Bệnh nhân Trần Thị Hoài T. (42 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng tai trái bị sưng, đau nhiều, có nhiều mủ, thính lực kém, hầu như không nghe được.

Bệnh nhân cho biết, gần 10 năm trước, khi đi giao thức ăn, chị bị té xe và bị 1 chiếc đũa đâm vào tai, được người nhà đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh để lấy dị vật.

Các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh nghi ngờ vẫn còn dị vật trong tai, khuyến cáo phải thực hiện 1 ca mổ để lấy dị vật còn sót nhưng bệnh nhân không đồng ý. Trong suốt gần 10 năm qua, người này phải chịu đựng những cơn đau nhức, viêm tai liên tục.

Lấy dị vật bị “bỏ quên” trong tai suốt 10 năm - Ảnh 1.

Người phụ nữ đã bỏ quên một dị vật dài 2.5cm trong 10 năm qua, đến khi đau chịu không nổi mới đi khám

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan phát hiện có dị vật. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật lấy phần dị vật là dằm chiếc đũa dài 2,5 cm ra khỏi tai bệnh nhân. Hiện, thính lực bệnh nhân vẫn chưa cải thiện nhiều, cần tiếp tục phẫu thuật để chỉnh mô xương con.

TS.BSCKII. Nguyễn Thanh Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, dị vật sẽ gây ra viêm và để lại những hệ quả như: giảm sức nghe, bị ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình, ù tai chóng mặt. Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ dị vật đi vào cơ thể, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay lập tức, tránh để lại các biến chứng nặng.

“Trường hợp này là mô viêm bít tắc ống tai ngoài tạo ra những khối mô viêm, đó là một khối u chứa chất mỡ có khả năng phá hủy các mô lân cận. Chúng ta đã biết rằng cạnh tai thì ở phía trên là sàn sọ, ở phía sau là những dây thần kinh mặt, các động mạch, mạch máu. Vì vậy khi xâm lấn đến vị trí nào đó thì nó sẽ gây ra một cái hậu quả tương ứng” - bác sỹ Nguyễn Thanh Vinh nói.