Tin đồn tắm nước nóng giúp tiêu diệt mầm bệnh Covid-19 lan tràn mạng xã hội
Dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp mỗi ngày tại nước ta. Việc tìm kiếm phương pháp dự phòng, những cách chữa bệnh Covid-19 hiện cũng lan tràn trên mạng, không có kiểm chứng. Trong đó, tắm nước nóng để tiêu diệt virus là một trong những tin đồn đang gây sốt trở lại trong thời gian gần đây.
Theo đó, nhiều người đang kháo tai nhau trên những trang chia sẻ F0 tự điều trị tại nhà như tắm nước nóng trên 41 độ C để diệt trừ virus gây bệnh Covid-19. Chưa dừng lại ở trong nhóm kín, những bài đăng chia sẻ cách chữa Covid-19 đơn giản ngay tại nhà này cũng xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo thông tin đang được đồn thổi này thì có một vị tiến sĩ là Tiến sĩ Chong chỉ ra rằng, các nghiên cứu ở Nhật Bản, Israel và Phần Lan đều cho thấy tắm nước nóng mỗi ngày để tăng thân nhiệt vừa đủ. Điều này vừa tạo ra một môi trường cơ thể không thuận lợi cho coronavirus phát triển. Dòng tin đồn cũng nhấn mạnh thêm "nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu bạn tắm nước nóng từ 4 tuần trở lên mỗi tuần thì tỷ lệ nhiễm virus của bạn có thể giảm tới 60%". Cuối cùng là khuyên mọi người hãy tắm nước nóng mỗi ngày, 41 độ C và 5 phút là đủ.
Tắm nước nóng trong thực tế ghi nhận nhiều lợi ích sức khỏe như thư giãn đầu óc, giảm stress, ngủ ngon, tăng tuần hoàn máu, giảm chứng đau đầu… Tuy nhiên, tắm nước nóng có thực sự giúp giảm khả năng lây nhiễm, tiêu diệt virus SARS-CoV-2 như chia sẻ nói trên không? Liệu có thực là nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này hay không? Và lợi ích của việc tắm nước nóng trong mùa dịch bệnh cần phải hiểu sao cho đúng?
Tắm nước nóng tốt cho sức khỏe nhưng không có chuyện diệt được virus gây bệnh Covid-19!
Đó là khẳng định của BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM). Theo BS Trương Hữu Khanh, tắm nước nóng sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, lo âu, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì điều này càng cần thiết. Trước khi đi ngủ 1-2 giờ mà tắm nước nóng thì sẽ giúp cải thiện giấc ngủ cực tốt. Tắm nước nóng cũng giúp làm dịu các khớp cứng, giảm đau mỏi cơ… Nói chung tắm nước nóng rất tốt cho sức khỏe, vào mùa hè vẫn nên áp dụng.
"Tuy nhiên, không có chuyện tắm nước nóng sẽ giúp tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Đây chỉ là tin đồn đoán không có căn cứ khoa học. Nhiều người có niềm tin dùng nước ấm 41 độ C để diệt trừ virus hay giảm tải lượng virus trong cơ thể là sai lầm. Đáng nói hơn cả, nếu ai có suy nghĩ dội nước nóng hơn thế, nóng đến độ bỏng tay… thì càng sai lầm. Virus nằm ở bên trong cơ thể, ở hầu họng… chứ có phải bên ngoài làn da đâu mà hi vọng dội nước nóng để tiêu diệt nó? Đây hoàn toàn là những suy nghĩ cực sai lầm của nhiều người", BS Trương Hữu Khanh nhận định.
Chuyên gia khuyên, người dân cứ tắm nước ấm để tăng cường sức khỏe, bảo vệ cơ thể tốt nhất nhưng tuyệt đối không được có suy nghĩ tắm nước càng nóng càng tốt để giết chết virus. Lúc này nguy cơ bị bỏng da là điều khó tránh khỏi. Chưa kể, hành động này hoàn toàn không có tác dụng gì trong diệt trừ virus.
Còn chuyện tin đồn này là lời dẫn từ báo cáo khoa học được đăng tải trên những trang báo chính thống của Nhật Bản, Israel hay Phần Lan…, BS Khanh nhận định, ông chưa thấy bất cứ một thông tin khẳng định nào như vậy cả. WHO và Bộ Y tế cũng không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào rằng hãy tiêu diệt Covid-19 bằng cách tắm nước nóng. Người dân không nên lấy đó làm căn cứ cho những hi vọng hão huyền về việc tắm nước nóng trong mùa dịch bệnh.
"Tắm nước nóng để diệt virus corona" là một trong những câu chuyện hoang đường được chia sẻ rộng rãi từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Nó khiến nhiều người hiểu lầm đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đăng thông tin chính thức trên website rằng: Virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền ở tất cả các vùng, kể cả khu vực có thời tiết nóng ẩm và không có lý do gì để tin rằng thời tiết lạnh giá có thể giết chết chúng. Hơn nữa, tắm nước nóng và sử dụng máy sấy tay hoặc đèn tia cực tím (UV) thay vì xà phòng và nước cũng không bảo vệ bạn khỏi virus SARS-CoV-2 hay là bệnh COVID-19.
Cuối cùng, BS Khanh đưa ra lời khuyên, bất cứ ai cũng không nên tin vào lời đồn thổi, cách chữa bệnh Covid-19 trên mạng chưa được kiểm chứng. Trong nhiều trường hợp có thể rơi vào cảnh tiền mất tật mang vô cùng đáng tiếc. Dù bạn là F0, đang điều trị tại nhà hay người dân khỏe mạnh muốn chữa bệnh, phòng tránh bệnh cũng cần sự giúp đỡ của bác sĩ, không được tự ý dùng cách này cách kia để chữa bệnh Covid-19.