Gặp họa vì "cứu vãn trinh tiết"
Khi tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình, chuẩn bị đến ngày làm cô dâu, chị Hoàng Hà (Long Biên, Hà Nội) mới giật mình nhìn về quá khứ. Cảm giác tội lỗi vì trước đây chị đã từng yêu và trao trọn đời con gái cho người yêu cũ thì ít mà lo lắng vì màng trinh đã mất thì nhiều. Mang tâm sự chia sẻ với một người bạn thân, chị được bạn bày cho cách “cứu vãn trinh tiết” để "lòe" chồng.
Đến một trung tâm thẩm mỹ để vá lại màng trinh, chị hy vọng sẽ xóa hết dấu tích của cuộc tình lẫm lỡ. Tuy nhiên, hàng tuần sau phẫu thuật vết thương "vùng kín" vẫn không lành hẳn. Kèm theo đó, chị Hà thấy bụng chướng lên, mệt mỏi liên tục. Chị đi khám thì được bác sĩ kết luận màng trinh lại bị khâu quá kín khiến kinh nguyệt hàng tháng không thể thoát ra gây nhiễm trùng, dẫn đến chướng và đau bụng.
Không phải chỉ có những cô gái chưa chồng “không may” mất trinh tiết mới tìm cách cứu vãn, nhiều chị em đã có chồng, có con cũng muốn thử cách này để “thay đổi không khí”, làm mới “chuyện vợ chồng”.
Điển hình là trường hợp chị Bích Ngọc (ở Tây Hồ, Hà Nội). Chị nghe nói thủ thuật vá màng trinh rất an toàn, không mất nhiều thời gian và không gây đau đớn gì nhiều nên quyết thử một phen đi "tân trang" "cô bé" làm món quà bất ngờ, tặng chồng cảm giác trở lại "thuở ban đầu".
Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi phẫu thuật, màng trinh mới không liền lại được gây nhiễm trùng, viêm vùng kín rất nặng. Vậy là chưa kịp "hưởng", chồng chị đã phải vội vàng đưa vợ nhập viện.
Hầu hết chị em tìm cách vá màng trinh cũng chỉ vì... chuyện phòng the. Ảnh Internet
Hầu hết chị em tìm cách vá màng trinh cũng chỉ vì... chuyện phòng the. Ảnh Internet
Có nên đi "vá cái ngàn vàng"?
Vá màng trinh được coi là thủ thuật nhẹ nhàng, đơn giản và hầu như không gây nhiều biến chứng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều phụ nữ lãnh hậu quả từ việc “khâu vá” này.
Như trường hợp của chị Ngọc, nhiều ngày sau phẫu thuật, màng trinh không liền lại được, thậm chí còn gây chảy máu. Bác sĩ điều trị cho biết nguyên nhân có thể là do việc cắt xén không chuẩn khiến vết thương ăn rộng, bị nhiễm trùng sau mổ. Hay như trường hợp chị Hoàng Hà, trong quá trình khâu vá bác sĩ vô tình đã quá tay và bịt kín "cửa ra vào" khiến kinh nguyệt không thoát ra được gây tắc kinh.
Ngoài chị Ngọc, chị Hà là những bệnh nhân gặp phải biến chứng nhiễm trùng “vùng kín” sau khi vá màng trinh. Nhưng ngoài ra còn nhiều chị em phải chịu biến chứng khác như thủng trực tràng, rò trực tràng âm đạo, nhiễm trùng, viêm nhiễm… sau khi thực hiện thủ thật này. Thậm chí, sau khi làm lại "cái ngàn vàng", nhiều chị em nhận thấy việc giao ban còn trở nên khó khăn và đau đớn hơn.
Bác sĩ chuyên khoa sản Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết: Vá màng trinh thực chất là thủ thuật rất đơn giản và là nhu cầu “làm đẹp chỗ ấy” mà ai cũng có thể thực hiện kể cả những người đã có chồng, và sinh con.
Tuy nhiên, đối tượng vá màng trinh nhiều nhất vẫn là những cô gái trẻ chưa chồng, và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: bị xâm hại tình dục, lỡ quan hệ trước hôn nhân, bị tai nạn…
Dù chỉ là thủ thuật nhỏ thì vá màng trinh vẫn gặp có thể gặp các tai biến như mọi phẫu thuật khác là viêm, nhiễm trùng sau mổ, chảy máu… Ngoài ra, vá màng trinh còn có thể gặp biến chứng như màng trinh bị bít kín, thủng trực tràng…
Nguyên nhân dẫn đến những biến chứng thường là do tay nghề của bác sĩ không tốt, trong quá trình phẫu thuật khâu kín luôn cả màng trinh hoặc khâu nhầm trực tràng. Một nguyên nhân khác có thể do bản thân bệnh nhân không biết chăm sóc, vệ sinh sau mổ không đúng hướng dẫn khiến vết thương bị nhiễm trùng, viêm nhiễm vùng kín.
Bác sĩ Dung lưu ý, trước khi thực hiện bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn và khám kỹ. Nếu bệnh nhân bị viêm nhiễm thì điều trị khỏi mới thực hiện thủ thuật này. Sau khi vá màng trinh, quan hệ lại lần đầu tiên phụ nữ sẽ cảm thấy rất đau. Bệnh nhân phải kiêng cữ không quan hệ tình dục cho đến khi vết thương lành hẳn.