Có thể nói khán giả nhí của điện ảnh Việt chính là những người được ưu ái nhất lúc nền điện ảnh nước nhà còn non yếu. Những năm 90, phim truyện dành cho người lớn chủ yếu là phim điện ảnh và khó phổ cập đến khán giả vì sự hạn chế về cơ sở vật chất. Thế nhưng phim ảnh dành cho thiếu nhi đã sớm "phủ sóng" khắp mọi gia đình qua đủ mọi thể loại lẫn phong cách. Nhân ngày quốc tế thiếu nhi sắp đến, hãy cùng tìm về với tuổi thơ qua những bộ phim thiếu nhi bất hủ nhé.
Đậm đà văn hóa Việt với loạt phim cổ tích
Hẳn những bạn đọc cuối 8x đầu 9x không thể nào quên được những buổi xem phim trong nhà trẻ hay trường cấp một. Thời ấy kinh tế còn khó khăn, những buổi chiếu phim luôn là sự kiện đáng mong chờ của những bạn học sinh mẫu giáo, tiểu học. Có thể nói, sánh vai với những cuốn băng hoạt hình của Walt Disney, hay Tom and Jerry là loạt phim cổ tích Việt Nam do hãng phim Phương Nam phát hành.
Tuy điều kiện kĩ xảo, phục trang còn hạn chế, nhưng diễn xuất của các diễn viên như Minh Nhí, Hữu Nghĩa, Lê Bình… đã khiến những khán giả nhí phải say mê, ngồi im lặng hàng giờ xung quanh chiếc ti vi. Những câu chuyện quen thuộc như "Ăn khế trả vàng", "Nói dối như Cuội", "Cây tre trăm đốt"... hiện ra sinh động hơn bao giờ hết trong khung cảnh làng quê thanh bình của Việt Nam đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước trong những khán giả nhỏ tuổi ngày nào
Ngoài ra, bên cạnh yếu tố hài hước, một số cảnh quay có tính rùng rợn đã khiến không ít khán giả nhí phải mất ngủ. Thế nhưng, không thể không thừa nhận rằng Cổ tích Việt Nam là một loạt phim hay và đầy giá trị nhân văn.
Yêu tinh trong Hoàng tử cứu mẹ đã khiến nhiều khán giả nhí khóc thét vì cảnh hạ độc, móc mắt
Dũng cảm và thông minh cùng Đội đặc nhiệm nhà C21
Nếu khán giả nhí miền Nam có điều kiện để xem băng video, thì những khán giả nhí miền Bắc cũng có một series riêng của tuổi thơ: Đội đặc nhiệm nhà C21.
Đội đặc nhiệm nhà C21 là bộ phim truyền hình dài 9 tập của đạo diễn Vũ Hồng Sơn, ra mắt lần đầu tiên trong chương trình Văn nghệ chủ nhật vào năm 1998 và từng gắn bó với thế hệ trẻ Việt Nam thời đó. Bộ phim được dựa trên bộ truyện cùng tên của tác giả Lê Tấn Hiển.
"Đội Đặc Nhiệm Nhà C21" Tập 1
Bộ phim nói về 5 người bạn học cùng lớp có chung một niềm đam mê phá án, đó là "Minh tổ cú", "Sơn sọ", "Sáng béo", "Tùng quắt", "Quang sọt". Chính vì vậy họ đã tập hợp lại với nhau và thành lập một nhóm đặc nhiệm mang tên Nhóm đặc nhiệm nhà C21. Dù chỉ là những cậu học sinh cấp hai, những bằng sự thông minh, nhanh trí, có tài phán đoán, họ đã phá được những vụ án quan trọng và phần nào mang lại sự bình yên cho khu tập thể và trường học. Trong quá trình hoạt động, nhóm đã kết nạp thêm hai cô bạn đáng yêu và thông minh, đó là "Hạnh tăm tre" và "Tuyết mèo con". Vì vậy, nhóm đổi tên thành "Đội đặc nhiệm nhà C21".
Ngoài những cuộc phiêu lưu phá án đầy li kì, bộ phim còn lưu lại nét văn hóa đặc trưng của miền Bắc : những khu nhà tập thể và cuộc sống đầy tình yêu thương, đoàn kết của những đứa trẻ trong khu phố. Những trưa hè trốn ngủ để chạy chơi cùng bạn, những trận bóng đá vỉa hè, hay những giận hờn rất trẻ con … tất cả hiện ra một cách chân thực và đáng yêu qua lối diễn xuất của những diễn viên nhí trong phim.
