Những người vợ này cho rằng, nếu có ý định lấy chồng nghèo thì cần một tình yêu vững chắc, 1 tâm lý vững vàng và 1 hành trình để quyết tâm thoát nghèo. Với họ, một người chồng nghèo nhưng yêu thương vợ con, biết phấn đấu vươn lên luôn là tấm gương để họ học tập. 

Cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành của người trong cuộc khi dám chấp nhận yêu và lấy người đàn ông tưởng như ban đầu “mất giá” này nhé.

“Chồng nghèo mới là chồng mình, còn chồng giàu là chồng thiên hạ”

Đó là quan điểm của người phụ nữ tuổi 30, Trần Thị Thu. Hiện Thu đang là biên tập viên của một báo viết. Gần 10 năm vất vả trong hôn nhân, vợ chồng Thu đã có 1 con trai nhỏ 9 tuổi.
 
Theo Thu kể: “Mình và anh xã đều ra trường năm 2004. Và ngay cuối năm ấy thì vợ chồng mình tổ chức đám cưới luôn do 'bác sĩ bảo phải cưới'. Đám cưới của 2 vợ chồng mình không tiền chụp ảnh cưới, không tiền đi trăng mật như nhiều cặp đôi khác. Trái lại, chúng mình cùng bắt đầu cuộc sống mới với hơn 1 triệu tiền mặt và 3 chỉ vàng mẹ cho”.

Cưới xong, 2 vợ chồng Thu lên Hà Nội thuê nhà ở trong khi lương của hai vợ chồng chỉ được khoảng 2,5 triệu.  Cuộc sống của 2 vợ chồng trẻ càng thêm khó khăn. Vì vợ chồng mới ra trường nên công việc không ổn định. Thu làm biên tập cho một tạp chí. Còn anh xã Thu làm nhân viên kỹ thuật tại một nhà máy.

Lấy chồng "3 không" 1
Chị Trần Thị Thu, BTV một trang báo viết.

Đỉnh điểm của khó khăn phải kể đến năm 2005, sau khi vợ chồng Thu sinh con trai. Lúc này cơ quan cắt giảm biên chế, Thu phải ở trong diện này nên phải ở nhà. Để tiết kiệm chi phí cho chồng, Thu đành về quê ở cùng bố mẹ chồng. Còn chồng thì đi làm lấy tiền nuôi 2 mẹ con.

Khi con trai được 7 tháng tuổi, Thu mới bắt đầu đi làm lại (lúc này cơ quan cũ thiếu người nên nhận lại). Thời điểm này, lương của Thu cũng chỉ được 1,7 triệu.

Thời kỳ này, tiền lương hàng tháng của 2 vợ chồng chỉ đủ chi trả tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền sữa cho con. Chưa kể, con trai nhỏ nhà Thu hay bị đường ruột nên suốt ngày ốm đau. Cuộc sống lúc này quá thiếu thốn. Vì nuôi con nhỏ không có sữa nên Thu phải nuôi bộ. Điều này càng khiến chi tiêu tốn kém hơn.

Thu kể: “Nhưng mình cố không vay mượn ai. Mình còn nhớ của hồi môn khi ấy được 3 chỉ vàng nên cứ cầm và lần lượt bán hết để mua sữa và chi tiêu. Có một lần duy nhất mình vay mẹ chồng 500 ngàn đồng. Mẹ chồng đã gọi chồng mình vào buồng và nói: ‘Hai vợ chồng trẻ lấy nhau mà lúc nào cũng nhăn nhó. Bố mẹ buồn lắm’. Mình cứ nhớ mãi câu nói đó và thấy xót xa lắm”.

Nói về những ngày tháng lên Hà Nội đi làm trở lại, chồng thì đi công trình xa một tháng về nhà 1-2 lần, cuộc sống vất vả và thiếu thốn, Thu nhớ mãi: “Lúc mẹ chồng theo lên trông cháu. Nhà trọ lúc ấy của vợ chồng mình chỉ khoảng 7m vuông. Cái mâm còn không có để ăn nên toàn trải giấy. Mẹ chồng nhìn thấy vậy lại càng chán hơn. Bà không chì chiết, nhưng hay so sánh nhà mình với nhà anh trai chồng. Mình buồn lắm nhưng vẫn cố gắng làm, hy vọng cuộc sống sẽ tốt hơn”. 

