Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, việc bày sổ đỏ ra vỉa hè bán là chưa có tiền lệ. Điều này không vi phạm gì nhưng cũng cần phải xem có thật sổ đỏ đất đai hay không.

Ông Minh cho biết, tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng gặp phải khó khăn chung của thị trường như vốn tín dụng, thanh khoản kém nhưng không đến mức phải bày bán ra vỉa hè. Việc mang sổ đỏ ra vỉa hè bán có thể do dân đầu cơ đất đai gặp khó khăn nên bán tháo.

Lãnh đạo Bình Thuận lên tiếng vụ giám đốc bày bán hơn 100 sổ đỏ trên vỉa hè - Ảnh 1.

Việc bày bán sổ đỏ ra vỉa hè xôn xao thị trường bất động sản.

Như Tiền Phong phản ánh, ông Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại Bình Thuận bày bán đất có sổ đỏ trên vỉa hè.

"Trước tôi lên mạng xã hội bán, nay tôi chạy xe dọc các tỉnh miền Đông Nam bộ, chỗ nào đông người qua lại, tôi dừng rồi ngồi trên vỉa hè bày bán đất. Hiện, tôi đang cầm hơn 100 sổ đỏ cả của gia đình, họ hàng và người dân trong vùng ký gửi. Ngoài ra cũng có hàng trăm lô chưa có sổ" - ông Trí nói.

Vị này cũng cho biết, tại Bình Thuận với nhiều loại hình như đất thổ cư, đất vườn, đất ruộng. Theo đó, lô đất vườn 1.000m2 tại Bình Thuận chỉ có giá 125 triệu đồng. Những lô đất này do người dân trong vùng gửi bán. Giá giảm hơn 40% so với đầu năm.

Ngày 3/11, trả lời chất vất trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận một loạt tồn tại về thị trường bất động sản. Việc xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương còn khó khăn, khiến nguồn cung sụt giảm. Vì vậy, số nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người lao động còn thiếu; nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu.

Đặc biệt, nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình theo Bộ trưởng Xây dựng "còn thiếu trầm trọng".

Giá bất động sản cao hơn nhiều thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn cũng chưa có. Quý III, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận bất động sản.