Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) từ lâu đã quá nổi tiếng với du khách gần xa khi được mệnh danh là thủ phủ hoa ở miền Tây. Với diện tích trồng hoa gần 600 ha, nơi đây dường như lúc nào cũng thơm ngát mùi hoa và rực rỡ sắc màu cuộc sống.
Chi bạc tỷ xây đài ngắm hoa
Chưa bước vào làng hoa, du khách đã thấy những cổng chào lớn được trang trí bắt mắt như mời gọi mọi người hãy ghé thăm vùng đất miền Tây hữu tình thơ mộng.
Trên con đường rộng trải dài, nhiều người nông dân tất bật đẩy xe, chiết hoa vào từng chậu để mang đi giao.
Bên cạnh, những chiếc xe điện màu xanh được chính quyền địa phương bố trí liên tục luân chuyển phục vụ nhu cầu đi lại thăm quan của mọi người.
Nhịp sống tất bật ở làng hoa Sa Đéc.
Đảo một lượt trên con đường màu hoa hoà với màu nắng óng ánh, dễ dàng nhận thấy nhiều loại hoa quen thuộc như cúc, hồng, vạn thọ hay hoa mào gà, hoa giấy…
Nhưng ở vườn cây kiểng tên có một chữ là Thiện mà tôi vô tình bước vào, loài hoa nào khi được xướng danh cũng làm lữ khách ngạc nhiên.
"Hoa màu đỏ này là xác pháo, hoa màu vàng là duyên cúc. Còn có tường vy, diễm châu và yến thảo nữa"– chị Thuý (43 tuổi, tên đã thay đổi) vợ chủ vườn giải thích cho khách trong khi tay vẫn thoăn thoắt buộc dây cho từng chậu hoa xác pháo.
Đủ loại hoa khoe sắc.
Hơn 20 năm lấy chồng rồi về nhà chồng nối nghiệp làm hoa, người phụ nữ yêu cái nghề mang lại hương sắc cho đời lúc nào không hay, dù thu nhập không khá khẩm là bao.
Những ngày cận Tết, hoa xác pháo tại vườn được một số bạn hàng đặt để bán.
"Loài này khi trồng thì mình ươm hạt. Để lớn và bung hoa như vầy cần 3 tháng. Mỗi chậu chiết ra bán 15 ngàn đồng"– tiếng của chị chủ vườn làm khách ngạc nhiên.
Hỏi bán vậy sao có lời, chị Thuý mỉm cười chia sẻ mỗi chậu lời một ít, bán nhờ số nhiều cũng có dư. Thấy khách vui vẻ ngắm hoa đẹp thì cũng vui lây.
Tuy nhiên theo nhiều chủ vườn, năm nay hoa bán chậm hơn mọi năm, khách cũng không quá nhộn nhịp, dù các tiểu cảnh đã được bày trí công phu.
Chị Tuyền (40 tuổi) đã có hơn 10 năm bán hoa kiểng. Chị cho biết mọi năm đến gần tháng Chạp là khách bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng năm nay chỉ lác đác vài bạn hàng đến mua sỉ mà số lượng cũng hạn chế.
Năm nay theo nhiều người bán hoa, sức mua giảm so với những năm trước.
"Năm ngoái mình không đủ hoa phải nhập cả hoa từ Đà Lạt về. Năm nay như anh thấy đó, hoa vẫn còn chất đống. Người đi du lịch đến cũng ít, mà họ chủ yếu là tham quan"– chị nói.
Nhưng dù tình hình kinh tế như thế nào, người Sa Đéc vẫn sống với tâm thế thoải mái và yêu cái đẹp trước đã.
Kể từ khi làng hoa Sa Nhiên – Cai Dao được đưa vào hoạt động, khách đến ghé thăm như được thấy một hình ảnh làng hoa mới lạ, chuyên nghiệp với nhiều tiểu cảnh được được bày trí bắt mắt từ chính những người dân miền Tây chân lấm tay bùn.
Cả làng hoa thu bé lại khi quan sát bằng ống nhòm trên cao.