Đã hơn 20 năm nhưng những cuộc phiêu lưu vẫn như mới ngày hôm qua
Chính vì thế, khi Hà Duy, một diễn viên nhí tham gia bộ phim tổ chức lễ dạm ngõ trong thời gian gần đây, rất nhiều báo đã đưa tin và cùng nhắc về một thời xa xưa khi bộ phim từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ.
Trưởng thành và kiên cường cùng An
Vượt xa các yêu cầu của một bộ phim thiếu nhi và khiến cả người lớn phải say mê đến nhỏ lệ, chính là một tác phẩm huyền thoại của phim truyền hình miền Nam: Đất Phương Nam. Nhờ sự đầu tư kĩ lưỡng của hãng phim truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh, mà bộ phim khá chính xác về mặt bối cảnh, bám sát tình tiết gốc. Thế nhưng xa hơn nữa, bộ phim đã làm được một điều mà ít tác phẩm điện ảnh nào trong những năm gần đây làm được : khiến khán giả phải hòa mình vào từng phút giây của tác phẩm.
An và Cò mãi là biểu tượng tuổi thơ của trẻ em Việt
Sau ngần ấy năm, sẽ không ai có thể quên được cảnh bé An chứng kiến mẹ mình chết trong vũng máu, hay phải lượm một chiếc bánh rơi trên đất mà ngấu nghiến ăn. Bởi cậu bé ấy đã dẫn họ qua rất nhiều cung bậc cảm xúc nơi họ cười vì những trò tếu táo của cậu và đám trẻ, rồi lại bật khóc trong cái ngày định mệnh khi cả nhà cô Út bị giết vì chống lại giặc Pháp và lũ tay sai. Dẫu sau này sự nghiệp của Hùng Thuận (đóng vai An) không tìm lại được đỉnh cao như với Đất phương Nam, nhưng vai diễn của anh quả thực đã trở thành một biểu tượng, một người bạn thơ ấu của rất nhiều đứa trẻ ngày ấy và sau này.
Đa sắc Kính vạn hoa
Bộ phim thiếu nhi thành công cuối cùng là Kính vạn hoa sản xuất năm 2004 - 2008. Dưa trên bộ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim kể về cuộc sống học sinh thú vị của Quý ròm (Ngọc Trai), Tiểu Long (Vũ Long) và Hạnh (Anh Đào). Dàn diễn viên xuất thân từ đội kịch Tuổi Ngọc đã phát huy được nét dí dỏm, đáng yêu trong nguyên tác, đồng thời những điều chỉnh về bối cảnh, tình tiết cho phù hợp với thời đại (Bộ phim ra mắt năm 2004, trong khi truyện lại ra mắt năm 1996).
Cảnh phim đấu vật trong tập "Cỗ xe ngựa kì bí" là một điều chỉnh đáng yêu của bộ phim : Trong thời gian quay phim, các diễn viên nhí đã chơi đấu vật đến… sập giường khách sạn. Hai đạo diễn Nguyễn Minh Chung và Đỗ Phú Hải đã đem tình tiết ấy vào phim, khiến bộ phim có thêm một phân cảnh hài hước và vô cùng hợp thời vì từ sau năm 2000, truyền hình cáp bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, và một trong những chương trình yêu thích của các thiếu niên Việt Nam ngày ấy là WWE (Đô vật tự do của Mỹ).
Chỉ tiếc rằng sau Kính Vạn Hoa, dẫu đã có rất nhiều bộ phim thiếu nhi khác được ra mắt, thì vẫn chưa có tác phẩm nào đủ thành công về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật như các bậc tiền bối. Có lẽ là do sự thay đổi quá nhanh của thời đại và văn hóa đại chúng đã khiến việc nắm bắt và khắc họa một tác phẩm dành cho các khán giả nhí ngày một khó khăn hơn.
Thế nhưng với những gì mà điện ảnh Việt đã làm được cho các khán giả nhí thế hệ trước, người hâm mộ hoàn toàn có quyền mong chờ một tác phẩm mới dành cho khán giả nhí thuộc thế hệ thâp niên 2000 trở đi.