Màu tím có rất nhiều trong thiên nhiên, như màu trời mây, màu hoa, màu quả… Song trong kiến trúc và nội thất, màu tím rất ít được sử dụng, màu tím được coi là màu hiếm.
Một trong những lý do là các vật liệu xây dựng chủ đạo hầu như không có màu tím như gạch, gỗ, tre - nứa, đất, đá, hay cây xanh. Lý do khác là màu tím không có tác dụng thị giác, tâm sinh lý tích cực. Màu tím dễ mang sắc thái u tối, lạnh lẽo, buồn bã.
So với các màu khác, thì màu tím là màu khó dùng, khó đẹp trong hình ảnh kiến trúc và các không gian nội thất. Màu tím là kết hợp của màu đỏ và màu xanh lam, cả hai màu gốc này đều có sắc độ đậm.
Màu tím có thể biến thiên từ đỏ cơ bản đến màu xanh lam. Ở dải màu tiệm cận màu đỏ, màu tím là tím hồng; còn gần màu xanh lam cho sắc tím biếc.
Tuy ít được sử dụng, nhưng vẫn có nhiều người thích màu tím bởi sự lãng mạn, nữ tính, mềm mại. Và trong nhiều không gian nội thất vẫn có sự hiện diện của màu tím.
Do đặc điểm nữ tính, mềm mại và lãng mạn, màu tím thường được sử dụng ở những không gian có phong cách cổ điển
Ở một quan niệm xưa, màu tím còn có ý nghĩa thủy chung, nên dễ được ưu ái lựa chọn cho không gian phòng ngủ.
Về mặt ngũ hành, màu tím là sự kết hợp của màu đỏ (nóng – hành hoả) và màu xanh lam (lạnh, hành thuỷ); nên có thể coi màu tím là màu quân bình nếu sắc tố tím nằm trung bình giữa hai màu đỏ - xanh. Màu tím có thể có sắc độ tím đậm hoặc tím nhạt.
Ở ngoại thất, rất ít khi công trình có màu tím; nhưng trong nội thất, màu tím vẫn có thể hiện diện dễ dàng bởi màu sơn, màu vải, màu màu của các vật liệu hiện đại như nhựa, kính, hay chính là màu tím của đèn chiếu sáng.
Màu tím có thể được sử dụng như điểm nhấn điểm xuyết, cũng có thể sử dụng trong mảng lớn. Nhưng nếu sử dụng mảng lớn không nên dùng sắc độ đậm, dễ gây cảm giác u tối, buồn bã. Màu tím cần được kết hợp với những màu sáng như trắng, vàng nhạt để tạo nên sự cân bằng.