"Chịu chơi" nhất có lẽ là ông Trần Hữu Tài (ngụ phường Tân Quy Đông) khi chi gần 1 tỉ đồng xây dựng đài ngắm hoa cao 18m đầu tiên ở làng hoa Sa Đéc.
Đứng từ trên cao, du khách có thể ngắm vẻ đẹp của làng hoa với cầu như ý, các loại hoa và cây kiểng trong bán kính 20km.
Hoặc nếu muốn thử cảm giác "cả thế giới thu bé lại" trong tầm mắt, bạn hãy thử sử dụng ống nhòm được bố trí sẵn ở tầng lửng của đài. Đó sẽ là một trải nghiệm rất thú vị tại nơi mà nhiều người còn vui vẻ gọi bằng cái tên ấn tượng "xứ hoa Đà Lạt ở miền Tây".
Nỗi lòng ngày cuối năm
Hỏi người trồng hoa nổi tiếng nhất làng hoa Sa Đéc, không ai không biết chú Hai Cao, tức ông Cao Văn Hai (63 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông). Gia đình chú đã có 4 đời trồng hoa.
Dịp Tết năm ngoái, chú Hai đã bỏ ra 200 triệu đồng biến cánh đồng hoa rộng hơn 5 ha của mình như trở thành một thiên đường sinh thái, có cổng chào, hai cây cầu bắt ngang qua và dĩ nhiên không thể thiếu hàng trăm loại hoa rực rỡ sắc màu.
Cánh đồng hoa của chú Hai Cao.
Bù lại, khách muốn vào tham quan dịp Tết phải mua vé nhưng với chi phí rất "hạt dẻ".
Tôi đi vào sâu bên trong cánh đồng, thấy chú Hai Cau đang đứng tần ngần rất lâu trước giàn bầu hồ lô quá đẹp kéo dài từ gần cổng vào đến chiếc cầu cảnh.
"Đẹp không cháu. Ở đây người ta trồng hoa, cây kiểng là chủ yếu, Kiếm một giàn bầu hồ lô như vầy đâu phải dễ. Bên kia còn có giàn chanh dây nữa kìa, trồng trễ mà nắng quá nên chưa rộ. Tới Tết nó ra trái xum xuê cho coi"– chú Cau say sưa nói.
Hoa vẫn khoa sắc hương nhưng người nông dân đượm buồn vì kinh doanh không tốt.
Khi hỏi về tình hình kinh tế bán buôn năm nay, gương mặt lão nông chùng xuống hẳn. Chú nói mọi năm giờ này là khách đã vào lựa hoa đông như hội. Bây giờ thấy loe ngoe người vào xem nhanh rồi ra vội mà buồn.
"Tôi nghĩ một phần cũng vì nhà nước thu phí vào đường hoa từ Tết năm ngoái, cấm xe lớn đi vào rồi bán vé đi tham quan trọn đường hoa. Người ta mua vé rồi xe sẽ dẫn đi tham quan mỗi chỗ một chút theo lộ trình rồi lên xe đi ngay chứ không có thời gian ngắm rồi chọn mua hoa như trước đây.
Đã tốn tiền rồi thì cũng ngại phải phát sinh chi phí nữa. Như mình thì mình cũng vậy, vào một chút mất cả trăm ngàn thì ai không xót"– chú Cao tâm sự.
Những ngày bán buôn không được, chú Hai Cao lấy niềm vui ngắm những tác phẩm do mình tạo ra làm vui và mong mỏi gần Tết sẽ có sự thay đổi.
Dường như thấu hiểu nỗi lòng của nhiều nông dân tại làng hoa, đầu tháng 1/2020 chính quyền địa phương đã tạm dừng thu phí để du khách tự do ra vào đến hết Tết Canh Tý.
Ngay khi quyết định này có hiệu lực, du khách để đến làng hoa đông đúc trở lại. Khi việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc, làng hoa Sa Đéc giống như được chim én về báo mùa xuân, sẵn sàng chờ khai hội cho một năm mới đầy sức sống.