Nhắc đến việc lấy vợ, lấy chồng ngang tuổi nhau, ông bà ta hay có câu nói “Yêu người bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã có không ít những suy nghĩ trái chiều về vấn đề này. Với nhiều người trẻ, tuổi tác không còn là điều quá quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Cùng lắng nghe các bạn trẻ hiện nay chia sẻ suy nghĩ của mình về việc lấy vợ/ lấy chồng bằng tuổi nhé.
"Vợ chồng cùng tuổi lủi thủi làm ăn"
Khi được hỏi về quan niệm “Lấy người bằng tuổi nằm duỗi mà ăn” như trước nay nhiều người vẫn nghĩ, Thanh Trúc (25 tuổi) có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Thanh Trúc mới kết hôn được gần 3 tháng, hai vợ chồng bằng tuổi và từng học chung với nhau suốt 3 năm Cao đẳng nên rất hiểu nhau. Cùng tuổi nhưng ông xã Trúc khá chững chạc, rất quan tâm và chiều vợ.
Theo cô gái trẻ này thì việc yêu người bằng tuổi không hề giúp cho đường công danh, sự nghiệp của cả hai người thuận lợi hơn, mà muốn có một cuộc sống đầy đủ thì đều đòi hỏi sự chăm chỉ của mỗi người.
"Ông xã mình hay nói không đi làm thì lấy gì mà duỗi mà ăn, người ta còn nói vợ chồng cùng tuổi lủi thủi làm ăn nữa kìa. Thực tế thì cũng có nhiều đôi cùng tuổi làm ăn cũng khá nhưng bản thân mình cũng nghĩ rằng dù hai người cùng tuổi hay chênh lệch tuổi nhau thì đều phải đi làm kiếm tiền để sống hết. Hai vợ chồng mình đã có công việc ổn định, mình hiện tại đang làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của Cocacola, còn chồng mình hiện là giám sát của Công ty giấy Sài Gòn. Cả hai lúc nào cũng tâm niệm là phải chăm chỉ, cố gắng để đạt được mục tiêu tới một cuộc sống tốt cho hai vợ chồng và còn cái sau này”, Thanh Trúc chia sẻ.
Thanh Trúc, 25 tuổi.
Cặp đôi này cùng cho biết chuyện tuổi tác không phải là yếu tố quan trọng đối với tổ ấm nhỏ của họ.
“Hai vợ chồng mình cùng sinh năm 1989, lại là vợ chồng son nữa nên cũng hay cãi lộn. Thực tế thì hai vợ chồng cũng không hợp nhau, hay khắc khẩu nhưng nói thật là có cãi nhau cũng chỉ 10 phút là hết giận luôn rồi. Lấy chồng bằng tuổi nên thú thật mình cũng hơi lo lắng một chút vì sợ sau này sẽ bị chê là... già hơn chồng nên sau này kiểu gì cũng sẽ chú ý giữ gìn ngoại hình. Hiện tại thì chồng vẫn bị mọi người nhận xét là già dặn hơn đấy, nhưng sau này thì chưa biết thế nào.
Cuộc sống chung hiện giờ của hai vợ chồng khá hạnh phúc, chồng mình rất chu đáo và biết chia sẻ việc nhà với vợ, hai vợ chồng cũng có thể san sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc sống. Các vấn đề còn lại thì mình nghĩ chỉ cần vợ chồng lo lắng làm ăn, hiểu cho nhau, san sẻ để cuộc sống hòa hợp là đủ rồi”, cô bạn 25 tuổi cho biết.
"Nằm duỗi mà ăn thì dễ... 'đau bụng' lắm!"
Cũng chung quan điểm với Thanh Trúc nhưng Nguyễn Dũng Minh (26 tuổi) lại có cái nhìn khá hài hước về vấn đề yêu người bằng tuổi: “'Yêu người bằng tuổi nằm duỗi mà ăn' theo mình là không phù hợp trong cả hiện tại lẫn quá khứ. Mình thấy nằm duỗi ăn dễ bị 'đau bụng' lắm. Từ xưa đến nay người đàn ông nào cũng nhắm cho mình một cô gái ít tuổi hơn để lấy làm vợ, để có thể 'chỉ huy' dễ hơn. Thời nay tuy khác thời xưa nhưng suy nghĩ đấy luôn luôn tồn tại”.
Dũng Minh, 26 tuổi.
Chàng trai 26 tuổi cho rằng lấy vợ bằng tuổi thực ra có khá nhiều điều lợi khi cả hai có thể có nhiều quan điểm chung. “Lấy vợ bằng tuổi có nhiều lợi thế vì hai người chắc chắn sẽ có nhiều quan điểm và cách nhận thức vấn đề tương tự nhau. Họ gần như hai người bạn nên dễ nói chuyện, dễ cảm thông cho nhau hơn, nhất là đối với những cặp đôi từng là bạn học chung. Bạn bè tôi lấy vợ bằng tuổi cũng nhiều, hầu hết toàn là bạn học chung phổ thông và Đại học. Họ đều đã có con và cuộc sống rất ổn định. Tôi tin và mong họ luôn hạnh phúc”.
