Những ngày gần đây, một tài khoản thu hút nhiều người dùng mạng theo dõi đã đăng tải status kêu gọi "F0 rửa mũi bằng nước muối pha đậm để phá hủy tế bào niêm mạc mũi nơi mà virus đang sinh sôi".
Phá niêm mạc mũi để diệt chỗ sinh sản của virus SARS-CoV-2?
Ngay sau đó, những tranh cãi đã xảy ra. Nhiều người trong giới y khoa cho rằng cách trên không giải quyết được gì, phản khoa học, thậm chí còn gây hại thêm cho mũi.
Đáp trả các phản bác, tài khoản trên tiếp tục đăng tải thêm một bài viết khác.
Theo phân tích từ bài viết này, tác giả cho rằng dùng nước muối ưu trương (nước muối pha đậm) áp dụng cho F0 và F1 nguy cơ cao, chấp nhận phá hư niêm mạc khoang mũi để tiêu diệt "virus nằm vùng".
Tác giả này khẳng định cách làm này sẽ "diệt được chỗ sinh sản" của virus SARS-CoV-2.
Bài viết phản hồi được nhiều người chia sẻ rầm rộ và coi như là "bí quyết" để cứu mình nếu chẳng may đã xác định dương tính thay vì chờ bệnh nặng hơn. Nhất là khi người đăng cũng là một bác sĩ.
Sai lầm "chết người"
Chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia về tai mũi họng để tìm ra sự thật cho phương pháp "chống COVID-19" nói trên.
ThS.BS CKII Trương Mỹ Thục Uyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM chia sẻ, niêm mạc mũi có vai trò làm ấm, làm ẩm không khí hít vào, bề mặt có lông chuyển và dịch tiết giúp làm sạch các chất bám trên đó.
Về cơ chế xâm nhập của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, bác sĩ Uyên cho biết sau khi con người tiếp xúc virus thông qua dịch tiết hay giọt bắn, virus sẽ làm tổn thương tế bào lông chuyển và tế bào tiết dịch để vào sâu bên dưới niêm mạc, từ đó gây ra các triệu chứng vùng mũi.
Chúng sẽ tiếp tục theo dịch tiết xuống vùng họng và hệ hô hấp dưới và gây ra bệnh. Tại đây virus sẽ gắn các thụ thể protein vào tế bào hô hấp của con người và sinh sản.
Rửa mũi là 1 cách để loại bỏ phần nào virus mới bám vào bề mặt niêm mạc mũi, cũng tương tự như chúng ta rửa tay bằng xà phòng.
Theo bác sĩ Uyên, đến nay nước muối sinh lý (0,9%) vẫn là an toàn nhất vì nó có nồng độ phù hợp với niêm mạc mũi và giúp loại bỏ 1 phần virus tại vùng mũi họng.
"Nước muối ưu trương (có thể hiểu nôm na "đậm" hơn) là dung dịch nước muối được pha với nồng độ cao hơn (thường từ 1,3-3%) được sử dụng trong điều trị viêm mũi xoang.
Ngoài tác dụng rửa mũi, với áp suất thẩm thấu cao, nước muối ưu trương sẽ hút nước từ trong tế bào ra ngoài làm giảm phù nề mũi, nghẹt mũi, khôi phục chức năng cho niêm mạc mũi đang bị viêm nhiễm.
Điều này có nghĩa là làm cho mũi đang có bệnh khỏe hơn chứ hoàn toàn không làm phá hủy niêm mạc mũi hay diệt virus.
"Nước muối đậm" tự pha không đúng tiêu chuẩn với mục đích phá hủy niêm mạc mũi nhằm diệt virus là hoàn toàn chưa có căn cứ" - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khẳng định.
Cũng theo bác sĩ Uyên, bản thân niêm mạc mũi là 1 hàng rào bảo vệ với hệ thống lông chuyển và chất nhầy sẽ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại.
Khi bệnh nhân hít phải, virus corona gây bệnh COVID-19 sẽ bám chủ yếu ở niêm mạc mũi và vùng vòm trên bề mặt niêm mạc thông qua những thụ thể đặc biệt, xuyên vào trong tế bào, từ đó nhân lên và phát tán.
Việc phá hủy niêm mạc mũi không những tạo điều kiện cho virus corona dễ dàng xâm nhập hơn mà còn tạo thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật gây hại khác.
Do đó, bác sĩ khẳng định: Việc phá hủy niêm mạc mũi để ngăn ngừa bệnh COVID-19 là hoàn toàn sai.
Ngược lại để ngăn ngừa sự bám dính và phát triển của virus, chúng ta cần bảo vệ và làm sạch niêm mạc mũi, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh.
"Việc phá hủy niêm mạc mũi không có tác dụng, ngược lại sẽ gây ra bệnh lý viêm mũi xoang, thậm chí có thể gây biến chứng nặng hơn như viêm mô tế bào vùng mặt, viêm hốc mắt, viêm tai giữa... làm nặng nề hơn tình trạng bệnh COVID-19. Trong khi cơ thể chúng ta đang cần nhất là sức khỏe, sức đề kháng tốt.
Hơn nữa việc rửa mũi bằng nước muối đậm tự pha có thể gây tổn thương viêm da chóp mũi và gây cảm giác rất khó chịu khi rửa.
Do đó, chúng ta chỉ nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý (0,9%) hàng ngày để phòng ngừa hoặc ngay khi có tiếp xúc với nguy cơ gây nhiễm virus SARS-CoV-2" - bác sĩ Uyên hướng dẫn.