Chẳng phải tự nhiên mà người ta lại bảo con gái lấy chồng rồi sẽ trở thành "khách" về thăm nhà, thăm bố mẹ - những người đã sinh thành, dưỡng dục mình nên người. Câu nói "dâu là con, rể là khách" cũng có hàm nghĩa đó. 

Dù có đang sống chung với bố mẹ chồng hay không, gần như mọi người luôn mặc định vợ chồng sẽ phải đón Tết ở bên nội, còn bên ngoại chỉ về thăm 1-2 ngày mà thôi.

Đã kết hôn được 10 năm, Diệp An - Người phụ nữ 35 tuổi vẫn chưa thể gạt bỏ cảm giác áy náy, dằn vặt vì Tết năm nào cũng để bố mẹ già lủi thủi với nhau, đón giao thừa một mình. 

Lấy chồng 10 năm chưa một lần được về ngoại ăn Tết, cô vợ cay đắng "nuốt nước mắt vào trong" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Đêm trước khi tôi lên xe hoa, bố mẹ tôi có dặn rằng kết hôn rồi, nhớ phụng dưỡng bố mẹ chồng, làm người con dâu hiếu thảo. Lúc đó, tôi mới 25 tuổi, còn trẻ người non dạ nên cũng chẳng nghĩ gì nhiều về lời căn dặn ấy. Mãi cho tới sau này, khi đã trưởng thành hơn vì chẳng thể nũng nịu bố mẹ, được bố mẹ cưng chiều nữa, tôi mới hiểu ra lời dặn dò ấy thật cay đắng làm sao.

10 năm tôi đi lấy chồng cũng là 10 năm bố mẹ tôi phải đón Tết một mình. Tôi là con một, lại lấy chồng xa, Tết năm nào vợ chồng tôi cũng về quê chồng. 10 giao thừa đã qua, không có đêm nào là tôi không khóc khi nghĩ về bố mẹ mình.

Đã rất nhiều lần tôi ngỏ ý với chồng về việc sẽ về quê ngoại đón Tết nhưng trăm lần như một, chồng tôi đều gạt phăng đi. Đương nhiên, bố mẹ chồng cũng vậy. Chồng tôi cũng là con một, đời nào ông bà chịu để chúng tôi về ngoại đón Tết cơ chứ" - Diệp An trải lòng trên Weibo.

Lấy chồng 10 năm chưa một lần được về ngoại ăn Tết, cô vợ cay đắng "nuốt nước mắt vào trong" - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Diệp An cho biết hiện tại, bố cô đã bước sang tuổi 82, còn mẹ cô cũng đã tròn 76. Ở tuổi xế chiều ấy, chỉ có hai ông bà sống với nhau hàng ngày đã là quá cô đơn. Tới những dịp lễ Tết, thấy hàng xóm có con cháu về thăm, sum vầy sung túc, làm sao không chạnh lòng, không buồn tủi cho được.

"Tết năm nào bố mẹ cũng gọi điện, nói với tôi rằng không sao, không cần lo gì cho bố mẹ cả, cứ ở bên đấy - ý là bên nhà chồng đó, lo mọi việc cho tươm tất rồi về thăm bố mẹ cũng được, không sao cả. Và năm nào cũng thế, vợ chồng con cái chúng tôi cũng chỉ về nhà ngoại được 2 ngày, rồi lại khăn gói lên thành phố, tiếp tục làm việc.

Tôi biết bố mẹ thương con gái, chẳng muốn tôi nặng lòng suy nghĩ nên tỏ ra ổn vậy thôi. Chứ có mỗi một mụn con, làm sao mà không buồn cho được khi lễ Tết chỉ có hai ông bà với nhau" - Diệp An chia sẻ.

Sau 10 năm làm nàng dâu ngoan, chưa một lần làm trái ý bố mẹ chồng, năm nay, Diệp An quyết tâm không thể tiếp tục chiều lòng bố mẹ chồng mà để những người dứt ruột sinh ra mình phải lủi thủi ngày tết được nữa.

"Cách đây 3 ngày, tôi đã về quê thăm bố mẹ chồng và thông báo với ông bà, năm nay, tôi và con sẽ về ngoại đón Tết. Đương nhiên, bố mẹ chồng tôi không đồng ý, bực bội ra mặt. Nhưng tôi quyết tâm rồi. Tôi nói rằng suốt 10 năm qua, cái tết nào nhà nội cũng sum vầy. Bố mẹ chồng có một người con thì bố mẹ tôi cũng vậy. Ông bà nội biết cô đơn tủi hờn nếu con cháu không về, thì ông bà ngoại cũng thế. 

Năm nay, mẹ con tôi nhất quyết về quê ngoại. Còn chồng tôi chắc sẽ vẫn về nhà nội thôi. Làm vậy, hàng xóm có thể dị nghị, nói ra nói vào nhưng tôi mặc kệ, bố mẹ tôi vẫn quan trọng hơn! Ông bà cũng đã già cả rồi, chẳng biết còn đón được bao nhiêu cái Tết nữa. Nếu không về, tôi sợ mình sẽ hối hận, day dứt cả đời mất" - Diệp An khẳng định.

Cuối bài tâm sự của mình, Diệp An không quên nhắn nhủ với các cô gái còn son rỗi, chưa kết hôn một bài học thấm thía: "Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta chỉ muốn theo đuổi tình yêu thôi, mọi lời khuyên của bố mẹ đều chẳng có ý nghĩa gì. Ngày xưa, bố mẹ tôi cũng từng phản đối vì nhà chồng tôi xa quá nhưng tôi đâu có chịu nghe, càng không thể nghĩ xa tới việc vì nhà chồng ở xa nên Tết chẳng thể về nhà mình. 

Thế nên nếu bạn là con gái và là con một, khi chọn chồng hãy nghĩ tới bố mẹ mình một chút nhé!".