Với các y bác sĩ tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước thì xuân về, Tết đến vẫn chẳng khác mấy so với ngày thường bởi lịch trực cấp cứu, lịch mổ hay tiêm, truyền, phát thuốc cho bệnh nhân vẫn kín đặc từng giờ.

Lập đội cấp cứu "di động", sẵn sàng ứng cứu người bệnh dịp Tết 1
BS khám và điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Nhi - BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Quảng An

Dự phòng kíp trực cấp cứu “di động”

Tại BV U bướu Hà Nội, TS – BS Trần Đăng Khoa, Giám đốc BV cho biết: BV vẫn duy trì chế độ trực cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân 24/24 giờ. Ngoài các y, bác sỹ trực tại các khoa phòng, bệnh viện còn duy trì thường xuyên người trực chế độ điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin từ bệnh nhân và người nhà của họ.

Ngoài ra, đêm 30 Tết, Giám đốc Bệnh viện sẽ cùng các bác sỹ đi thăm, chúc tết và tặng quà các bệnh nhân nặng đang phải điều trị tại bệnh viện. Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.

Lập đội cấp cứu "di động", sẵn sàng ứng cứu người bệnh dịp Tết 2
Thăm và tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại BV K Trung ương. Ảnh: Quảng An

Tại BV Phụ sản TƯ, BS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV cho biết, năm nay đích thân ông sẽ trực đêm giao thừa cùng các đồng nghiệp của BV. Theo đó, sáng mùng 1 Tết Ban lãnh đạo BV sẽ đi trao tặng quà và mừng tuổi cho các bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV để động viên họ yên tâm điều trị.

Ông Quyết cũng cho biết, BV đã lên các phương án phân công bác sĩ trực ở tất cả các khoa phòng, đồng thời cử một kíp trực cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng ứng cứu người bệnh trong tình huống cần thiết. Bên cạnh đó, nhà ăn của BV cũng chuẩn bị sẵn các bữa cơm từ thiện để cho bệnh nhân ăn trong dịp Tết.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức, BV đã lên kế hoạch huy động 50 bác sĩ, 100 điều dưỡng ứng trực 24/24 giờ để bảo đảm cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Ngoài diện ứng trực thường xuyên, BV đã dự phòng nguồn nhân lực tăng cường khi có tình huống phát sinh.

BV Việt Đức là đơn vị đầu ngành về ngoại khoa nên số người bệnh lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Số bệnh nhân cần phải phẫu thuật xếp hàng đến ngày cận Tết, đó là chưa kể những trường hợp cấp cứu trong những ngày Tết, nhiều nhất là tai nạn giao thông.

Do đó, BV đã bố trí các bác sĩ giỏi trong các chuyên khoa như chấn thương chỉnh hình, thần kinh, hồi sức tích cực, lồng ngực tim mạch... luôn trong tình trạng sẵn sàng 24/24 giờ khi có yêu cầu.

Cố gắng không để bệnh nhân phải nằm ghép

Tại BV Tai mũi họng TW, lãnh đạo BV cho biết, BV dành tối thiểu 4 - 6 giường tại Khoa Cấp cứu phục vụ cấp cứu tai nạn, thảm họa, trường hợp nạn nhân nhiều, BV sẽ sử dụng các khoa không có bệnh nhân nằm điều trị trong dịp Tết để thu dung, cấp cứu, đồng thời bố trí Khoa Cấp cứu và Khoa Gây mê hồi sức là nơi cấp cứu cho người bệnh. Tại đây thường xuyên có 4 bác sĩ và 7 điều dưỡng trực phục vụ cho bệnh nhân cấp cứu và khám chữa bệnh. Các khoa: Xét nghiệm tổng hợp, Chẩn đoán hình ảnh, Dược, Cấp cứu, Gây mê hồi sức tham gia trực đầy đủ.

