Với nhân viên ngành đường sắt hay hàng không, lúc này họ chỉ mong có đủ việc làm. Ảnh: VR
Chị Trần Phương Dung, tiếp viên của một hãng hàng không từ đầu tháng 5 tới nay hầu như chỉ ở nhà, lâu lâu được sắp lịch bay 1 chuyến thấy đỡ nhớ nghề, xong lại phải nghỉ. Cuộc sống gia đình chị Dung dựa hết vào thu nhập của chồng chị, chị bán hàng trực tuyến, hãng hàng không hỗ trợ thêm hơn 1 triệu đồng mỗi tháng và ít thực phẩm.
"Cũng may mình còn chút tiền tiết kiệm từ nhiều năm trước, chứ nhiều tiếp viên mới vào nghề, khi dịch COVID-19 xảy ra họ gặp khó khăn hơn nhiều, vì không có tích lũy, nhà còn phải thuê. Bạn bè tôi làm tiếp viên hàng không giờ chuyển sang môi giới bất động sản, bán bảo hiểm, bán hàng trực tuyến rất nhiều", chị Dung nói.
Về thưởng Tết, chị Dung nhớ lại, trước khi dịch COVID-19 ập tới, cuối năm có đủ các loại thưởng tính theo thâm niên và số giờ bay. Thưởng Tết khi đó có người được 2-6 tháng thu nhập, mỗi tháng thu nhập khoảng 15-18 triệu đồng.
"Trước đây mỗi dịp Tết ngoài thưởng, người nào bay xuyên Tết còn được lãnh đạo đơn vị tới lì xì, tặng quà. Chúng tôi chỉ mong hàng không sớm được khai thác bình thường trở lại, bay đón khách du lịch để có việc làm và thu nhập, không hy vọng gì tới thưởng Tết", chị Dung chia sẻ thêm.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên đường sắt cũng không thể vui khi nói về thu nhập năm nay và Tết sắp tới, do những năm gần đây doanh nghiệp ngành đường sắt đã khó khăn, dịch COVID-19 càng làm cho ngành khó thêm. Chưa xảy ra dịch còn được thưởng Tết 1-2 tháng lương, từ khi có dịch chỉ gọi là hỗ trợ thêm, không còn thưởng.
Không thưởng, chỉ tặng quà Tết
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, năm nay doanh nghiệp ngành đường sắt vô cùng khó khăn, đơn vị chưa chính thức ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động.
"Tổng công ty, các đơn vị thành viên sẽ cố gắng huy động các quỹ phúc lợi để có một phần quà hỗ trợ thêm anh em sau 1 năm làm việc vất vả. Đó không hẳn là thưởng Tết. Qua đó động viên người lao động yên tâm công tác, gắn bó cùng đơn vị vượt khó, đảm bảo nhân lực phục vụ khách đi lại dịp Tết an toàn, thuận lợi", lãnh đạo VNR chia sẻ.
Theo Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines Phan Ngọc Linh, hiện đơn vị chưa nhận được thông tin về kế hoạch hoạt động Tết của tổng công ty. Phía đoàn tiếp viên đang tính toán sử dụng các quỹ phúc lợi, công đoàn của đơn vị để Tết có túi quà động viên người lao động sau 1 năm khó khăn.
Theo ông Linh, khi chưa xảy ra dịch bệnh, thu nhập của tiếp viên tính theo giờ bay, với lịch bay dày đặc, mỗi dịp lễ, Tết tiếp viên càng phải bay nhiều. Nhờ đó, tiếp viên thu nhập thấp nhất cũng 18 triệu đồng/tháng, cao nhất hơn 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm nay, giờ bay của tiếp viên rất thấp, thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng/người/tháng, còn phải luân phiên nghỉ. "Trước đây thưởng Tết của tiếp viên cũng 3-4 tháng thu nhập, năm nay chưa nói được gì", ông Linh nói.