Tuy vậy, khi được hỏi thì Dũng Minh cho biết anh chàng không có ý định lấy vợ bằng tuổi: "Tôi thấy là theo y học thì cơ thể nữ giới nhanh bị lão hóa hơn đàn ông, lấy vợ cùng tuổi thì sau này đương nhiên vợ sẽ già nhanh hơn chồng, nhiều người nghĩ vậy và cả tôi cũng nghĩ vậy".
Nói tới những yếu tố xây dựng nên một gia đình hạnh phúc, theo Dũng Minh thì tuổi tác của cả hai không phải là vấn đề hàng đầu. “Theo tôi thì việc thành công trong cuộc sống và hạnh phúc trong gia đình phải đến từ nhiều yếu tố. Tuổi tác của hai vợ chồng quả thực cũng rất quan trọng nhưng việc hòa hợp tính cách của cả hai mới là điều tối cần thiết.
Một ví dụ điển hình mà tôi luôn xem đó như một tấm gương, đó là bố mẹ tôi, tuy cách nhau 9 tuổi nhưng hai cụ vẫn có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Tất cả mọi vấn đề chung trong gia đình đều được bố mẹ tôi chung vai giải quyết, từ việc đối nội đối ngoại lẫn nuôi dạy con cái.
Như bạn biết đấy, nhìn vào một gia đình thì điều mà người ta quan tâm là cách họ chung sống ra sao, họ hạnh phúc như thế nào chứ chẳng ai quan tâm xem vợ chồng có cùng tuổi không hay kém tuổi. Hạnh phúc gia đình, như trong trường hợp gia đình tôi thì không phụ thuộc vào tuổi tác đâu” - Dũng Minh cho biết.
Tuổi tác chỉ chiếm 1% hạnh phúc gia đình
Trải nghiệm hôn nhân với người vợ cùng tuổi đã gần 2 năm nay, Việt Đức (26 tuổi) cho biết hai vợ chồng vẫn chưa thực sự được trải nghiệm việc “nằm duỗi mà ăn” cho đến thời điểm hiện tại.
“Tương lai có giống như câu nói của ông bà xưa "Lấy người bằng tuổi nằm duỗi mà ăn" không thì mình không biết, nhưng mình cũng rất mong có ngày như vậy. Còn thực tế, cả 2 vợ chồng mình vẫn phải bươn chải, vợ làm Nhà nước, chồng làm tư nhân, phải cố gắng thì mới có cuộc sống gia đình tạm chấp nhận được với hai vợ chồng và một cô nhóc” - Đức chia sẻ.
Việt Đức, 26 tuổi.
Theo quan điểm của Việt Đức, yêu người bằng tuổi, có những ưu điểm là đồng trang lứa, dễ hiểu và thông cảm cho nhau, dễ nói chuyện hơn, có cái nhìn về một vấn đề có vẻ tương đồng hơn.
“Như gia đình mình, hai vợ chồng như bạn bè vậy, dễ nói chuyện, dễ cảm thông, dễ chia sẻ trong công việc, hai vợ chồng có thể trao đổi, trau dồi cho nhau về các hành vi ứng xử trong công việc, gia đình, đối nội đối ngoại. Nhưng bên cạnh đó có lúc sẽ rất hay cãi vã về một vấn đề tưởng chừng bé xíu vì ai cũng cho rằng mình giỏi hơn, chín chắn hơn đối phương” - Anh chàng 26 tuổi nhận định từ kinh nghiệm bản thân.
Đức cho biết việc xây dựng hạnh phúc gia đình của hai vợ chồng bằng tuổi cũng không có gì khác biệt so với các gia đình khác, có chăng chỉ là sự thông cảm lẫn nhau nhiều hơn mà thôi.
“Mình nghĩ yếu tố bằng tuổi sẽ giúp có thêm một chút lợi thế về sự cảm thông, dễ dàng nói chuyện và chia sẻ cảm xúc thôi, còn nó chỉ chiếm 1% trong các yếu tố dẫn đến một gia đình hạnh phúc. Trong gia đình, yếu tố quan trọng nhất là sự cảm thông, chia sẻ được cho nhau, hỗ trợ tương tác với nhau trong các công việc chung. Mình nhấn mạnh đến sự tôn trọng nhau, mỗi người bớt một câu, bớt một chút tự ái trong các cuộc tranh luận sẽ tránh được rạn nứt tình cảm. Một vấn đề nữa: chung thủy, cái này từ xưa đến nay rồi, một gia đình muốn hạnh phúc ko có sự cố gắng của cả hai bên thì mới bền vững được” - Việt Đức tâm sự.