Sản lượng mộc nhĩ khô của huyện Trung Dương, tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc, năm nay đạt 2,4 triệu kg, đem lại nguồn thu 150 triệu nhân dân tệ (21,16 triệu USD), tạo thu nhập trung bình hơn 4.500 tệ (630 USD) cho hơn 8.000 lao động, trong đó gần một nửa từng là người nghèo.

Nghề trồng mộc nhĩ ở Trung Dương. ((Video: Xinhua)

Trung Dương từng là huyện nghèo cấp quốc gia của Trung Quốc, nằm ở khu vực miền núi. Liu Wei, trưởng phòng nông nghiệp nông thôn huyện, cho biết đặc thù của địa phương là rừng che phủ 49%, khí hậu phù hợp trồng nấm ăn, trong đó có mộc nhĩ. Huyện bắt đầu thử nghiệm trồng mộc nhĩ từ năm 2018.

"Giá mộc nhĩ khô năm nay lên tới 50 tệ/kg (7 USD)" , Guo Baoping, người dân thị trấn Noãn Tuyền, huyện Trung Dương, cho hay.

Làng mộc nhĩ ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Nông dân Trung Dương thu hoạch mộc nhĩ. (Ảnh: Xinhua)

Ông vui mừng vì đã lựa chọn đúng khi trồng mộc nhĩ những năm qua. Guo là một trong số những người đầu tiên trong làng trồng mộc nhĩ. Năm 2018, huyện cử 30 hộ trong đó có Guo, bí thư làng, tới đông bắc Trung Quốc học kỹ thuật trồng mộc nhĩ.

Do thiếu kinh nghiệm, họ không cải thiện được thu nhập từ trồng mộc nhĩ, thậm chí một số người bỏ cuộc.

"Chính quyền huyện đã mời kỹ thuật viên từ Đại học Nông nghiệp Sơn Tây đến hướng dẫn chúng tôi trồng mộc nhĩ", Guo nói.

Nhờ cải thiện kỹ thuật, Guo nâng cao sản lượng mộc nhĩ. Từ thành công của ông, hơn 10 hộ trong làng bắt đầu trồng mộc nhĩ từ năm 2020. Huyện Trung Dương đã thành lập văn phòng phát triển nghề trồng mộc nhĩ và ban hành loạt chính sách hỗ trợ.

"Trong hai năm đầu tiên, chúng tôi hỗ trợ 20.000 tệ (2.800 USD) cho người xây nhà giàn trồng mộc nhĩ và 3.000 tệ (420 USD) cho mỗi mẫu mộc nhĩ trồng trên đất" , Li Hairong, phó giám đốc trung tâm phát triển nông nghiệp dịch vụ hiện đại của huyện, nói.

Làng mộc nhĩ ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Nhà nuôi trồng áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động ở Trung Dương hồi tháng 8. (Ảnh: Xinhua)

Huyện cũng cho hộ trồng mộc nhĩ vay ưu đãi và trả nợ sau khi thu hoạch, đồng thời triển khai các gói bảo bảo hiểm cho người trồng. Năm nay, 99% số nấm trong huyện đều được bảo hiểm.

Trước đây, huyện phải nhập giống, phôi nấm và kỹ thuật từ nơi khác nhưng sau một thời gian, đã củng cố, bổ sung và mở rộng trồng mộc nhĩ theo quy mô công nghiệp, thành công trong việc cấy giống, phân loại, đóng gói và chế biến mộc nhĩ cùng tái chế bã phôi nấm.

Công ty sinh học Shanxi Tengyu là nhà sản xuất bịch phôi nấm đầu tiên trong huyện, bắt đầu từ năm 2020. Công ty hiện sản xuất 20 triệu bịch mỗi năm, thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển mộc nhĩ hợp tác với các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và Đại học Nông nghiệp Sơn Tây, đồng thời thu thập các loại nấm tự nhiên để nhân giống.

Một khu công nghiệp bao gồm nghiên cứu phát triển, sản xuất bịch phôi, trồng trọt, thu hái, phân phối, tham quan, đào tạo kỹ thuật và tái chế đang hình thành trong huyện sau ba năm.

Làng mộc nhĩ ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Mộc nhĩ trong các nhà giàn ở Trung Dương. (Ảnh: Xinhua)

Năm nay, huyện Trung Dương sẽ dành 240 triệu nhân dân tệ (33,6 triệu USD) để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp mộc nhĩ, với mục tiêu đưa huyện trở thành một trong những địa phương sản xuất mộc nhĩ hàng đầu Trung Quốc.

Huyện đã công bố kế hoạch hành động ba năm thúc đẩy phát triển mộc nhĩ chất lượng cao, ưu tiên xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh phân phối.

Hồi tháng 8, Hiệp hội Nấm ăn Trung Quốc đã tổ chức hội nghị phát triển mộc nhĩ toàn quốc ở Trung Dương. Trong Lễ hội văn hóa mộc nhĩ Trung Dương, huyện ký kết hợp đồng mua bán trị giá 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD).

"Chúng tôi đặt mục tiêu biến mộc nhĩ Trung Dương trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn quốc", Vương Phong, bí thư huyện Trung Dương, nói.

 (Nguồn: People's Daily)