Thậm chí nhiều lúc: “Mình nghĩ đã sai lầm và quá vội vàng khi lấy chồng. Thỉnh thoảng mình cũng trách móc chồng. Nhưng chồng mình vốn tốt tính nên cứ âm thầm nỗ lực và cố gắng bằng hành động”.

Sau 2 năm sau kết hôn, cuộc sống của vợ chồng Thu mới bắt đầu có chút chuyển biến và dần ổn định hơn. Lúc này, chồng Thu đi học lên cao và được cất nhắc lên công việc mới (Thay vì ở nhà máy, chồng Thu đã được chuyển về Tổng công ty). Còn Thu chuyển sang công ty khác. 

Hiện giờ, sau gần 10 năm phấn đấu và chung lưng đấu cật xây dựng kinh tế gia đình, cuộc sống của vợ chồng Thu đã khác hẳn: hạnh phúc và ổn định hơn.

Chấp nhận lấy chồng “3 không” và cùng chồng trải qua những ngày tháng khó khăn, đến giờ Thu nhận ra một điều: “Dù chồng ban đầu có thể nghèo, dù cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả. Nhưng nếu hai vợ chồng cùng đồng lòng và cùng nhìn về 1 hướng, cùng đặt mục tiêu và nỗ lực thì cuộc sống sẽ không thể giậm chân tại chỗ được. Hiện tổng thu nhập của vợ chồng khoảng hơn 20 triệu. Vợ chồng mình cũng đã mua được nhà chung cư 60m2”.

Lấy chồng "3 không" 2
Với bà mẹ 1 con này: "Vợ chồng đi với nhau từ những ngày đầu khó khăn nên luôn trân trọng nhau và trân trọng những gì mà 2 vợ chồng đạt được”.

Nói về quãng thời gian đã qua, người đàn bà tuổi 30 này vẫn nghĩ: “Vợ chồng đi với nhau từ những ngày đầu khó khăn. Do đó để đạt được thành quả dù nhỏ như ngày hôm nay cũng là sự nỗ lực rất lớn của hai vợ chồng. Vì thế, vợ chồng mình luôn trân trọng nhau và trân trọng những gì mà 2 vợ chồng đạt được”.

Người vợ tuổi 30 này cho rằng, nếu được chọn lại, cô vẫn dám chọn chồng nghèo khó của mình. Lý do là bởi: “Anh xã mình là người đàn ông hiền lành, yêu thương vợ con, quan tâm đến gia đình và là người con có hiếu. Do đó, 10 năm sát cánh bên anh, mình luôn tin yêu,  tin tưởng vào sự lựa chọn này. Lấy được người đàn ông nghèo nhưng biết phấn đấu là cái phúc phận và may mắn lớn của mình. Nói chung, chồng nghèo mới là chồng mình, còn chồng giàu là chồng thiên hạ. Còn sau này cuộc sống ra sao thì mình không thể nói trước được”.

Dự định của bà mẹ 1 con này là: “Sang năm, sau khi về nhà mới, mình và anh xã có kế hoạch sinh tiếp bé thứ 2. Giờ công việc của anh xã cũng ổn rồi nên vợ chồng không trì hoãn thêm nữa”.

“Chồng nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo/ Nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”

Đây là chia sẻ rất thực lòng của người mẹ 1 con Đặng Thị Hoa Lan. Hiện Lan đang là nhân viên kế toán tổng hợp. Cô và gia đình nhỏ đang sống tại Mễ Trì Thượng, Từ Liêm, Hà Nội.

Khi mới yêu và kết hôn, Lan là kế toán và anh xã Lan làm kỹ sư công nghệ thông tin. Lương hồi đó của 2 vợ chồng cộng lại 1 tháng chỉ được khoảng vẻn vẹn 5 triệu đồng. 

