Tháng 9 năm 2017, do mưa lớn liên tục, bờ kè bảo vệ hồ chứa ở thượng nguồn của một ngôi làng ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã bị lũ cuốn trôi. Sau khi nước rút, một cái ao nhỏ xuất hiện ở vùng trũng gần làng. Thấy vậy, ông Lý quyết định ra đó để câu cá thì phát hiện một vài vật thể lạ có màu đen sì trong làn nước.
Theo đó, vật mà ông cụ này tìm thấy trông giống như một hòn đá, rất cứng nhưng lại không phải là đá. Không những thế, thứ này còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng rất đặc biệt. Vì tò mò, ông Lý đã lấy một vài mảnh nhỏ và mang về cho cháu trai xem. Chàng sinh viên đại học này sau khi xem kỹ vật mà ông nội mang về nhà liền tỏ ra vui mừng, nói rằng đây là những mảnh gỗ âm trầm nhỏ, vô cùng quý giá.
Nghi ngờ trong cái ao kia có thể có một cây gỗ âm trầm lớn, chàng trai này lập tức gọi điện báo sự việc cho cảnh sát, đồng thời cùng cha và ông nội ra bờ ao để tìm kiếm. Dân làng khi biết chuyện cũng tò mò kéo đến xem.
Sau khi 3 thế hệ trong gia đình ông Lý cùng xuống ao tìm kiếm, họ quả thực đã phát hiện 1 cây gỗ âm trầm nằm sâu dưới lòng ao. Tuy nhiên vì kích thước của nó quá lớn, nhiều thanh niên trong làng giúp sức cũng không kể kéo lên nên ông Lý đành phải thuê cả máy xúc đến hỗ trợ. Không lâu sau đó, cảnh sát đã mặt tại hiện trường và ra lệnh phong tỏa khu vực trên. Xe cẩu và xe tải lớn cũng được cảnh sát điều động đến để “tham gia” trục vớt cây gỗ khổng lồ.
Sau khoảng 6 giờ trục vớt, với sự hỗ trợ của nhiều máy móc, toàn bộ cây gỗ âm trầm trên cũng đã được đưa lên khỏi lòng ao. Cảnh sát cho biết cây gỗ này có niên đại khoảng 1000 năm tuổi, ước tính giá của nó không dưới 100 triệu NDT (hơn 300 tỷ đồng), thậm chí là vô giá. Do ở dưới bùn đất quá lâu, cây gỗ âm trầm này đã bị chia thành 4 đoạn, "1 dài và 3 ngắn". Cụ thể, khúc gỗ dài nhất là hơn 10m với đường kính 60 cm. 3 khúc gỗ còn lại ngắn hơn, từ 2-4m, và có đường kính nhỏ hơn.
Sau khi xem xét kỹ cây gỗ này, cảnh sát nhận định: “Cây gỗ này trải qua hàng nghìn năm vẫn có tình trạng tốt như vậy quả thực rất hiếm, nhất định có thể được xếp vào hàng bảo vật quốc gia”.
Về phía ông Lý, sau khi được cháu trai và cảnh sát nói rõ về giá trị của cây gỗ quý này, ông đã quyết định bàn giao nó lại cho chính quyền để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn. Trước hành động đẹp của gia đình ông Lý, phía chính quyền địa phương cũng đã có bằng khen và trao phần thưởng là 500 NDT (khoảng 1 triệu đồng) cho ông cụ này.
Tại sao gỗ âm trầm lại quý hiếm như vậy?
Gỗ âm trầm còn được gọi là gỗ cổ trầm, là giống gỗ quý còn được biết đến với tên gọi “Đông Phương Thần Mộc”. Theo các chuyên gia, loại gỗ này được hình thành từ những cây cổ thụ cách đây hàng nghìn năm thậm chí hàng vạn năm, bị chìm, vùi lấp xuống sông do các nguyên nhân tự nhiên như mưa lớn, động đất, sấm sét và lũ lụt. Cùng sự xâm nhập của các loại khoáng chất khác và sự ngâm mình trong nước cả vạn năm nên gỗ âm trầm được được “tái sinh” với kết cấu gỗ được thay đổi. Chất béo, protein, glucose và các chất khác trong cây bị hòa tan, và bề mặt bị đất ăn mòn, tạo thành một kết cấu độc đáo và đẹp mắt.
Ngoài ra, cây gỗ này vừa "quý" lại vừa "hiếm" còn bởi vì vì nó có số lượng vô cùng ít do thời gian hình thành gỗ rất lâu và nằm ở những địa hình rất khó khăn để khai thác. Nhiều người còn ví von việc tìm được cây gỗ này còn phụ thuộc vào vận may. Cũng vì thế nên gỗ âm trầm có giá trị rất cao, thậm chí là vô giá. Vào thời xưa, chỉ có vua chúa mới có thể sở hữu loại gỗ này. Vì có đặc điểm là hương thơm tự nhiên, chắc thịt, thớ gỗ mịn, chống ẩm cực kỳ tốt và không lo bị mục nát nên gỗ âm trầm rất được ưa chuộng để đục tác phẩm truyền thần.
(Theo Kknew.cc)