Tại BV Nhi TƯ, BS. Trần Văn Học - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, để duy trì việc không nằm ghép, bộ phận thường trực báo cáo tổng số bệnh nhân và giường bệnh hàng ngày của các khoa phòng vẫn trực. Mọi năm được nghỉ từ 30 đến mùng 2 Tết nhưng năm nay trực tất cả những ngày Tết để có số liệu báo cáo vào 3 thời điểm 8 giờ sáng, 11 giờ trưa và 16 giờ chiều để các bộ phận liên quan điều tiết bệnh nhân.

Lập đội cấp cứu "di động", sẵn sàng ứng cứu người bệnh dịp Tết 3
Bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV Bạch Mai - Hà Nội. Ảnh Quảng An

BV cũng yêu cầu lãnh đạo các khoa phòng không được tắt máy điện thoại và hàng ngày phải cử cán bộ vào kiểm tra bệnh nhân. Trong 3 ngày Tết, các bệnh nhi đang điều trị tại BV Nhi TƯ được nhận các suất ăn miễn phí từ nguồn quỹ từ thiện.

Tại BV Bạch Mai, dự kiến trong những ngày Tết Nguyên đán, có khoảng 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thêm vào đó, trước và trong Tết, số bệnh nhân nhập viện thường tăng đột biến, nhất là những ca cấp cứu được chuyển từ tuyến dưới lên và những trường hợp mắc bệnh mạn tính bị biến chứng nặng...

Do vậy, trong những ngày Tết sắp tới, các khoa vẫn tổ chức khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân như ngày thường. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai cho biết: Năm nay, để giảm quá tải cho Khoa Cấp cứu, BV sẽ mở thêm phòng cấp cứu. Ngoài ra, Khoa Khám bệnh sẽ bố trí thêm 3-4 kíp khám gồm đầy đủ các chuyên khoa với 10 giường bệnh điều trị ban ngày.

Nếu vẫn diễn ra tình trạng quá tải, BV sẽ huy động sự hỗ trợ của Khoa Khám bệnh theo yêu cầu. Trong những ngày nghỉ Tết, bộ phận hành chính của BV sẽ duy trì chế độ trực để giải quyết thủ tục ra viện kịp thời, giúp những bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện về vui Tết cùng gia đình. BV cũng sẽ phối hợp với các nhà hảo tâm để tặng quà Tết, cung cấp hơn 2.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân.

Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, Giám đốc Nguyễn Văn Kính cho biết, hiện nay, BV đã dự trù đầy đủ thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, máu, chế phẩm; đội xe cứu thương, hệ thống thông tin liên lạc, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ đã được “kích hoạt”... Ngoài ra, BV cũng dành sẵn số giường nhất định tại các khoa để tránh bị quá tải trong dịp Tết.

Không được từ chối bất cứ trường hợp cấp cứu nào

Nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất về công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán, liên tiếp trong tuần này, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị y tế của các BV tuyến TƯ và tuyến địa phương với yêu cầu trong dịp Tết, các BV phải tránh để xảy ra tình trạng bệnh nhân đông - bác sĩ ít.

Lập đội cấp cứu "di động", sẵn sàng ứng cứu người bệnh dịp Tết 4
Bộ Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Ảnh: Quảng An

Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng BV, nhưng nếu bệnh nhân đông, các BV sẽ phải yêu cầu cán bộ, nhân viên đi làm bình thường để bảo đảm xử lý kịp thời đối với các trường hợp cấp cứu, nhất là với bệnh nhân tai nạn giao thông, sản phụ. Không được từ chối hoặc chậm trễ trước bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Trong trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa, các kíp trực phải xử lý cấp cứu ban đầu, khi bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm thì mới được chuyển họ tới các cơ sở y tế đúng tuyến.

Ðối với các bệnh nhân ở lại thường do bệnh nặng hoặc nhà xa không có điều kiện trở về. Trong khả năng của mình, BV cần phục vụ tối đa, đảm bảo cho họ cũng được đón xuân ấm áp, tươm tất. BV có thể tổ chức cho họ những bữa ăn ngon, sạch miễn phí và tặng quà cho họ.