“Hai đứa yêu nhau khi cả 2 còn khá vất vả. Mình thì tự kiếm tiền nuôi bản thân, rồi còn đi học thêm. Anh xã mình thời điểm đó phải gánh vác trách nhiệm gia đình do bố mất sớm, anh chồng mình công việc chưa ổn định. Có những lúc 2 đứa chia sẻ với nhau 50k để cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Lấy chồng "3 không" 3
Đặng Thị Hoa Lan, nhân viên kế toán tổng hợp

Trước đó, tuy biết bạn trai nghèo, phải lo toan cho gia đình, lương lại thấp nhưng Lan vẫn yêu và quyết định chia sẻ những khó khăn, cùng anh xã gánh vác trách nhiệm nặng nề.

Chẳng thế mà khi quyết định lấy anh xã, một số bạn bè Lan cũng bảo Lan suy nghĩ lại vì “Tuy anh là 1 người tốt, ngoan ngoãn, có chí tiến thủ nhưng lúc đó anh còn khó khăn quá, chúng sợ sau này mình khổ”. Nhưng với Lan: “Mình nghĩ thà lấy một người mình yêu thương và cũng thương yêu mình, còn khó khăn rồi sẽ dần vượt qua được. Bản chất của anh là 1 người con có hiếu, 1 người anh tốt, 1 người em ngoan và rất giàu nghị lực để vươn lên. Nên mình nghĩ chắc chắn sau này mình sẽ không khổ, bọn mình sẽ giàu có, sẽ vượt qua được những khó khăn”.

Sau khi yêu nhau 3 năm, năm 2010 vợ chồng Lan tổ chức đám cưới. Đến nay, cặp vợ chồng trẻ này đã có 1 con gái đầu lòng nhưng Lan chưa cảm thấy lúc nào khổ sở. Bởi anh xã là người lo lắng cho 2 mẹ con Lan rất nhiều. Hơn nữa cuộc sống của vợ chồng cũng đã khá hơn nhiều so với trước kết hôn. Lan chưa bao giờ hối hận vì lấy anh xã dù chỉ trong ý nghĩ thoáng qua.

Hiện, cuộc sống của 2 vợ chồng Lan đã tạm ổn hơn. Thu nhập bình quân của 2 vợ chồng khoảng 15-18tr/tháng. “Chồng mình giờ không phải lo cho gia đình chồng nữa vì anh chồng đã có công việc rất tốt. Vợ chồng mình chỉ tập trung vào làm việc và để trả hết phần chi phí mà những năm trước do khó khăn nên anh phải ứng tiền công ty ra để lo cho gia đình. Đến nay bọn mình đã trả hết được phần này và bắt đầu tiết kiệm để mua nhà”.

Tuy cuộc sống trước mắt của vợ chồng trẻ này vẫn còn khó khăn so với những người bạn của họ nhưng Lan cảm thấy rất hạnh phúc. 

Lấy chồng "3 không" 4
Với Lan: Chồng nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo/ Nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”

Lan hãnh diện tâm sự: “Chồng mình rất yêu thương vợ con, những lúc ốm đau anh tận tụy chăm sóc. Đó là những thứ đáng quý mà không bao giờ mua được bằng tiền. Mình lúc nào cũng hãnh diện với gia đình mình vì đã chọn được 1 chàng rể quý cho bố mẹ, người em ngoan ngoãn với anh chị. Và quan trọng nhất là chọn cho mình 1 người chồng mẫu mực, yêu thương, quan tâm chăm sóc vợ con, chọn cho con mình 1 người cha lý tưởng”.

Bà mẹ trẻ này cũng nói: “Chồng nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo/ Nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”. Huống chi vợ chồng mình yêu nhau 3 năm trước khi cưới cũng đã khó khăn, lấy nhau cũng chẳng có gì. Nhưng mình vẫn sướng. Giờ cùng phấn đấu làm ra tiền mua sắm nhà cửa. Điều này sướng và tự hào hơn nhiều của hồi môn hay thừa kế”.


Lấy chồng "3 không" 5