hoàn thành nhanh nhiệm vụ này và quay trở lại hoàn toàn chú tâm vào chúng.

cach-xu-ly-2

"Những giọt nước mắt này là những lời chúng muốn nói, là một cách đặc biệt mà các con dùng để giao tiếp với tôi".

Nhưng những giọt nước mắt thì bắt đầu tăng tốc, cả về số lượng lẫn âm lượng. Không ai vui vẻ cả.

Tình huống kiểu này từng khiến tôi vô cùng khó chịu và bực bội. Kiểu như thôi nào các cu cậu, các con đang chuẩn bị khiến mẹ òa khóc luôn đây nếu cứ tiếp tục thế này! Tôi chỉ muốn bỏ chạy. Đến nơi nào yên tĩnh. Đến với những người dùng từ ngữ để giải thích cảm xúc của họ để tôi có thể giúp đỡ, để tất cả mọi người đều vui vẻ. Nhưng đó không phải là những đứa trẻ này.

Cuối cùng, mặc dù thiếu ngủ và suy nghĩ không được mạch lạc cho lắm, tôi đã nhận ra rằng giọt nước mắt của các con không phải là do buồn thật hay thậm chí cũng không phải là một mánh khóe. Những giọt nước mắt này là những lời chúng muốn nói, là một cách đặc biệt mà các con dùng để giao tiếp với tôi.

Những cậu con trai của tôi khóc hay mè nheo không phải để có được sự chú ý, cũng không phải là vì bị đau ở đâu. Các con khóc như một tiếng gọi từ trái tim chúng. Những giọt nước mắt của các con đang nói rằng: "Mẹ ơi, con cần mẹ!! Mẹ ơi, bát đĩa không quan trọng đâu. Mẹ ơi, hãy để chúng ta là một một lần nữa, như khi con còn ở trong bụng mẹ ấy. Ôm con thật chặt. Dừng tất cả mọi thứ lại. Hãy để chỉ có mẹ và con mà thôi".

cach-xu-ly-3

Những giọt nước mắt giờ là những từ ngữ của các con. Chúng không có đủ vốn từ để diễn đạt cảm xúc của mình – nỗi buồn, sự thất vọng, sự tức giận – vì thế nên nước mắt là câu trả lời.

Giữa tất cả những thứ đó thì tôi đang dạy các con, và cả bản thân mình nữa, cách làm thế nào để xử lý những tình huống này tốt hơn. Chúng tôi đang luyện tập những từ ngữ thể hiện cảm xúc. Chúng tôi đang rèn luyện tính kiên nhẫn khi mẹ đang bận công việc. Và trên hết, tôi đang rèn luyện cho bản thân cách dừng lại và lắng nghe khi con khóc. Những giọt nước mắt này đang nói gì?

Nếu cái ôm của tôi hay năm phút ngồi cùng con trên chiếc ghế bập bênh có thể giúp cho những khó chịu của con, tôi sẽ dừng lại. Quan tâm đến tâm tư của con là điều quan trọng nhất. Khi tôi thể hiện sự thông cảm và thấu hiểu, các con sẽ thấy được điều đó, cảm nhận được nó. Sau đó, tôi hy vọng rằng chúng sẽ biết quan tâm đến những người khác theo cách tương tự khi lớn lên.

Vì thế, các mẹ ạ, hãy chọn cách lắng nghe. Xoa dịu và âu yếm con. Vỗ về và đảm bảo với con rằng những giọt nước mắt của chúng sẽ luôn được chào đón trong thế giới của bạn. Nếu chúng ta để các con khóc lúc được 2 tháng tuổi, 6 tháng, 1 tuổi hay 3 tuổi thì hy vọng rằng chúng vẫn sẽ luôn muốn tìm đến với chúng ta, dùng những giọt nước mắt như những lời muốn nói, dù khi chúng đã 10, 13 tuổi hay cả mãi về sau nữa".

Nguồn: Mom